Ngày 30/05/2021, bàn thắng duy nhất của Kai Havertz giúp Chelsea vượt qua Man City để lên ngôi vô địch Champion League. Đến ngày 08/01/2023, The Blues bị chính bại tướng của mình 2 năm trước vùi dập 4-0. Họ bị loại khỏi Cúp Liên đoàn Anh lẫn Cúp FA và tụt xuống vị trí thứ 10 trên BXH Ngoại hạng Anh. Chỉ trong chưa đầy 2 năm, chuyện gì đã xảy ra với đội bóng thành London? Từ vị thế của những nhà vua châu Âu, các cầu thủ từng đưa Chelsea đến với chiếc cúp tai voi đã "rơi tự do" như thế nào?
Phiên chợ hè "ác mộng"
Mùa hè năm 2021, ngay sau chức vô địch Champion League, The Blues lúc này sở hữu lực lượng hùng hậu, pha lẫn giữa sức trẻ và kinh nghiệm. Họ bước vào TTCN với hai mục tiêu chính: tăng cường chất lượng ở những vị trí còn yếu và "trói chân" các trụ cột sắp hết hạn hợp đồng.
Vậy mà khi mùa giải mới bắt đầu, Chelsea không hoàn thành được bất cứ nhiệm vụ nào. Trong phiên chợ hè, có 4 vị trí được cựu HLV Thomas Tuchel đặt lên hàng đầu, bao gồm một tiền đạo cắm, một tiền vệ phòng ngự dự phòng cho Jorginho và các phương án B cho bộ đôi Reece James - Ben Chilwell. Họ đã làm việc "cật lực" cả mùa hè và mua về được... Romelu Lukaku với mức giá kỷ lục.
Ngôi sao người Bỉ vốn là mẫu cầu thủ không phù hợp với triết lý của Tuchel. Lý do Chelsea phải "bấm bụng" chiêu mộ Lukaku là vì cựu giám đốc Marina Granovskaia đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra rằng Erling Haaland nằm ngoài tầm với của mình, còn Harry Kane lại mắc kẹt với “bản hợp đồng nô lệ” của Daniel Levy.
Thế là Lukaku được đưa "về nhà" trong sự hoảng loạn, chỉ hai ngày trước khi Ngoại hạng Anh khởi tranh. Chân sút 29 tuổi không hề được trải qua giai đoạn pre-season. Khi TCTN dần đi tới những ngày cuối, ban lãnh đạo Chelsea nhận ra rằng vẫn chưa có phương án dự phòng nào cho Jorginho. Ngay lập tức, họ "chữa cháy" bằng bảng hợp đồng Saul Niguez theo dạng cho mượn.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Điều đáng nói ở đây là Chelsea từng theo đuổi Aurelien Tchouameni trong suốt mùa hè 2021, để rồi từ chối anh vì "40 triệu euro là quá đắt". Không có bất cứ kế hoạch B nào trong thương vụ này. Cũng chẳng có thêm wing-back nào xuất hiện tại sân Stamford Bridge, dù đã có những cái tên được nhắc tới như Hamiki. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý nữa là việc Jules Kounde không thể gia nhập The Blues như dự kiến. Bởi thế, họ buộc phải giữ lại Malang Sarr do đã bán Kurt Zouma cho West Ham trước đó.
Ở mục tiêu thứ hai, Chelsea chỉ gia hạn thành công với Thiago Silva và Olivier Giroud - người mà ngay sau đó được bán cho AC Milan. Lúc này, The Blues bước vào mùa giải mới với 6 cái tên thường xuyên ra sân đá chính còn thời hạn hợp đồng dưới 24 tháng, gồm Antonio Rudiger, Andreas Christensen, Cesar Azpilicueta, Silva, Jorginho và N'Golo Kante.
