Thị trường phụ kiện máy tính đang được ‘hâm nóng’ trở lại với sự có mặt của những thương hiệu mới, dám thử nghiệm với những công nghệ hiện đại và khác lạ. Một trong những cái tên đó là Pwnage đến từ Mỹ, với bộ đôi chuột StormBreaker và bàn phím Zenblade 65 mà chúng ta sẽ đập hộp để tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Chuột ‘đục siêu nhiều lỗ’
Ta sẽ ‘đập hộp’ từ con chuột trước. Phiên bản mà chúng ta có ở đây là phiên bản đặc biệt, hợp tác với đội Bilibili Gaming của tựa game bắn súng Valorant.
Ngay từ khi mở hộp ta đã thấy con chuột với kiểu dáng rất đặc biệt và khác lạ được đặt ở trên, tạm thời bỏ qua 1 bên đã!
Bộ phụ kiện gồm có một sợi dây USB-C, bộ chân (feet chuột) thay thế, rất nhiều miếng grip-tape (tăng ma sát khi cầm chuột), dongle 2.4GHz và một chiếc tuốc-vít mà ta sẽ tìm hiểu công dụng ở phần sau.
Dongle của Pwnage StormBreaker có kiểu dáng ‘không giống ai’, nhìn như một chiếc kim tự tháp vậy! Một ưu điểm đó là dongle này hỗ trợ luôn tần số quét lấy mẫu của chuột lên tới 4000Hz, một nâng cấp so với những con chuột tầm giá thấp hơn thường chỉ đi kèm với dongle 1000Hz.
Chỉ cần nhìn ảnh thôi, bạn cũng có thể thấy con chuột này có khá nhiều điểm độc đáo. Đầu tiên, phiên bản BLG Valorant được phối màu xanh da trời ở phía đuôi chuột và chuyển dần sang màu hồng ở 2 nút bấm. Ở đoạn nút bấm, ta cũng thấy những đường khắc chìm chứ không làm phẳng hoàn toàn như những con chuột khác.
Thêm vào đó, trên thân chuột có rất nhiều lỗ, với mỗi lỗ lại có một hình dáng khác nhau nhưng được đặt cân xứng ở giữa chuột. Việc khoét lỗ trên thân chuột này là để giảm trọng lượng và với Pwnage StormBreaker thì cũng là một yếu tố trang trí rất bắt mắt.
Vẫn chưa hết! Toàn thân chuột được hoàn thiện bằng kim loại, cụ thể là Magnesium chứ không phải là nhựa như những con chuột khác. Magne là một vật liệu có độ bền bỉ cao, nhưng lại có khối lượng riêng nhẹ và thường thấy trong chế tác máy ảnh, giờ đã được một hãng sử dụng để làm chuột.
Kết hợp giữa việc ‘khoét lỗ’ và sử dụng magne, StormBreaker có trọng lượng chỉ 50g - rất nhẹ cho một con chuột có kích thước lớn như thế này. Giống với Lamzu Thorn hay Pulsar Xlite V3 mà ta đã tìm hiểu trong những bài viết trước, StormBreaker cầm trên tay rất nhẹ, di chuyển gần như không có độ ‘lì’ ban đầu và khi dùng trong thời gian dài cũng thoải mái tay hơn.
Tuy vậy, việc khoét rất nhiều lỗ trên chuột như vậy cũng là con dao 2 lưỡi, đem tới một vài nhược điểm trong quá trình sử dụng. Đầu tiên, những lỗ này sẽ là điểm mà cát bụi có thể rơi vào làm bẩn, và tệ hơn là để rơi chất lỏng vào sẽ có nguy cơ cao gây hỏng hóc. Chính vì vậy mà khi sử dụng những con chuột có lỗ như thế này, người dùng phải để ý vệ sinh sạch sẽ một chút.
Thứ 2, nếu như cầm chuột thật chặt thì ta cũng có thể cảm nhận được những cái lỗ ở 2 bên hông chuột. Lỗ đã được sử lý tốt để không bị sắc cạnh, nên cũng chỉ dừng lại ở việc ‘cảm nhận thấy’ thôi chứ không đến mức gây ra đau tay. Tuy vậy ta cũng sẽ phải mất 1 thời gian (1 - 2 ngày) để làm quen với cảm giác này, nếu không thì cũng có thể dùng grip-tape ở những nơi tiếp xúc với ngón tay.
