Chuyện đời của “con nghiện” hoàn lương

Thứ năm, 25/06/2015 - 15:42

TNV - Cứ độ nửa tháng anh lại ghé về thăm nhà, lần nào về anh cũng đi qua những nơi bạn nghiện thường tụ tập, anh cũng dừng chân lại uống nước và trò chuyện với họ nhưng không còn thấy nhớ, thấy thèm như trước, nên bạn nghiện có rủ rê anh đều từ chối, bởi bây giờ những việc làm có ý nghĩa cho cuộc đời mới là thứ “ma túy” đang làm anh anh thấy nhớ, thấy thèm và thấy cần phải nỗ lực làm thật hối hả cho mỗi ngày.

Tan nát cuộc đời vì nghiện

Là người vạm vỡ, nhanh nhẹn, tháo vát nhất nhà, học xong phổ thông Đoàn Kim Cương theo học nghề mỏ rồi vào làm công nhân hầm lò ở một doanh nghiệp ngành than. Có việc làm và thu nhập ổn định, một gia đình nhỏ hạnh phúc với người vợ làm... và một con trai kháu khỉnh. Cương là niềm kiêu hãnh, là trụ cột của cả gia đình lớn với 7 anh chị em, bởi 5 người anh chị trên Cương đều chưa học hết phổ thông làm nghề lao động tự do và 1 em trai út bị bệnh tâm thần.

Những ngày tháng yên vui chỉ ngắn ngủi được mấy năm và tại họa đã ập xuống gia đình anh. Ngày ấy, vùng mỏ Cẩm Phả, Quảng Ninh là điểm nóng của ma túy của cả nước. Mới hơn 20 tuổi đời, trẻ người non dạ nên anh và bạn bè cùng trang lứa cũng chẳng hiểu biết gì nhiều về tác hại của ma túy. Những lúc rảnh rỗi anh cùng bạn bè tụ tập hút hít ma túy cho vui, rồi dần quen dần nghiện lúc nào không hay. Năm 1996, ở tuổi 23, sau cái lần vật vã vì nhớ thuốc không chịu được thì anh mới biết là mình đã bị nghiện. Thời gian đầu còn sức khỏe nên anh vẫn đi làm được, sau do sức khỏe bị ma túy tàn phá không thể đi làm được nên anh tự xin nghỉ việc.

Khi no thuốc thì “con nghiện” nào cũng thèm ngủ và trở nên hiền lành, nhưng khi đói thuốc lên cơn vật vã là đi sục sạo kiếm tiền, kiếm thuốc cho bằng được. Kiếm trong nhà không được thì ra ngoài trộm cắp lừa đảo và cả cướp giật - anh chậm rãi kể. Cương cũng vậy, sau nhiều lần trộm cắp ở nhà và ở chợ, bà con đã cảnh giác nên không kiếm ăn được. Đói thuốc vật vã, Cương đã rình rập cửa hàng bán máy bơm quạt điện thấy sơ hở là bê chạy liền mặc cho mọi người hô hoán đuổi theo... Và kết cục Cương đã nhiều lần bị gọi lên phường làm kiểm điểm, rồi bị đi tù cải tạo 18 tháng. Ra tù được dăm bữa, nhớ thuốc anh lại đi trộm cắp rồi sau đó bị bắt đưa đi trại cai nghiện bắt buộc 02 năm. Lần này trở về ai cũng mừng bởi tưởng cai được thuốc, nhưng chỉ được già nửa tháng trời, anh lại thèm thuốc lại đi lang thang để kiếm ăn, làm trong cả gia đình luôn sống trong cảnh nơm nớp lo âu, bà con khu phố cảnh giác đề phòng. Đến nước này không chịu đựng thêm được nữa vợ bế con nhỏ bỏ về quê ngoại sinh sống, đứa con trai duy nhất cũng luôn sợ hãi xa lánh mỗi khi nhìn thấy anh; bố anh buồn phiền quá cũng sinh bệnh và mất. Mất bố, mất việc, mất vợ, mất con, lại mắc căn bệnh thế kỷ làm sức khỏe mỗi ngày một suy sụp, gia đình luôn trong tình trạng túng bấn… Cuộc đời anh đã hoàn toàn tuyệt vọng!

