TS. Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế phát biểu khai mạc chương trình
Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ sự kiện ngày hội việc làm trường niên của Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm quy tụ và đón đầu hàng trăm cơ hội tuyển dụng lớn đến từ rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Đây là cầu nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên có cơ hội giao lưu và tìm hiểu các thông tin tuyển dụng trực tiếp với các doanh nghiệp.
Giám đốc Trung tâm tư vấn LMF Trần Linh Sơn chia sẻ tại chương trình
“Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn các bạn thanh niên, sinh viên sẽ có cái nhìn mới hơn về xu hướng nghề trong tương lai, có thêm kiến thức, kỹ năng để từ đó sẽ có những quyết định đúng đắn hơn trong lựa chọn nghề. Tôi hi vọng các bạn sẽ có lựa chọn phù hợp với khả năng của mình, cùng với ý chí kiên định.” – Anh Trần Linh Sơn chia sẻ.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: Anh Trần Linh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn LMF (trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), anh Trần Tiến Đạt – Tổng giám đốc Học viện thông tin quốc tế hàng không Skylead chia sẻ Kĩ năng ứng tuyển và tìm cơ hội việc làm ở các nước phát triển; nhà báo – MC Hồng Minh – Ban khoa giáo đài truyền hình Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm Khám phá bản thân trước khi quyết định ứng tuyển việc làm; chị Nguyễn Bích Phương – Tổng giám đốc và sáng lập Công ty Skolana định hướng cho sinh viên các kỹ năng làm việc, quản lý hướng tới thị trường lao động tại khu vực Đông Nam Á và quốc tế; anh Bùi Thanh Tùng – Giám đốc điều hành Công ty CP công nghệ Teknix chia sẻ khả năng Nâng cao năng lực thuyết phục các nhà tuyển dụng trong ngành CNTT; anh Vũ Gia Luyện, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp CNTT quốc tế - Inter ITS chia sẻ bí quyết Chọn nghề theo sở thích, năng lực hay xu hướng xã hội?
TS. Nguyễn Quang Thuận tặng hoa cảm ơn đơn vị đồng hành và các diễn giả
Đại dịch đã thúc đẩy ba nhóm xu hướng từng được dự đoán trước về việc làm là: Phụ thuộc nhiều hơn vào công việc từ xa, bao gồm nhiều cuộc họp ảo và ít đi lại hơn; Sử dụng nhiều sàn thương mại điện tử và các giao dịch ảo (bao gồm mua trực tuyến, giao hàng tại nhà, giáo dục trực tuyến và y tế từ xa…) Áp dụng tự động hoá nhiều hơn. Do đó, vấn đề việc làm hậu COVID đang là mối quan tâm hiện nay của rất nhiều công ty, tổ chức và người lao động trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng.
Theo dự đoán trong 10 năm tới, việc làm trong một số ngành nghề có thể sẽ tăng lên đáng kể. Đó là công việc như kỹ thuật viên, chuyên gia y tế, chuyên gia STEM (Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán học) và dịch vụ vận tải. Các kỹ năng mà người lao động cần có cũng sẽ khác khá nhiều trong 10 năm tới.
P.V