Mặc dù có rất nhiều lỗ ở tất cả các cạnh, Pwnage StormBreaker vẫn có độ cứng cáp ở vỏ chứ không có cảm giác bị ọp ẹp, rẻ tiền. Nhấn thật mạnh lên chuột, chỉ có 1 phần nhỏ ở dưới đáy là sẽ uốn cong nhẹ xuống, tuy vậy trên thực tế thì không ai dùng chuột như vậy cả!
Chuột dùng cảm biến PixArt PAW 3395, là cảm biến cao cấp cũng đã được sử dụng ở khá nhiều những con chuột ở tầm giá này hoặc thấp hơn 1 chút, nên trải nghiệm di chuột không có gì đáng để phàn nàn cả.
Nhưng điểm đặc biệt nằm ở việc ta có thể sử dụng tuốc-vít trong hộp để tháo hệ thống cảm biến này rời ra rồi di chuyển lên xuống theo 1 đường thẳng ở đáy chuột.
Theo đó, mỗi con chuột sẽ có một vị trí đặt cảm biến khác nhau, thường là trên hoặc dưới 1 chút đường thẳng giữa ngón út và ngón cái khi cầm chuột. Mỗi người sẽ có 1 sở thích khác nhau, và Pwnage cho phép người dùng điều chỉnh trực tiếp ngay trên StormBreaker để đỡ phải đi thử nhiều!
Với trải nghiệm cá nhân của tôi, cảm biến đặt ở chính giữa chuột (cũng là vị trí mặc định) cho cảm giác sử dụng tự nhiên nhất, con trỏ gần như ‘dính’ với di chuyển của tay. Nhưng với những bạn thích di chuyển ngón tay nhiều hơn so với cổ tay, không di chuyển bàn tay nhiều trên bàn thì có thể sẽ thích để cảm biến cao lên 1 chút, khi ‘vẩy’ trong các tựa game bắn súng sẽ cho cảm giác nhanh nhạy hơn.
Phần mềm của Pwnage trên máy tính cho phép điều khiển các mức DPI, điểm dừng nhận cảm biến (Life off distance), tần số lấy mẫu, thời gian tự động tắt và theo dõi thời lượng pin.
Chuột sử dụng switch quang học, nhưng là loại từ thương hiệu có tiếng Omron. Switch này cho cảm giác bấm nặng hơn so với Lamzu Thorn lẫn Pulsar Xlite V3 nên sẽ tốn thêm lực để nhấn xuống, nhưng sẽ cho cả giác ‘vật lý’ (tactile) hơn.
Về kiểu dáng, Pwnage StormBreaker dường như cũng là một biến thể của con chuột công thái học tay phải nổi tiếng Zowie EC2-CW như Pulsar Xlite V3. So sánh trực tiếp 2 mẫu chuột này, StormBreaker có phần đuôi giống gần như hoàn toàn, nhưng có phần nút bấm được đặt thấp hơn so với Xlite V3.
Đối với tôi, bất cứ con chuột nào có kiểu dáng ‘từa tựa’ Zowie EC2-CW đều thoải mái, cân bằng giữa cảm giác nâng đỡ bàn tay nhưng vẫn có sự linh hoạt để di chuyển trong game. Đặc biệt là với những con chuột thế hệ mới với trọng lượng thấp, thì lại càng trở nên thoải mái và nhẹ nhàng trong việc di chuyển.
Với Pwnage StormBreaker nói riêng, nó còn đem lại những điểm hiện đại khác như được chế tác bằng magne, có sẵn dongle 4K và khả năng thay vị trí cảm biến nên mức giá cũng cao cấp tương xứng: 4.620.000 Đồng.
Bàn phím bấm ‘nhanh như hack’
Không chỉ có chuột StormBreaker, chiếc bàn phím Zenblade 65 cũng có khá nhiều điểm hiện đại để ta trải nghiệm. Hộp của sản phẩm được làm bằng nhựa nhưng được in vân để nhìn giống được bọc da.
Bộ phụ kiện trong hộp gồm có một chiếc lấy keycap (keycap puller), dây cắm USB-C bọc vải và những miếng grip-tape để gắn lên trên những keycap sử dụng nhiều.