Mẹ anh nhớ lại có lần ra ngoài không kiếm được gì về nhà anh đã hì hục đập cả bể chứa nước ăn lấy được ít sắt đem bán chỉ đủ mua mồi thuốc; rồi có lần hết gạo, bà chạy vạy đi kiếm được dăm cân mang về, nhưng quay đi quay lại cũng bị anh mang đi bán nốt?!.

“Bà bụt, ông bụt” ở đời thường

Bà Trương Thị Hiển một giáo viên đã nghỉ hưu ở cùng phường, thấu hiểu gia cảnh đã đến động viên khuyên nhủ anh đi cai nghiện. Ngày ấy, ở Cẩm Phả mới xuất hiện một cơ sở cai tự nguyện do ông Tiêu Vĩnh Ngọc mở ra có hiệu quả lên bà Hiển đã đưa anh đến giới thiệu và cho anh khoản lệ phí để cai. Cảm động trước tấm lòng nhân hậu của bà Hiển, thương cảm cho số phận của gia đình Cương, ông Tiêu Vĩnh Ngọc đã nhận chữa trị miễn phí. Sau khi uống thuốc cắt cơn, uống thuốc chống lệ thuộc do ông Ngọc tự pha chế, mấy ngày đầu Cương thấy người mệt mỏi, sau khoảng một tuần thì thấy người bình thường trở lại và điều kỳ diệu nhất là anh không còn thấy cảm giác nhớ thuốc và đi tìm thuốc. Để đoạn tuyệt hẳn với quá khứ đau buồn, anh xin ở lại giúp việc cho cơ sở. Thế là từ 2009 đến nay anh ở lại làm các công việc trong cơ sở cai tự nguyện của ông Ngọc. Ở đây, anh làm các công việc dọn dẹp, động viên giúp đỡ những người cai. Cứ độ nửa tháng anh lại ghé về thăm nhà, lần nào về anh cũng đi qua những nơi bạn nghiện thường tụ tập, anh cũng dừng chân lại uống nước và trò chuyện với họ nhưng không còn thấy nhớ, thấy thèm như trước, nên bạn nghiện có rủ rê anh đều từ chối, bởi bây giờ những việc làm có ý nghĩa cho cuộc đời mới là thứ “ma túy” đang làm anh anh thấy nhớ, thấy thèm và thấy cần phải nỗ lực làm thật hối hả cho mỗi ngày.

Tháng 4 năm 2014, ông Ngọc mở cơ sở mới ở thành phố Nha Trang và Cương được tin cậy đưa vào để quản lý. Sau hơn một năm trông coi cơ sở từng bước đi vào hoạt động nề nếp, có hiệu quả, đầu tháng 6 vừa rồi anh được ông Ngọc động viên về thăm nhà. Từ ngày được vào cơ sở của ông Ngọc, cai được nghiện lại tu tỉnh làm ăn nên cả gia đình anh mừng lắm, cậu con trai bé năm nào xa lánh bố nay thấy bố đã hoàn lương nên tháng nào cũng viết thư động viên thăm bố. Nhân dịp anh về con trai cũng đã ra thăm bà nội để 2 bố con gặp nhau. Đến thăm anh khi cả nhà đang ngồi quây quần trò chuyện, mẹ anh năm nay đã 80 tuổi nói trong nghẹn ngào: những tháng năm trước đây gia đình quá khổ cực, nhờ được cô Hiển, anh Ngọc giúp đỡ nên gia đình đã yên ấm vui vẻ; chúng tôi không biết cảm ơn cô Hiển, anh Ngọc đến nhường nào cho kể xiết. Nhìn vào ánh mắt xúc động của mọi người trong gia đình tôi hiểu cô Hiển, ông Ngọc là ân nhân, là “bà Bụt, ông Bụt” của gia đình họ!

