Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng, ở giai đoạn hiện nay, là phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng.
Quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ rất cao và các giải pháp được đưa ra là khá đồng bộ. Nỗ lực của các bộ ngành, địa phương rất đáng được trân trọng. Tuy nhiên, kết quả còn chưa được như mong muốn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng đã nhấn mạnh, “không được ngăn sông, cấm chợ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh”, Chính phủ chủ trương giãn, hoãn, giảm thuế, bơm tín dụng, giảm thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp, nhưng có địa phương vẫn phát lệnh “cấm sản xuất”, “đóng cửa công trường”, ngăn không cho xe chở nguyên vật liệu và lao động ra vào tỉnh, thành… gây ắc tắc cho sản xuất.
Trên thực tế, khái niệm sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng được hiểu rất khác nhau. Sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu không thể nào quan niệm chỉ bao gồm khâu lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm cuối cùng, mà còn bao gồm cả khâu sản xuất nguyên, nhiên vật liệu, dán nhãn, bao bì…
“Vậy nên, dù không thể mất cảnh giác, lơ là trước dịch bệnh nhưng tôi vẫn muốn đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà xét, dỡ bỏ ngay các quy định bất hợp lý của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, trừ những ngành, những lĩnh vực rất hạn chế phải ngừng hoạt động do yêu cầu chống dịch như hàng không, nhà hàng, du lịch…”, Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.
Trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất, hay đóng cửa ngừng hoạt động thì doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, chúng ta phải rất trân quý, chắt chiu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bởi sau hoạt động của doanh nghiệp là tăng trưởng, là nguồn thu ngân sách, là công ăn việc làm và là nguồn bảo đảm an sinh, xã hội.
Về lâu dài, không ai có thể biết được bao giờ dịch bệnh sẽ qua đi khi nó vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Vậy thì phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”- kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.
Để trợ giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ ban hành danh mục các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị, để có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng các mặt hàng này được thông suốt phục vụ đời sống nhân dân và các yêu cầu của xã hội ngay cả trong trường hợp chúng ta phải siết chặt thêm các biện pháp cách ly hay phong tỏa. Bởi, danh mục mặt hàng thiết yếu theo quan niệm truyền thống rất hẹp, không còn phù hợp.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành đều hướng đến mục tiêu trọng tâm là “trợ giúp” chứ chưa cần “giải cứu” cho doanh nghiệp. Hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng. Các biện pháp khác đóng vai trò bổ trợ.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì kịch bản “giải cứu” sẽ được triển khai. Lúc đó, trọng tâm chính sách nên là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của nhà nước, để tránh đổ vỡ dây chuyền.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm. Tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số… là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến thế nào, thì trong cuộc chiến này, sẽ có một bộ phận doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt. Vì vậy, định hướng chính sách cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh. Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Các ngân hàng thương mại tự mình có thể phân loại và xác định khá chính xác các đối tượng này để định hướng phân bổ nguồn tín dụng.
“Chính sách trợ giúp thông qua tài khóa thì có thể khó khăn hơn. Cho nên sự phối hợp giữa các định chế tài chính và tín dụng là việc quan trọng nên làm trong cả giai đoạn “trợ giúp” và “giải cứu” cho nền kinh tế để có thể tạo ra tác động cộng hưởng. Hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng sẽ không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ khi dịch bệnh mà còn định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi”, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Để các mũi giáp công hỗ trợ doanh nghiệp có được hiệu quả cao giống như trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị Chính phủ cho thành lập ngay Ban chỉ đạo và Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Thành Đạt/Chinhphu