TNV - Chiều ngày 6 tháng 4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội, Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long phối hợp với Tạp chí Tinh Hoa Đất Việt đã tổ chức giới thiệu chương trình.
Với mong muốn Áo dài trở thành Di sản của Việt Nam và thế giới, những hoạt động trong khuôn khổ ÁO DÀI CỦA CHÚNG TA với chủ đề “ Thế giới trong áo dài Việt” sẽ được diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Hà Nội vào lúc 19h30 ngày 9 tháng 4.
PG. Tiến sĩ Trần Đức Ngôn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu tại chương trình, bà Bùi Thị Hòa – Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: Áo dài là di sản văn hóa của người Việt Nam, có sự phát triển, tiếp biến văn hóa và đã trở thành hình ảnh đặc trưng của Phụ nữ Việt Nam, của con người Việt Nam với nhiều giá trị văn hóa ẩn hiện trong đó. Trong thế giới phẳng và hội nhập cao độ như hiện nay, việc khẳng định, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở nên đặc biệt cần thiết.
Nhưng để một di sản văn hóa thực sự trường tồn, thì di sản ấy phải là một di sản “sống”, phải mang hơi thở cuộc sống, phải phát triển trong cuộc sống thường ngày và phát triển cùng với sự phát triển chung của đất nước. Chính vì vậy, từ cuối năm 2019, sở dĩ Hội LHPN Việt Nam đã khởi xướng và nỗ lực triển khai nhiều hoạt động chủ đề “Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam” nhằm khơi dậy niềm tự hào với trang phục dân tộc trong mỗi phụ nữ, mỗi người dân Việt Nam, để họ yêu, họ quảng bá văn hóa và qua đó làm nên sức sống của áo dài – di sản văn hóa Việt Nam, góp phần đưa các giá trị của Áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh thêm.
Bà Bùi Thị Hòa – Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại chương trình.
Sự kiện ÁO DÀI CỦA CHÚNG TA sẽ có 15 Nhà thiết kế trong cả nước giới thiệu 15 BST Áo Dài lấy ý tưởng từ 15 quốc gia trên thế giới. Đó là NTK Huệ Thi đến từ Cần Thơ sẽ mở màn Chương trình bằng BST đậm chất Việt Nam. NTK Trung Beret đến từ Daklakvới BST diễn đạt sự bình yên của đất nước Lào. NTK Trần Thanh Mẫn đến từ Huế với BST thể hiện tính hoàng gia sang trọng của Thái Lan. NTK Cao Duy đến từ Tiền Giang với BST thể hiện những kỳ quan của đất nước Trung Quốc. NTK Ngọc Hân từ Hà Nội với BST diễn tả đất nước Ấn Độ qua những hoa văn cung đình. NTK Trần Thiện Khánh đến từ đất kinh thành Huế với BST mang phong cách phong cách Hàn Quốc thông qua những bộ áo Hanbok. NTK Hà Duy (Hà Nội) với BST mang phong cách kiến trúc của Nhật Bản được thể hiện bằng sự sâu lắng nhẹ nhàng. NTK Minh Hạnh đến từ TP. HCM) với BST mang phong cách nước Nga với nền văn hóa vĩ đại. Ngoài ra còn một số nhà thiết kế khác như Trịnh Bích Thủy, Công Huân, Cao Minh Tiến với những BST mang phong cách của một số nước trên thế giới như Hy Lạp, Mỹ, Đức…
Tất cả những BST sẽ được thực hiện bằng chất liệu truyền thống Việt Nam như Lụa: Vietnam Silk House và vải Gai AP, một chất liệu truyền thống bị lãng quên nhiều năm và đã được sống lại. Chất liệu truyền thống Việt Nam sẽ ghi thêm dấu ấn đậm nét về cội nguồn dân tộc trên chiếc Áo Dài.
Hơn 600 bộ áo dài sẽ được giới thiệu trong không gian văn hóa là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với hơn 400 diễn viên sẽ tham gia sự kiện này, trong đó đặc biệt là phu nhân các đại sứ Italia, phu nhân đại sứ Ấn Độ, phu nhân đại sứ Lào, phu nhân đại sứ Belarus, các thành viên của Mozambique… cùng các nghệ sĩ nhân dân như: NSƯT Thanh Tú, NSND Thu Hà, NSND Lan Hương (Em bé Hà Nội), NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hòa, NSND Trà Giang.
Ngoài ra còn có sự tham gia của 100 học viên của Học viện Phụ nữ, 40 thiếu nhi của đội tuyển trống thiếu nhi Hà nội, cùng 90 người mẫu từ TP. HCM và Hà Nội.
Một số BST trong chương trình:
Hoàng Hà