Ảnh minh họa
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực làm thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất. Trong giáo dục chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong quá trình dạy, học, kiểm tra đánh giá. Việc sử dụng các nền tảng trí tuệ nhân tạo IoT, Big Data, AI…và các ứng dụng dạy học giúp giảng viên tiết kiệm thời gian để tập trung vào những công việc quan trọng, sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại làm sinh động bài giảng. Bên cạnh đó còn giúp sinh viên đa dạng hoá hình thức học tập, cập nhật nhiệm vụ một cách nhanh chóng, học tập mọi lúc mọi nơi. Vai trò của chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó thì còn có những hạn chế nhất định cần phải khắc phục.
2. Nội dung
2.1. Một số yêu cầu của chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Trong giáo dục đại học, chuyển đổi số chính là quá trình thay đổi quản lý, dạy, học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học dựa trên công nghệ số. Trong quản lý, đó chính là việc số hóa thông tin trong quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ trực tuyến, ứng dụng các công nghệ AI, blockchain, phân tích dữ liệu để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành. Trong nghiên cứu khoa học số hóa các bài viết, đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án phục vụ việc lưu trữ và chia sẻ thông tin. Trong dạy, học, kiểm tra đánh giá là sự số hóa học liệu: giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến.
Chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học và đánh giá kết quả học tập sang không gian số. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, các cơ sở giáo dục đại học cần phải thực hiện một số yêu cầu sau:
- Thứ nhất, thay đổi tư duy, thói quen và thích ứng với các thay đổi nhanh.
Mỗi một cá nhân trong hệ thống giáo dục đại học cần hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình và hiểu được sự cần thiết phải thực hiện chuyển đổi số, hiểu được lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho cơ sở giáo dục, cho giảng viên và người học. Từ những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại mỗi cá nhân nhận thức sự cần thiết phải chủ động nâng cao trình độ, tiếp cận với công nghệ mới. Nếu như giảng viên, nhân viên và người học không tiếp cận với công nghệ mới thì sẽ ảnh hưởng đến việc quản lí, dạy, học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học. Phải thay đổi thói quen làm việc từ truyền thống sang làm việc trên không gian số, trên các nền tảng và ứng ứng như E-learning, Ms teams, Kahoot, Quizizz…Sự thay đổi từ quản lí, dạy, học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học truyền thống sang áp dụng công nghệ đòi hỏi các chủ thể phải có các kỹ năng cần thiết, phải thích ứng nhanh với các thay đổi, phải sẵn sàng hoà nhập với phương pháp làm việc mới, loại bỏ thói quen “ngại thay đổi”, khuyến khích đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.
- Thứ hai, cán bộ quản lý, giảng viên và người học phải có kiến thức cơ bản về sử dụng công nghệ.
Ứng dụng công nghệ vào trong quá trình dạy và học thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp người học tiếp cận thông tin đa chiều, trao đổi và tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Nguồn học liệu mở giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận kiến thức bất cứ khi nào họ muốn. Dễ dàng thu thập, tổng hợp, lưu trữ lượng kiến thức phong phú và được cập nhật thường xuyên qua kết nối internet. Hiện nay, giảng viên đóng vai trò là người truyền thụ kiến thức cơ bản, là người hướng dẫn sinh viên cách thức khai thác thông tin từ internet, từ kho học liệu mà giảng viên đã xây dựng.
- Thứ ba, phải cải thiện hạ tầng công nghệ, thiết bị, phần mềm giảng dạy và học tập.
Chuyển đổi số trong giáo dục sẽ làm cho phương thức chuyển tải trong giáo dục có sự thay đổi, điều đó có nghĩa là chúng ta không cần gặp mặt, giao tiếp trực tiếp. Việc sử dụng các nền tảng công nghệ trực tuyến MOOCs như Coursera, Udemy, edX… các chương trình ứng dụng học tập, kiểm tra thích ứng như Acellus, IXL, Mathletics…và các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trực tuyến chia sẻ miễn phí đã làm thay đổi cách thức giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá hướng tới phổ cập hoá và cá nhân hoá dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học.