Không những vậy, Granovskaia và các cộng sự còn có một nước đi cực kỳ khó hiểu khi quyết định kích hoạt điều khoản tự động gia hạn với hàng loạt "người thừa" như Tiemoue Bakayoko, Michy Batshuayi, Baba Rahman, Matt Miazga, Davide Zappacosta… nhằm tránh mất trắng dù CLB mãi vẫn không thể thanh lý những cầu thủ này.
4 ngôi sao sẽ giúp Chelsea quên đi Fernandez: Chữ ký 100 triệu bảng
Bắt đầu trả giá
Chỉ sau nửa mùa giải, Chelsea sớm phải ôm hận với những quyết định "đi vào lòng đất" của mình. Reece James và Ben Chiwell chấn thương, Jorginho quá tải dẫn tới việc đội thi đấu sa sút mà không bất cứ phương án thay thế nào.
Kỳ chuyển nhượng mùa đông mở cửa tưởng chừng là cứu cánh dành cho Tuchel khi ông công khai tuyên bố mình cần thêm wingback chất lượng. Nhưng không, CLB quyết định gọi về... Robert Kenedy - người đã 6 năm chưa hề ra sân bất kỳ phút nào cho Chelsea.
Mọi chuyện còn trở nên tệ hơn khi cựu chủ tịch Roman Abramovich nhận lệnh trừng phạt từ chính phủ Anh. Hậu quả là tất cả hoạt động bên lề bóng đá của CLB hoàn toàn bị đóng băng. Chelsea buộc phải ngưng lại mọi thứ, trừ việc ra sân thi đấu cho tới khi tìm được ông chủ mới. Lúc này, mọi chuyện mới vỡ lẽ khi đội không còn đủ thời gian để gia hạn hợp đồng với các trụ cột. Rudiger và Christensen phải thi đấu suốt mùa giải 2021/2022 mà không biết rằng năm tới họ sẽ khoác áo đội bóng nào.
Đổi chủ nhưng chưa đổi vận
Cuối cùng, Chelsea trải qua hai kỳ chuyển nhượng liên tiếp mà không thể nâng cấp đội hình lẫn giữ chân các trụ cột. Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, khi mùa hè 2022 bắt đầu dưới triều đại của Todd Boehly, trong tay Tuchel đã có được một tiền đạo cắm, một tiền vệ dự bị cho Jorginho cùng hai wing-back. Đội lúc này sẽ tập trung vào việc nâng cấp các cầu thủ chạy cánh, thay thế Hakim Ziyech/Christian Pulisic và Timo Werner bằng những lựa chọn đẳng cấp, phù hợp với triết lý HLV hơn.
Ngoài ra, với việc cả Rudiger và Christensen đều ở lại, Chelsea sẽ có trong tay 5 lựa chọn chất lượng ở vị trí trung vệ bao gồm Chalobah, Silva, Azpilicueta và hai cái tên kể trên. Tìm kiếm phương án dự phòng cho Rudiger là mục tiêu cấp thiết nhất khi Malang Sarr đã trải qua một mùa giải thảm hoạ. Giải quyết hết những công việc trên, The Blues sẽ thống trị Chelsea trở lại.
Nhưng đời không như là mơ. Todd Boehly tiếp quản Chelsea và bước vào mùa hè 2022 với lực lượng vừa mỏng, vừa thiếu chất lượng. Dễ dàng nhận thấy, có ít nhất 6-7 vị trí cần nâng cấp ở cả đội hình chính lẫn dự bị bao gồm: hai trung vệ thay thế vị trí của Rudiger và Christensen để lại; một tiền vệ thay thế cho Kante; một phương án xoay tua chất lượng cho Ben Chilwell và vẫn là... 3 vị trí của mùa giải trước: tiền đạo, tiền vệ phòng ngự cùng wing-back dự phòng cho bộ đôi Jorginho - James.
