Chưa đạt thỏa thuận về trần nợ, liệu Mỹ có vỡ nợ?

Thứ tư, 24/05/2023 - 08:37

Nền kinh tế số 1 thế giới đang cận kề nguy cơ vỡ nợ khi "ngày X" đang tới gần mà vẫn chưa đạt được thỏa thuận lưỡng đảng về việc nâng trần nợ.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không thể đạt được thỏa thuận về tăng trần nợ công 31.400 tỷ USD của chính phủ Mỹ chỉ 10 ngày trước khi xảy ra khả năng vỡ nợ có thể nhấn chìm nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, hai bên đều tỏ ra lạc quan và tin tưởng rằng họ có thể đạt được một số bước tiến và tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đàm phán về giới hạn nợ với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 22/5/2023. (Ảnh: AP)

Chưa đạt được thỏa thuận lưỡng đảng

Hãng tin Reuters cho biết, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy gây áp lực buộc Nhà Trắng phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang mà Tổng thống Joe Biden coi là "cực đoan". Song, cả hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh vỡ nợ với thiện chí hướng tới một thỏa thuận lưỡng đảng, và sẽ thường xuyên thảo luận trong những ngày tới.

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thời hạn đến ngày 1/6/2023 để tăng giới hạn tự vay của chính phủ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng vỡ nợ chưa từng có mà các nhà kinh tế cảnh báo có thể dẫn đến suy thoái.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo rằng, thời gian còn lại rất ít, ngày vỡ nợ ước tính sớm nhất vẫn là ngày 1/6 và "rất có khả năng" Bộ Tài chính sẽ không thể thanh toán tất cả các nghĩa vụ của chính phủ vào đầu tháng 6 tới nếu trần nợ không được nâng lên.

Việc không nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển thị trường tài chính và đẩy lãi suất cao hơn.

Sẽ mất vài ngày để chuyển luật thông qua Quốc hội nếu ông Biden và McCarthy đạt được thỏa thuận. Thỏa thuận cần phải đạt được trong tuần này để trình Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật một cách kịp thời để tránh vỡ nợ.

Đảng Dân chủ muốn giữ mức chi tiêu ổn định ở mức của năm nay vào năm 2024, trong khi Đảng Cộng hòa muốn quay lại mức của năm 2022 vào năm tới và hạn chế tăng trưởng chi tiêu trong những năm tới. Một kế hoạch được Hạ viện thông qua vào tháng trước sẽ cắt giảm 8% chi tiêu của chính phủ vào năm tới.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy số dư tiền mặt tính đến ngày 18/5/2023 giảm xuống còn 57,3 tỷ USD, trong khi chỉ còn khả năng vay thêm 92 tỷ USD nhờ các công cụ quản lý đặc biệt.

Nợ công của Mỹ đã chạm đến mức trần 31.000 tỷ USD và các quan chức đã cảnh báo nếu không sớm nâng trần nợ, nước này có thể cạn tiền mặt và hết khả năng vay thêm để thanh toán các hóa đơn chính phủ sớm nhất là ngay đầu tháng 6 sắp tới.

Vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc

Theo nhận định trên tờ New York Times, ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết trước phút cuối cùng, sự không chắc chắn kéo dài có thể làm tăng chi phí đi vay và gây bất ổn hơn nữa cho thị trường tài chính Mỹ vốn đã lung lay. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp giảm đầu tư và tuyển dụng khi nền kinh tế số 1 thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái cao và cản trở việc tài trợ cho các dự án công trình công cộng.

Bế tắc trong việc nâng trần nợ công có thể làm giảm niềm tin dài hạn vào sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ, với những hậu quả lâu dài. (Ảnh minh họa: KT)

Hiện tại, các nhà đầu tư đang có một vài dấu hiệu báo động. Mặc dù các thị trường đã giảm vào thứ Sáu (19/5) sau khi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội tuyên bố "tạm dừng" đàm phán, nhưng mức giảm này rất khiêm tốn, cho thấy các nhà giao dịch đang đánh cược rằng cuối cùng các bên sẽ đi đến một thỏa thuận - như họ vẫn luôn làm trước đây.

Nhưng tâm lý nhà đầu tư có thể thay đổi nhanh chóng khi cái gọi là "ngày X" - khi Kho bạc không thể tiếp tục thanh toán các hóa đơn của chính phủ - đang đến gần. Khi các nhà đầu tư lo ngại rằng chính phủ liên bang sẽ không trả được nợ đối với trái phiếu kho bạc sắp đáo hạn, họ bắt đầu yêu cầu lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro lớn hơn.

Các phân tích sau khi tình trạng gần như vỡ nợ xảy ra hồi năm 2011 cho thấy thị trường chứng khoán lao dốc đã làm bốc hơi 2.400 tỷ USD tài sản hộ gia đình, mất thời gian để xây dựng lại và khiến người nộp thuế phải trả hàng tỷ USD tiền lãi suất cao hơn. Ngày nay, tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, lĩnh vực ngân hàng đã bị lung lay và quá trình mở rộng kinh tế đang ngày càng khó khăn.

Randall S. Kroszner, nhà kinh tế học tại Đại học Chicago và là cựu quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (FED), cho biết: "Hiện đang ở chế độ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong tình hình hiện tại, khi có rất nhiều điểm yếu trong hệ thống ngân hàng, nền kinh tế đang gặp nhiều rủi ro hơn."

Lãi suất tăng đối với trái phiếu liên bang sẽ ảnh hưởng đến lãi suất vay đối với các khoản vay mua ô tô, thế chấp và thẻ tín dụng. Điều đó gây khó cho người tiêu dùng, những người đã bắt đầu mắc nợ nhiều hơn - và mất nhiều thời gian hơn để trả nợ - vì lạm phát đã làm tăng chi phí sinh hoạt. Người tiêu dùng có thể rút lại việc mua hàng của họ, vốn chiếm khoảng 70% nền kinh tế.

Nancy Vanden Houten, chuyên gia kinh tế cấp cao của Oxford Economics, cho rằng ngày X đến quá gần và thực sự lo lắng về việc không thanh toán được các khoản như an sinh xã hội hoặc lãi suất cho khoản nợ.

Lãi suất đột ngột cao hơn sẽ đặt ra một vấn đề thậm chí còn lớn hơn đối với các công ty mắc nợ cao. Nếu họ phải gia hạn các khoản vay sắp đến hạn, thì việc làm như vậy ở mức 7% thay vì 4% có thể ảnh hưởng đến dự đoán lợi nhuận của họ, khiến họ phải vội vàng bán cổ phiếu. Giá cổ phiếu giảm trên diện rộng sẽ làm xói mòn thêm niềm tin của người tiêu dùng.

Ngay cả khi thị trường vẫn ổn định, chi phí đi vay cao hơn sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực công cộng. Ước tính, sự bế tắc về giới hạn nợ năm 2011 đã làm tăng chi phí đi vay của Bộ Tài chính Mỹ lên 1,3 tỷ USD chỉ riêng trong năm tài chính 2011. Hồi đó, nợ liên bang chiếm khoảng 95% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia. Bây giờ là 120%, có nghĩa là việc trả nợ có thể trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều./.

Trần Ngọc/VOV.VN (lược dịch)Theo Reuters, New York Times