rong bối cảnh biến thể Delta đang làm gia tăng số ca mắc Covid-19 ở châu Âu và sự lo ngại ngày càng gia tăng về biến thể Omicron, chính phủ các nước trên thế giới đang cân nhắc các biện pháp mới trong khi người dân đã rất mệt mỏi và chán nản khi nghe thông tin về các biện pháp hạn chế.
Đó là bài toán hóc búa với nhiều yếu tố phải tính đến như viễn cảnh phản ứng dữ dội, sự chia rẽ xã hội gia tăng và đối với nhiều chính trị gia, đó là nỗi lo sợ bị mất phiếu bầu.
Khu phố mua sắm ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan ngày 29/11 gần như vắng tanh sau 17h chiều, sau khi lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 có hiệu lực. Ảnh: AP
“Tôi biết sự thất vọng mà tất cả chúng ta đều cảm thấy về biến thể Omicron này, cảm giác kiệt sức mà chúng ta có thể phải trải qua thêm một lần nữa”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ngày 30/11, hai ngày sau khi chính phủ thông báo bắt buộc đeo khẩu trang trở lại trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng và yêu cầu tất cả du khách từ nước ngoài phải trải xét nghiệm Covid-19 và cách ly.
Những hạn chế mới đang được thực hiện trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo đang đau đầu vì “lời hứa thất bại” rằng: tiêm chủng trên diện rộng sẽ giúp chấm các biện pháp hạn chế.
Hà Lan, nước áp lệnh giới nghiêm sau 17h có hiệu lực vào tuần trước, đã phải điều động cảnh sát tuần tra để giải tán các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa mới. Nhưng hầu hết mọi người đều tỏ ra chấp hành và vội vàng hoàn tất công để về nhà.
“Điều duy nhất tôi có thể làm là tuân thủ quy định và hy vọng mọi việc sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Với tôi thì không có vấn đề gì. Tôi là một y tá. Tôi biết người bệnh ốm yếu đến mức nào”, Wilma van Kampen cho biết.
Ở Hy Lạp, những người trên 60 tuổi phải đối mặt với khoản tiền phạt 100 euro (113 USD) một tháng nếu họ không tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tiền phạt sẽ được chuyển vào các hóa đơn thuế vào tháng 1 năm sau.
Khoảng 17% người Hy Lạp trên 60 tuổi vẫn chưa tiêm vaccine bất chấp những nỗ lực vận động của chính quyền, trong khi cứ 10 người Hy Lạp tử vong do Covid-19 hiện nay, có 9 người trên 60 tuổi.
“Tôi không quan tâm tới việc các biện pháp này sẽ khiến tôi mất phiếu bầu trong các cuộc bầu cử. Tôi nhận thấy rằng chúng tôi đang làm đúng và chính sách này sẽ cứu sống nhiều người”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết ngày 1/12.
Thay vì áp dụng các biện pháp cứng rắn, chính phủ Slovakia đề xuất tặng cho những người từ 60 tuổi trở lên 500 euro (568 USD) nếu họ tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Trong khi đó, chính phủ Israel thông báo sẽ sử dụng công nghệ giám sát trên điện thoại gây để theo dõi tiếp xúc của những người đã được xác nhận nhiễm biến thể Omicron.
Các nhóm nhân quyền Israel chỉ trích việc sử dụng công nghệ này là xâm phạm quyền riêng tư, trong khi một số người cho rằng sử dụng công nghệ này ở các không gian trong nhà không có độ chính xác cao. Đầu năm nay, Tòa án Tối cao Israel đã ra phán quyết hạn chế sử dụng công nghệ này.
“Chúng ta cần sử dụng công cụ này trong trường hợp rất cần thiết nhưng tôi chưa thấy chúng ta đang ở trong một tình huống như vậy”, Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Saar phát trên kênh truyền thông Kan đầu tuần này.
Phong tỏa sẽ là biện pháp cuối cùng
Ở Mỹ, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không mong muốn quay trở lại chế độ phong tỏa hoặc truy vết tiếp xúc chặt chẽ. Việc thực thi các biện pháp thậm chí đơn giản như đeo khẩu trang đã trở thành một tiêu điểm chính trị.
Tổng thống Joe Biden hiện đang kết hợp giữa áp lực và kêu gọi khẩn cấp để người dân tiêm đi tiêm vaccine ngừa Covid-19, cả mũi đầu tiên cũng như tăng cường. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng đang cân nhắc kế hoạch yêu cầu tất cả những người đi lại bằng máy bay đến Mỹ phải xét nghiệm trong vòng 1 ngày trước khi lên máy bay, thay vì 3 ngày như hiện nay.
Tuy nhiên, các cố vấn của ông Biden đã loại trừ khả năng áp phong tỏa trên diện rộng.
Tổng thống Biden nói rằng, Mỹ sẽ đối phó với Covid-19 và biến thể mới không phải bằng cách “đóng cửa hay phong tỏa mà bằng tiêm chủng trên diện rộng, các mũi tăng cường và xét nghiệm”.
“Nếu mọi người đều được tiêm chủng và đeo khẩu trang, sẽ không cần phải phong tỏa”, ông Biden nói.
Chile đã thực hiện một chiến lược cứng rắn hơn kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron: Những người trên 18 tuổi phải tiêm mũi tăng cường mỗi 6 tháng để có “hộ chiếu” vào nhà hàng, khách sạn và các buổi tụ tập công cộng.
Chile cũng không dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng – biện pháp được áp dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới hiện nay.
Tiến sĩ Madhukar Pai thuộc Trường Dân số và Y tế Công cộng của Đại học McGill nói rằng, khẩu trang là một cách dễ dàng và không gây đau đớn để giảm lây truyền bệnh, nhưng các xét nghiệm tại nhà, rẻ tiền cũng cần được phổ biến rộng rãi hơn nhiều, cả ở nước giàu và nước nghèo.
Ông Pai cho biết việc yêu cầu tiêm mũi tăng cường trên toàn cầu, như trường hợp của Israel, Chile hay nhiều quốc gia châu Âu sẽ chỉ kéo dài đại dịch, bởi điều này khiến nhiều người ở các nước đang phát triển gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận mũi tiêm đầu tiên. Hậu quả là các biến thể mới có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn. Theo ông, phong tỏa, chỉ nên là sự lựa chọn cuối cùng.
“Các lệnh phong tỏa sẽ chỉ được thực hiện khi hệ thống y tế sắp sụp đổ. Đó là lựa chọn cuối cùng khi bạn đã thất bại với những lựa chọn đúng khác”.
Trong khi đó, cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa cần các biện pháp hạn chế mới để đề phòng biến thể Omicron. Người đứng đầu bộ phận dịch tế thuộc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, ông Ngô Tôn Hữu cho biết, Omicron dấy lên mối đe dọa nhưng có thể kiểm soát được.
“Dù có biến thể mới, các biện pháp y tế cộng đồng của Trung Quốc vẫn hiệu quả”, ông Ngô Tôn Hữu nói./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo AP