"Giọt nước tràn ly", rất nhiều cầu thủ trên hàng công bất mãn vì không được trao cơ hội và bị bỏ ngỏ tương lai của mình như Pulisic, Callum Hudson-Odoi, Ziyech và Werner. Rõ ràng, việc chiêu mộ và thay thế ngần ấy vị trí trong một kỳ chuyển nhượng là điều bất khả thi. Vậy Boehly cùng dàn lãnh đạo mới của Chelsea đã làm gì ở mùa hè 2022?
Nỗi đau Tuchel
Vấn đề đầu tiên là việc chuyển giao sở hữu kéo dài hơn dự kiến đã khiến Chelsea gia nhập phiên chợ hè muộn hơn gần 1 tháng so với những CLB khác. Đây là bất lợi cực kỳ lớn khi mọi đội bóng đều chuẩn bị từ sớm và lên kế hoạch kỹ càng cho các mục tiêu cần mua, tuỳ thuộc vào diễn biến trên thị trường. The Blues không hề có được điều này. Không chỉ chậm chân, họ còn gặp tổn thất lớn khi tất cả những lãnh đạo cấp cao liên quan đến chuyển nhượng đều rời Stamford Bridge. Tin tức về Chelsea "nổ" liên tục nhưng là tin chia tay.
Tình cảnh The Blues lúc bấy giờ chẳng khác gì người "tay không bắt cướp". Họ không có cả kế hoạch lẫn người đàm phán. Vậy là chủ tịch Boehly - người sở hữu vốn kiến thức bóng đá ở tầm... 4-4-3, bất đắc dĩ trở thành "kẻ chạy việc" trong kỳ chuyển nhượng.
Tuchel đã đưa ra một danh sách mua sắm toàn sao hạng A gồm: Raheem Sterling, Presnel Kimpembe, Kounde, Nathan Ake, Raphinha, Frenkie de Jong, Matthijs de Ligt, Kalidou Koulibaly… Không bất ngờ khi Chelsea thất bại trong hầu hết các thương vụ trên với một "tay mơ" trên bàn đàm phán như Boehly. Chưa kể, việc không thể chuẩn bị kỹ lưỡng, không có kế hoạch B cho kỳ chuyển nhượng khiến Chelsea rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Bản thân Tuchel không thể nào vừa đi du đấu hè, vừa chuẩn bị chiến thuật cho mùa giải mới, vừa phải lên danh sách mua sắm ngay lập tức. Chiến lược gia người Đức cũng tỏ ra không mấy thiện chí khi "bị dí" những công việc này. Hệ quả là ông liên tục tỏ thái độ ở các cuộc họp với chủ mới.
Thậm chí, Tuchel còn không kiên định với những mục tiêu mà chính mình đưa ra. Ông thay đổi từ việc cần mua thêm tiền đạo thành... không cần rồi quay ngoắt 180 độ chỉ vài tuần trong chuyến du đấu trên đất Mỹ. Điều này dẫn tới việc rối loạn thông tin và khiến đội chậm chân ở thương vụ Gabriel Jesus dù đã nhắm tới anh ngay từ đầu.
Cuối cùng, Tuchel biến thành "con dê tế thần" vì một loạt sai lầm của Chelsea. Chiến lược gia người Đức đi vào ngõ cụt, bị dàn học trò ngầm tẩy chay và nhận trát sa thải từ ban lãnh đạo mới của đội bóng. Tuy nhiên, Tuchel có lẽ cũng phần nào "hả dạ" khi nhìn The Blues ngày càng rơi vào hố sâu khủng hoảng kể từ khi mình ra đi.
Bao giờ cho đến ngày mai?
Chelsea mất đến 1/2 kỳ chuyển nhượng để đón tân binh đầu tiên là Sterling như một phương án thay thế trực tiếp cho Werner. Kế đến, chủ tịch Boehly tiếp tục chi hơn 100 triệu để đưa về Koulibaly và Wesley Fofana chỉ để khỏa lấp vị trí mà bộ đôi Christensen - Rudiger để lại. Sau đó, Cucurella cập bến Stamford Bridge nhằm đắp vào suất của Alonso. Tuy nhiên, 3 mục tiêu từ mùa hè 2021 (tiền đạo, tiền vệ phòng ngự và wing-back dự phòng cho Jorginho - James) vẫn chưa được thực hiện.