Cảm nhận đầu tiên khi lấy bộ bàn phím này ra khỏi hộp đó là nó khá nặng vì vỏ ngoài được hoàn thiện bằng nhôm rất dày.
Phần vỏ này có thiết kế rất góc cạnh, tạo cảm giác mạnh mẽ.
Để có được thiết kế này, Pwnage cho biết đã dùng một khối nhôm tiêu chuẩn hàng không (Aerospace) và cắt CNC. Cổng USB-C được đặt ở phía trái cạnh sau, hơi ‘thụt’ vào trong một chút nên chỉ thích hợp dùng với dây được tặng kèm trong hộp hoặc những dây có đầu cắm nhỏ.
Lật phím lên, mặt dưới được trang trí một bằng miếng nhôm màu đỏ lớn với logo Pwnage in chìm. Phím đã có góc nghiêng trong thiết kế vỏ, nên hãng cũng không làm thêm phần chân (feet) nữa, chỉ có 4 miếng cao su để trống trơn trượt thôi.
Trở lại với mặt trên, đây là một bộ bàn phím với kích thước 65% tức là đã loại bỏ hàng Numpad, các phím điều hướng cũng được ‘kéo’ sát với hàng chữ để tiết kiệm diện tích. Ở cạnh trái bên cạnh nút Space có 3 nút chức năng 1U thay vì 2 phím 1.5U như một số bàn phím 65% khác.
Nhược điểm của layout phím này đó không có hàng Function ở phía trên, thay vào đó để kích hoạt thì ta sẽ phải nhấn Fn + các phím ở hàng số. Chính vì vậy mà những bạn thường xuyên chơi những game cần hàng Function thì đây không phải là lựa chọn khả thi.
Keycap có kiểu dáng Cherry khá tiêu chuẩn, và được làm dạng double-shot (2 lớp) với lớp chữ trong suốt để xuyên đèn LED ở dưới lên.
Các hiệu ứng đèn của Pwnage Zenblade 65
Thiết kế cũng là một điểm đáng nói, nhưng tính năng ‘ăn tiền’ nhất của Zenblade 65 đó là hệ thống switch Hall Effect thế hệ mới, cụ thể là Gateron 2.0. Loại switch này sử dụng nam châm để kích hoạt thay cho các thanh đồng của switch cơ học thông thường, nên bàn phím có thể nhận tín hiệu ở bất cứ vị trí nào.
Vị trí nhận tín hiệu này có thể điều chỉnh được bằng phần mềm (nền web) trên máy tính. Ví dụ switch thông thường có điểm kích hoạt ở 2mm và điểm ‘nhả’ phím cũng ở 2mm, thì ở Zenblade 65 với switch Hall Effect có thể chuyển lên 1mm để máy tính nhận phím sớm hơn. Trên thực tế, tính năng thực sự cho cảm giác như đang ‘hack game’ vì dường như lướt tay qua keycap là nhân vật game đã di chuyển hoặc ra chiêu rồi.
Tất nhiên rồi, với nhu cầu sử dụng văn phòng thông thường thì tôi vẫn sẽ chuyển điểm kích hoạt về vị trí tiêu chuẩn, vì phím quá dễ kích hoạt thì cũng thường xuyên gây ra hiện tượng gõ nhầm khi di chuyển tay lướt qua các hàng phím. Switch cũng đã được thêm dầu (lube) sẵn từ nhà sản xuất nên cho cảm giác mượt trong suốt hành trình nhấn.
Giống với những bộ bàn phím cao cấp hiện nay, Zenblade 65 được thêm lớp lót Poron ở bên trong vỏ để tránh hiện tượng vang, tạo tiếng ‘ping’ của kim loại khi nhấn. Bản thân switch cũng đã có cơ chế giảm thanh rồi, nên trên thực tế phím cho tiếng khá đầm, yên lặng và không có những tiếng vang khó chịu.
Giống với StormBreaker, bàn phím Zenblade 65 là một sản phẩm cao cấp với nhiều công nghệ hiện đại nên cũng có mức giá không hề rẻ - 5.500.000 Đồng. Với cả chuột và phím của Pwnage người dùng sẽ phải trả mức giá là hơn 10 triệu Đồng, nên chắc chắn bộ sản phẩm này hướng tới những bạn ‘dư dả’ một chút và muốn có trải nghiệm thực sự mới mẻ.
M.Đức