Chương trình đào tạo cho Cán bộ Đoàn phụ trách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được xây dựng từ kinh nghiệm của những người trong cuộc

Thứ ba, 27/04/2021 - 14:05

TNV - Sáng nay 27/4/2021, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị xây dựng Chương trình đào tạo cho Cán bộ Đoàn phụ trách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hội nghị do Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng các chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Ban tổ chức trao đổi với các đại biểu

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn; Các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các cán bộ Đoàn ở địa phương đang trực tiếp hỗ trợ cho thanh niên địa phương khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương.

Kể từ năm 2016, khi Thủ tướng phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp, Trung ương Đoàn đã có nhiều hoạt động xây dựng hệ sinh thai, kết nối các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, thành lập các cơ sở ươm tạo, trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tổ chức nhiều sự kiện quy tụ các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước. Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được triển khai đồng bộ ở các địa phương, các tỉnh thành đoàn đã phân công cán bộ trực tiếp làm công tác hỗ trợ và tư vấn cho thanh niên khởi nghiệp.

Phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở thanh niên nông thôn trong thời gian qua đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, thể hiện qua ý chí khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ của thanh niên nông thôn. Và một yếu tố không thể không nhắc tới là sự nỗ lực hỗ trợ, đồng hành của tổ chức Đoàn các cấp.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua, xuất phát từ thực tế triển khai các công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại các tổ chức Đoàn các cấp, đặc biệt là tại địa bàn nông thôn, cho thấy thực trạng nhiều cán bộ Đoàn vẫn còn nhận thức khá đơn giản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa nắm rõ được các khái niệm cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như chưa biết cách hỗ trợ những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên tại địa phương một cách hiệu quả nhất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Chính vì vậy, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ Đoàn các cấp về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng năng lực cần thiết để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, từ đó phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp tại địa phương. Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức hội nghị nhằm xây dựng một các chương trình đào tạo (cơ bản và chuyên sâu) dành cho cán bộ Đoàn phụ trách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào các kiến thức hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các bạn Đoàn viên, thanh niên chia sẻ những quan điểm, tư tưởng và những giải pháp nhằm xây dựng chương trình đào tạo dành cho chính những cán bộ Đoàn phụ trách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách phù hợp và hiệu quả.

Tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn phát biểu, với sứ mệnh tuyên truyền, kết nối và cổ vũ thanh niên khởi nghiệp toàn quốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ngành tại các địa phương, với nhiều năm tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cho thanh niên, Trung ương Đoàn đã cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; mong muốn thông qua chương trình sẽ tạo một môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn nói riêng trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tài nguyên bản địa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Với lợi thế là một tổ chức xã hội rộng rãi của Thanh niên Việt Nam, cùng mạng lưới sâu rộng phủ khắp 63 tỉnh thành, lan toả tới các thôn, xóm; chương trình được tổ chức với mục đích kết nối các hoạt động nhỏ lẻ tự phát về khởi nghiệp trên toàn quốc, tạo ra một sân chơi năng động, thu hút nhóm thanh niên nông thôn, thanh niên thành thị tham gia dựa trên một cơ chế vận hành đề cao tính thực hành.

Tại Hội nghị, ban tổ chức đã thông qua dự thảo các tài liệu các chương trình đào tạo trong nhiệm vụ đề ra và mời các chuyên gia cho ý kiến đóng góp. Các chuyên gia đóng góp ý kiến: “Đối với tài liệu cơ bản cần bổ sung xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay là gì? Bổ sung thêm nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý chia tiết như sau: “Đối với tài liệu cơ bản: Nội dung triển khai đưa vào các khoá cấu trúc xây dựng từng buổi hoặc từng chuyên đề cụ thể; Đối với tài liệu chuyên sâu: Bổ sung phụ lục các mô hình cụ thể để tham khảo và có minh chứng cho bài giảng”. Đồng chí Lê Thanh Tú, Phó trưởng Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn đề nghị bổ sung thêm nội dung trong bài giảng chuyên sâu: Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội đã có những động thái nào dành sự quan tâm đến vấn đề thúc đẩy khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng. Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh trong nuôi gà sinh sản và liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi gà bản Đầm Hà” đạt giải trong Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 đề xuất trong bài giảng có phần nội dung về cách quản lý tài chính trong vấn đề khởi nghiệp và đối với phần bài giảng chuyên sâu về nội dung chương trình mỗi xã một sản phẩm có đưa ra kinh nghiệm triển khai chương trình này tại một số nước, đề xuất bổ sung phần nội dung bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam để nhằm triển khai chương trình tốt hơn. Đại diện từ tỉnh đoàn Lâm Đồng đề xuất bổ sung phần phân loại sản phẩm OCOP viết theo hình thức bảng phân loại để dễ tiếp cận, bổ sung nội dung về triển khai kế hoạch kinh doanh trong bài giảng về các kiến thức cơ bản.

Qua các góp ý của các Chuyên gia và sự thảo luận cởi mở tại Hội nghị, Khung chương trình đào tạo cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ đoàn phụ trách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã nhân được nhiều góp ý hữu ích để hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào giảng dạy cho các cán bộ Đoàn tại các địa phương trong thời gian sắp tới.

PV