Sự thiếu kinh nghiệm trên thương trường một lần nữa khiến Chelsea trả cái giá cực đắt. Họ dành trọn mùa hè để theo đuổi De Jong mà không hiểu rằng tiền vệ người Hà Lan không muốn chuyển đến nước Anh. Khi Boehly nhận ra điều này, mọi chuyện đã trở nên quá muộn.
Việc không có kế hoạch B khiến tỉ phú người Mỹ trở nên hoảng loạn khi hạn chót kỳ chuyển nhượng ngày càng gần. Edson Alvarez, Romeo Lavia được liên hệ trong những nỗ lực cuối cùng nhưng không thành. Boehly quyết định đi theo "vết xe đổ" của người tiền nhiệm bằng phương án tạm thời mang tên Denis Zakaria, hay có thể xem là... Saul Niguez 2.0.
Mặt khác, Pierre-Emerick Aubameyang cũng được đưa về sau chuỗi trận trồi sụt đầu mùa. Tất nhiên, vẫn chẳng có phương án dự phòng nào cho James dù Denzel Dumfries liên tục được nhắc đến. Hơn 200 triệu bảng được chi ra chỉ mang mục đích thay thế và "chữa cháy" tạm thời. Không một bản hợp đồng nào đem lại sự nâng cấp đội hình lẫn tăng tính linh hoạt cho chiến thuật. Hậu quả là mùa giải 2022/23 của Chelsea đã và đang diễn ra theo cách không thể tồi tệ hơn.
Hai kỳ chuyển nhượng hè với hai "bộ sậu" khác nhau nhưng cùng chung một kịch bản: không có kế hoạch B và thất bại trong các mục tiêu đề ra. Chelsea bỏ quá nhiều thời gian để theo đuổi một cầu thủ mà không có phương án dự phòng (Haaland - 2021; De Jong và Raphinha - 2022) trước khi nhận ra rằng TTCN đã đi tới hồi kết, để rồi phải vá víu những vị trí còn lại (Saul - 2021; Aubameyang và Zakaria - 2022).
Đội chủ sân Stamford Bridge trải qua 3 kỳ chuyển nhượng liên tiếp mà không thực hiện được bất cứ mục đích nào đã được đề ra từ… mùa hè 2021 - ngay sau chức vô địch Champion League. Khi những vấn đề cũ chưa được giải quyết, khó khăn mới lại xuất hiện tạo nên chuỗi domino khiến đội rơi vào khủng hoảng. Tình trạng của Chelsea thời gian qua giống như một vết thương được khâu không kỹ càng và chỉ chờ ngày bung ra.
Những người yêu mến The Blues đang chỉ trích Boehly và Graham Potter dữ dội. Họ cho rằng chiến lược gia người Anh sắp sửa trở thành một David Moyes thứ hai. Tuy nhiên, mọi thứ đều cần thời gian - thứ sẽ chứng minh tất cả. Liverpool đã mất 7 năm liền, Man City trải qua 6 năm, Arsenal tốn 3 năm để có được ngày hôm nay. Vậy nên một đội vừa "tái sinh từ đống tro tàn" được 3 tháng như Chelsea rất cần tình yêu thương, sự cảm thông và ủng hộ hết mình đến từ khán giả. Hãy kiên nhẫn đợi chờ, "quả ngọt" sẽ xuất hiện.
Chelsea còn lý do bí mật đằng sau quyết định sa thải Tuchel
Video: Nhìn lại kỷ nguyên Abramovich bi tráng và hào hùng
Nguồn: YouTube.