Chuyển đổi số mang lại nhiều kết quả tích cực cho tỉnh Thái Nguyên năm 2023

Thứ ba, 05/12/2023 - 16:13

TNV - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh tiên phong của cả nước khi ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó không những khẳng định Thái Nguyên là điểm sáng của cả nước về chuyển đổi số, mà còn từng bước đưa tỉnh dần tới mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030.Theo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 01, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh ước khoảng 560 nghìn tỷ đồng (hơn 23,2 tỷ USD) bằng 94% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của các tỉnh/thành phố (Nguồn: Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022), (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 8 toàn quốc về chuyển đổi số. Thời điểm hiện tại, hầu hết công việc của người dân, doanh nghiệp đều được tỉnh Thái Nguyên giải quyết trên môi trường số với 98% số thủ tục hành chính thực hiện đúng thời gian quy định. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hòa cho biết: Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả ba cấp để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trong năm 2022, Thái Nguyên là 1 trong 5 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng và Vĩnh Phúc) có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP cao nhất với 42,92%. Hiện nay, về vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế ngày càng vững chắc, hiệu quả trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững. Trong đó doanh thu ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ước đạt 535 nghìn tỷ đồng (bằng 93% so với cùng kỳ); doanh thu ngành sản xuất thiết bị điện ước đạt 25 nghìn tỷ đồng (bằng 125% so với cùng kỳ). Tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Hiện nay toàn tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ. Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai hỗ trợ hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, quản lý nhà hàng, kế toán dịch vụ, chữ ký số...  số. Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số tiến tới phát triển kinh tế số.

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Ngoài ra điển hình áp dụng công nghệ số vào triển khai các bước hoạt động nghiệp vụ là Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị đã tập trung triển khai hàng loạt giải pháp số hóa công tác quản lý thuế như áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc; triển khai ứng dụng eTax Mobile dành cho người nộp thuế là cá nhân; vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam... Qua đó đã mang lại tiện ích tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và giúp ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Tính từ đầu năm đến tháng 9/2023, đã triển khai thành công hóa đơn điện tử cho 9.459/9.459 tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ số doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%. Hiện tỉnh có 03 doanh nghiệp viễn thông (Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên) triển khai dịch vụ Mobile Money, đến nay có gần 435.000 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán. Mô hình Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng, việc triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ, đạt 100%, được tiểu thương và người dân hưởng ứng tích cực. Bên cạnh đó, không chỉ riêng Chợ 4.0, tỉnh phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử. Các hoạt động thương mại điện tử diễn ra sôi động và phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Tính đến nay có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 72 sản phẩm nông nghiệp, tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 1.545 giao dịch, đã có 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP trên sàn; phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, đặc biệt trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”. Ngoài ra, 100% cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học, cao đẳng; 100% cơ sở khám, chữa bệnh, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt. Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đến nay, UBND thành phố Phổ Yên đang tổ chức thực hiện các bước đấu thầu, lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

"Chợ 4.0" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương và người dân (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Chuyển đổi số là một trong các giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 700 doanh nghiệp số. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và phấn đấu có trên 3.000 doanh nghiệp số. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động phổ biến pháp luật về kinh tế số và chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động thương mại điện tử; đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, quan tâm hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế ở các doanh nghiệp số... Tin tưởng rằng, với những định hướng đúng đắn cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm, gặt hái thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Nguyễn Loan