Cuộc sống bình dị, có ích cho đời

Đến nay gia đình anh vẫn thuộc hộ nghèo, căn nhà cấp 4 rộng chừng 50m2, xây được gần chục năm nay cũng nhờ phần lớn vào khoản trợ cấp của nhà nước và giúp đỡ của bà con trong phường xây cho. Năm 2013, phần do ngôi nhà đã xuống cấp, phần do gặp phải bão lớn, ngôi nhà bị bay mất mái. Thêm một lần nữa cùng với khoản tiền nhà nước hỗ trợ, bà Hiển đã vận động bà con lối xóm quyên góp ủng hộ, sửa sang lại ngôi nhà tươm tất.

Cuộc sống của gia đình gồm mẹ già, em trai út bị tâm thần và cháu gái mồ côi cả cha mẹ cũng sống nhờ vào khoản trợ cấp hàng tháng của nhà nước. Do vậy, khoản tiền công ít ỏi hàng tháng anh dành phần lớn để nuôi con trai ăn học và phụ giúp mẹ già. Được biết từ hơn 5 năm nay, tháng nào ông Ngọc cũng hỗ trợ cho cháu gái mồ côi mỗi tháng 200 nghìn đồng, tiếp sức cháu tới trường. Từ ngày vào cơ sở ông Ngọc, bà con lối xóm thấy anh đã cai được nghiện, sức khỏe tốt lên, gia đình yên vui, lại biết chăm lo gia đình con cái, lối xóm có việc gì anh cũng nhiệt tình tham gia nên bà con khu phố cũng mừng cho anh – chị Hằng hàng xóm cho biết. Được cô Hiển động viên anh đã đến một số gia đình trước đây mình trộm cắp để xin lỗi và trả tiền. Điều đó càng làm bà con tin vào ý chí hoàn lương và dành cho anh rất nhiều tình thương cảm!

Bây giờ nghĩ lại anh thấy nuối tiếc những năm tháng tuổi trẻ đã đánh mất, ân hận đã không nghe lời bố mẹ..! Trên gương mặt dày dạn phong trần của một “con nghiện” từng trải, chợt rưng rưng xúc động, ngân ngấn nước mắt. Lặng đi giây lát như để trấn tĩnh rồi anh nói thật quả quyết bằng giọng nói nhỏ nhẹ: Trải qua bao năm tháng, rồi nhờ có thầy Ngọc, cô Hiển tôi mới có như ngày hôm nay; tôi thấy bằng lòng với cuộc sống của mình, được giúp đỡ những người lầm lỡ như mình trước đây thoát khỏi ma túy trở về vui vẻ với gia đình. Mỉm cười anh khoe với tôi, một tuần trước khi về thăm nhà, nhờ anh kịp thời động viên mà một “con nghiện” nhà gia giáo đã từ bỏ ý định bỏ trốn, cắt được cơn và đang cai có kết quả tích cực. Đến nay, mọi người ở cơ sở đều gọi Cương là anh cả, bởi cùng với thầy Ngọc, anh cả Cương đã giúp cho họ dần rời xa ma túy, tìm lại được ý nghĩa cho cuộc đời./.

Cuộc sống yên vui trở lại của gia đình anh Cương (anh Cương ngồi ngoài cùng bên phải cùng con trai và mẹ).

Ông Ngọc đang chia sẻ thông tin với gia đình có con, em cai tự nguyện tại cơ sở.

Bà Hiển lần tìm địa chỉ những gia đình khó khăn, người nghiện ma túy và các cháu học sinh
nghèo  mà mình đã cùng Cơ sở cai nghiện của ông Tiêu Vĩnh Ngọc giúp đỡ.

Bài,ảnh: Phạm Quỳnh