Trong việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích, rất cần sự quan tâm sâu sắc, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.
Các đại biểu cắt băng khánh thành đình Vạn Phước. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh điều này khi dự lễ khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Vạn Phước do UBND tỉnh Long An tổ chức sáng 14/3 tại ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.
Đến dự buổi lễ có: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành khu vực.
Đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), một thiết chế làng xã truyền thống Nam Bộ được xây dựng vào năm 1877; là địa điểm lưu niệm 2 nhân vật có nhiều cống hiến đối với địa phương và đất nước. Đó là Đốc binh Bùi Quang Diệu - thủ lĩnh nghĩa quân của vùng Cần Đước - Cần Giuộc trong phong trào vũ trang kháng Pháp cuối thế kỷ XIX và Nhạc sư hậu tổ, nghệ nhân tiền phong nhạc lễ, nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại.
Nơi đây còn là địa điểm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2019, đình Vạn Phước bắt đầu được trùng tu, tôn tạo và trong ngày khánh thành hôm nay (14/3/2021), thiết chế văn hóa làng xã này được tỉnh Long An trao Bằng xếp hạng “Di tích Lịch sử - Văn hóa” cấp tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, với tình cảm chân thành của một người con quê hương Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết ông rất vui mừng khi đình Vạn Phước, thiết chế văn hóa chứa đựng những giá trị tiêu biểu, một trong những di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Long An, sau thời gian khởi công trùng tu, tôn tạo đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Điểm qua một số chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về văn hóa, Phó Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và xác định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc với tinh thần trân trọng, kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông nhằm giáo dục các thế hệ mai sau trong xây dựng, phát triển đất nước.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới, thúc đẩy kinh tế phát triển, chăm lo đời sống nhân dân, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, thực sự trở thành một tỉnh mạnh, đứng trong tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Cùng với đó, Long An cũng rất quan tâm bảo tồn, phát huy và tôn vinh truyền thống tốt đẹp của cha ông. Việc triển khai trùng tu, xây dựng đình Vạn Phước xứng tầm với giá trị, ý nghĩa sâu sắc chứa đựng trong di tích thể hiện sự quan tâm này. Đây là biểu hiện của tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.
Cho rằng, xây dựng di tích đã khó, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy cao độ những giá trị về lịch sử - văn hóa của di tích còn khó hơn, vì vậy, Phó Thủ tướng kêu gọi sự quan tâm sâu sắc, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của quê hương, trong đó có đình Vạn Phước.
“Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải làm cho di tích đình Vạn Phước ngày càng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là đáp ứng yêu cầu giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước và những giá trị bền vững của văn hóa Việt Nam vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng quà cho Quỹ Khuyến học huyện Cần Đước. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phó Thủ tướng mong rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa, phát huy tinh thần kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo để hoàn thành mục tiêu của Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời với phát triển kinh tế, phải đi đôi với phát triển văn hóa mà trong đó việc kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa là hết sức quan trọng, góp sức vào việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Mạnh Hùng/Chinhphu