2.2. Những vấn đề đặt ra trong dạy học và kiểm tra
đánh giá khi thực hiện chuyển đổi số
- Hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị sử dụng giảng dạy và học tập còn thiếu.
Sự tiếp cận không như nhau về công nghệ số của mỗi người được gọi là “khoảng cách số”. Luật Công nghệ Thông tin năm 2006 định nghĩa “khoảng cách số là sự chênh lệch về điều kiện, khả năng sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin để truy nhập các nguồn thông tin, tri thức”1. Trong giáo dục đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay khoảng cách số đó chính là điều kiện tiếp cận công nghệ số để truy cập tới các nguồn tài liệu hữu ích phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập giữa các trường, giảng viên và sinh viên. Hiện nay, “Việt Nam có 237 trường đại học công lập và ngoài công lập”2. Các trường phân bổ trên địa bàn có hạ tầng về công nghệ thông tin và mạng internet khác nhau. Điều kiện cơ sở vật chất, thư viện, tài liệu số hoá... chưa được chú trọng đầu tư. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa những giảng viên và sinh viên các trường đại học.
Một số trường hiện nay đã bước đầu thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc sử dụng các nền tảng công nghệ còn riêng lẻ, tách biệt chưa có sự tích hợp, mạng internet yếu, thư viện số hay hệ thống quản lý tài liệu học tập để lưu giữ giáo trình, giáo án, học liệu, sách…ít được cập nhật nên hiệu quả của việc chuyển đổi số chưa cao.
- Giảng viên và sinh viên chưa sử dụng thành thành các phần mềm hỗ trợ dạy, học và kiểm tra đánh giá.
Chuyển đổi số sẽ không thể thành công nếu như người dạy và người học không sử dụng công nghệ thông tin một cách thành thạo. Sử dụng thành thạo công nghệ sẽ giúp giảng viên kiểm soát và nắm bắt được mọi hoạt động học tập của sinh viên và có thể đánh giá kết quả học tập của sinh viên một cách khách quan, chính xác. Quản lý và tổ chức lớp học một cách khoa học. Còn sinh viên có thể tham gia vào lớp học trực tuyến khai thác tài liệu, học tập một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận giảng viên, đặc biệt là giảng viên lớn tuổi và một số sinh viên chưa sử dụng thành thạo công nghệ thông tin dẫn đến hạn chế khi thao tác trên các phần mềm hỗ trợ hoạt động dạy, học và kiểm tra, đánh giá. Do đó, chưa khai thác được hết các tính năng để quản lý lớp học, theo dõi quá trình học tập của sinh viên để có thể gửi những cảnh báo kịp thời đến từng sinh viên trong các lớp học trực tuyến. Bên cạnh đó, do không sử dụng thành thạnh các phần mềm dạy học nên các hình thức kiểm tra đánh giá còn nghèo nàn, thiếu sự linh hoạt. Không đáp ứng được chuẩn đầu ra của môn học.
- Sinh viên chưa thật sự có ý thức cao trong việc học và thực hiện việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập.
Hiện nay, có một số lớp học 100% đào tạo trực tuyến và một số lớp học ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với một tỷ lệ nhất định tùy theo quy định của mỗi trường. Tuy nhiên, ở các lớp học trực tuyến còn xảy ra tình trạng một số sinh viên tham gia vào lớp học nhưng không nghe giảng mà làm những việc khác. Điều này, cho chúng ta thấy sinh viên còn thiếu ý thức tự giác khi tham gia học trực tuyến.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá và công khai kết quả sẽ giúp sinh viên có thể nhận ra sự tiến bộ hoặc chưa tiến bộ trong học tập, từ đó có thể điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp. Hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên được thực hiện thông qua các nền tảng công nghệ, chỉ cần đăng nhập vào tài khoản, khai thác học liệu và thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu. Vậy, vấn đề đặt ra là liệu sinh viên có tự mình thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá hay những bài kiểm tra, đánh giá đó được thực hiện bởi người khác. Nếu trường hợp này xảy ra thì kết quả đánh giá kết quả học tập của sinh viên là không trung thực và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục - đào tạo.
- Phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá chưa có sự thay đổi tương ứng.
Chuyển đổi số diễn ra làm cho mọi hoạt động dạy, học và kiểm tra đánh giá diễn ra trên không gian mạng. Do đó, cách dạy và học theo kiểu truyền thống sẽ không còn phù hợp nữa. Giảng viên không truyền thụ những kiến thức cơ bản đã có trong giáo trình mà đóng vai trò là người hướng dẫn để sinh viên có thể tự mình lĩnh hội và tích lũy được những tri thức đó. Tuy nhiên, nhiều giảng viên và sinh viên không đủ trình độ hoặc không bắt kịp với các phương thức giảng dạy, học tập có sử dụng công nghệ. Hoặc bản thân họ có sức ỳ lớn, không muốn thay đổi nên vẫn duy trì cách dạy và học cũ. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phải thường xuyên, nhưng do không áp dụng công nghệ nên nhiều giảng viên vẫn không đổi mới phương pháp đánh giá. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, làm hạn chế việc áp dụng các phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá hiện đại. Một số sinh viên do hạn chế về trình độ công nghệ thông tin nên không thể tham gia thực hiện các bài kiểm tra, bài thi trực tuyến. Số giảng viên có khả năng lên lớp giảng dạy sử dụng công nghệ số và hướng dẫn ở các cơ sở thực hành có thể cài đặt được nền tảng điện toán đám mây, hay dữ liệu lớn … chiếm tỷ lệ còn thấp.
2.3. Một số giải pháp đối với việc dạy, học và kiểm tra đánh giá trong quá trinh chuyển đổi số
- Tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị và các nền tảng số
Các trường đại học hiện nay cần phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức viễn thông, công nghệ…để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các thiết bị phục vụ quá trình dạy, học và kiểm tra, đánh giá. Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển và tích hợp các nền tảng công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Sử dụng chương trình mã nguồn mở, miễn phí, như các nền tảng dữ liệu lớn, điện toán đám mây chất lượng tốt, an toàn, có thể chia sẻ tài nguyên, giảm chi phí phát triển. Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số.
- Mở lớp tập huấn và có nhân viên hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình dạy, học và kiểm tra đánh giá.
Để giảng viên và sinh viên có thể khai thác hiệu quả các phần mềm sử dụng trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá thì các cơ sở giáo dục cần phải mở các lớp tập huấn hướng dẫn một cách chi tiết và thường xuyên như tập huấn giảng dạy với công nghệ, giảng dạy theo mô hình hỗn hợp, sử dụng các công cụ và nền tảng số. Phải có sự hỗ trợ đồng hành của các nhân viên kỹ thuật và các chuyên gia công nghệ để đảm bảo việc giảng dạy và học tập diễn ra một cách thuận lợi. Giảng viên được tập huấn cùng với sự hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kho tài nguyên giảng dạy và học tập số. Thiết kế lại các môn học theo mô hình dạy học hỗn hợp, mô hình học liệu mở. Đưa giảng viên đi học tập, trải nghiệm ở các đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, việc quản lý hoạt động học tập, nghiên cứu và giảng dạy trở nên hiệu quả và thiết thực hơn.
- Xây dựng văn hóa giáo dục số cho giảng viên và sinh viên.
