Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1990). Sau 1 năm, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 1991 và đến năm 2016 sửa đổi thành Luật Trẻ em. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật.
Năm 2014, Quốc hội cũng đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Chính vì vậy, người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng đã được quan tâm chăm sóc và bảo vệ, cuộc sống của trẻ em khuyết tật đã dần được cải thiện.
Các đại biểu tham quan triển lãm tranh do trẻ khiếm thính vẽ.
Phát biểu tại chương trình, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Hiện nay ở Việt Nam có gần 8 triệu người khuyết tật, trong đó có hơn 800.000 trẻ em khuyết tật với gần 40.000 trẻ em khiếm thính. Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm trẻ em khuyết tật. Sự quan tâm đó được thể hiện qua việc Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật.
Tiết mục trình diễn áo dài bởi các bạn khiếm thính tại chương trình.
Tại chương trình đã diễn ra các hoạt động như: Trình diễn áo dài bởi các bạn khiếm thính, đấu giá tranh gây quỹ Hành trình âm thanh 2024, triển lãm tranh do trẻ khiếm thính vẽ, trải nghiệm làm sản phẩm thủ công từ vỏ mì tôm cùng các bạn khiếm thính, tìm hiểu về chăm sóc thính giác đúng cách…
PV