Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững hơn, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong đó, chuẩn nghèo đa chiều rất chú ý tới việc phải bảo đảm mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) gắn với mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Những mục tiêu trên đều có ý nghĩa rất quan trọng bởi phụ nữ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, bị một số hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: lao động, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế…
Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay khi thị trường việc làm có nhiều biến động, yêu cầu nắm bắt khoa học công nghệ đang có xu hướng tăng cao sẽ dẫn tới việc các lao động nữ yếu thế, lao động nữ chưa có tay nghề hoặc tay nghề còn non yếu sẽ dễ dàng bị mất việc. Điều này dẫn tới một bộ phận lao động nữ có thể trở thành lao động tự do, có việc làm thiếu ổn định và sinh ra đói nghèo.
Bởi vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ ban hành, trong quá trình thực hiện đã chú trọng tới nguyên tắc bình đẳng giới, lồng ghép các chế độ, chính sách để ưu tiên phụ nữ hưởng lợi. Cụ thể, phụ nữ thuộc các hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều được tham gia vào tất cả các chương trình giảm nghèo ở giai đoạn này. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể với sự bình đẳng giới về mọi mặt xã hội đối với phụ nữ và nâng cao vai trò, vị thế của phái nữ đối với công cuộc giảm nghèo, góp sức vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Nhằm triển khai chương trình một cách hiệu quả, ban chỉ đạo cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới, tích cực vào cuộc để triển khai các dự án giao cho phụ nữ thực hiện liên quan đến phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Theo thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025; Hội đã triển khai các cách làm mới, sáng tạo, có tính lan tỏa cao như chuyển đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng xây dựng các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo đối với lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, tiểu thủ công truyền thống gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao và hướng đến sản xuất an toàn.
Chuyển hướng từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện trong các mô hình hỗ trợ sinh kế, các hội viên được nhận hỗ trợ có cam kết thoát nghèo và hoàn lại mức hỗ trợ được nhận ban đầu để hỗ trợ cho thành viên khác. Với cách làm này, từ các năm 2018 - 2020, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng được gần 100 mô hình, thu hút trên 1.500 lao động nữ tham gia; trong đó có gần 1.000 phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 90%); nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó có cơ hội việc làm đã được giải quyết vấn đề việc làm. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách được phân bổ, Trung ương Hội đã thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với Hội LHPN các cấp, qua đó xây dựng được 37 mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo với 664 phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia.
Ngoài ra, Hội đã tham mưu thành công Chính phủ ban hành 02 Đề án là Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01) để tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ có thể phát huy được vai trò của mình trong tạo lập sinh kế bền vững và thoát nghèo.
Nhìn chung, trong thời gian tới, để đảm bảo công cuộc giảm nghèo gắn với bình đẳng giới dành cho phụ nữ và trẻ em gái, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về kinh tế, lao động sao cho phù hợp với sự phát triển, đóng góp của phái nữ. Cùng với đó, lồng ghép bình đẳng giới vào các mặt của đời sống xã hội như luật pháp, chính sách, các chương trình, dự án để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Cuối cùng, tuyên truyền, lồng ghéo giới một cách đầy đủ, hiệu quả vào các Chương trình MTQG như Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, và các chương trình, chính sách giảm nghèo khác để đạt những kết quả tích cực nhất.