Đánh giá kết quả học tập của sinh viên được thực hiện trên nền tảng số, sinh viên chỉ cần đăng nhập vào tài khoản, khai thác học liệu và thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu. Nếu bài kiểm tra, đánh giá đó không được chính sinh viên thực hiện mà được thực hiện bởi người khác thì kết quả đánh giá đó thiếu tính trung thực và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, nhà trường cần phải xây dựng và tuyên truyền cho giảng viên và sinh viên về văn hóa giáo dục số trong đó bao gồm thái độ, tính tự giác, ý thức học tập suốt đời và đạo đức học thuật. Hiểu được văn hóa giáo dục số sẽ tránh được tình trạng học hộ, thi hộ. Sinh viên sẽ tự giác trong việc tìm tòi, khám phá tri thức mới và tuân thủ những quy tắc, quy định trong nghiên cứu. Còn đối với giảng viên đó là trách nhiệm, tính tự giác được thể hiện qua việc cập nhật thường xuyên học liệu, giáo án, sự tương tác với sinh viên…trên các lớp học trực tuyến.
- Thay đổi phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá.
Khi cách thức thay đổi thì kéo theo đó là sự thay đổi của phương pháp giảng dạy, học tập và phương pháp kiểm tra, đánh giá. Giảng viên phải thay đổi cách tổ chức lớp học, thay đổi cách cung cấp tri thức môn học cho sinh viên. Thường xuyên chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, tự lực, sáng tạo của sinh viên. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, các phương tiện dạy và học. Sử dụng các nền tảng công nghệ trong quá trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo hướng phát triển năng lực toàn diện bao gồm kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm. Sinh viên không thụ động tiếp nhận kiến thức một chiều từ giảng viên mà chủ động, sáng tạo trong việc học tập và nghiên cứu.
Kết luận
Chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, làm thay đổi phương thức quản lý, phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá; thay đổi cách thức cập nhật thông tin và sự liên kết giữa các chủ thể trong quá trình dạy và học. Ngoài những tác động tích cực, quá trình dạy, học và kiểm tra, đánh giá còn gặp phải những khó khăn nhất định. Đó chính là khoảng cách số giữa các trường đại học học; việc chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị hiện đại ở các trường đại học chưa ngang nhau. Sinh viên và giảng viên ở các trường đại học phân bố trên các địa bàn có điều điện khác nhau nên năng lực về công nghệ thông tin là khác nhau. Những khó khăn này đã làm hạn chế việc áp dụng phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá hiện đại. Bên cạnh đó, một bộ phận giảng viên và sinh viên không chịu thay đổi tư dưy để tiếp nhận cái mới. Văn hóa giảng dạy và học tập trên không gian mạng còn chưa được trang bị đầy đủ. Nhận thức được những thuận lợi và khó khăn đó, chúng ta có thể đề ra các giải pháp phù hợp góp phần thay nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá trong giáo dục đại học hiện nay.
----------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật Công nghệ Thông tin, Nxb Tư pháp, Hà Nội, Tr. 2
2. Xem: Thùy Linh (17/08/2019 07:23), Những con số nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam. https://giaoduc. net.vn/giao-duc-24h/nhung-con-so-noi-bat-cua-giao-ducdai-hoc-viet-nam-post201566.gd
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thùy Linh (17/08/2019 07:23), Những con số nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam. https://giaoduc.net. vn/giao-duc-24h/nhung-con-so-noi-bat-cua-giao-duc-daihoc-viet-nam-post201566.gd
2. Tô Hồng Nam (2020), Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trang và giải pháp, Tạp chí TT&TT Số 2 tháng 4/2020
3. Đỗ Thị Ngọc Quyên (05/02/2021 07:00), Chuyển đổi số trong giáo dục: Những thách thức và nguy cơ. https:// tiasang.com.vn/-giao-duc/Chuyen-doi-so-trong-giao-ducNhung-thach-thuc-va-nguy-co-26836
4. Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật Công nghệ Thông tin, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
5. Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương (2014), Số hóa tài liệu nội sinh góp phần giảm khoảng cách số trong giáo dục và đào tạo cao đẳng - đại học, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 3 - Tr 15 - 19, 30.
Mai Thị Thanh - Trường Đại học Văn Lang