Vừa qua, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 3/2019. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì hội nghị.Tham dự Hội nghị có đại diện, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cùng gần 150 nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đưa tin.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc BHXH Việt Nam đã thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong 3 tháng đầu năm 2019, tập trung vào các lĩnh vực: 1 số thông tin chung như: Công tác thu, giảm nợ, phát triển đối tượng, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Ứng dụng CNTT, cải cách TTHC đối với việc đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT…
“Điểm sáng” trong thực hiện nhiệm vụ của BHXH Việt Nam quý 1/2019
Ông Vũ Quốc Tuấn- Phó Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam thông tin trong Hội nghị: Hiện nay, cả nước có 14,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 295.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,78 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 83,6 triệu người tham gia BHYT- đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 88,1% dân số.
Về công tác đốc thu, giảm nợ đọng, ông Mai Đức Thắng- Phó Trưởng ban Thu cho biết, trong tháng 3, toàn Ngành thu 27.246 tỉ đồng. Lũy kế hết tháng 3/2019, toàn Ngành thu được 77.100 tỉ đồng, đạt 21,4% so với kế hoạch được Chính phủ giao.
Ông Mai Đức Thắng thông tin về những kết quả BHXH Việt Nam đạt được trong quý 1/2019
Ngoài ra, kết quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tực hành chính đối với việc đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Tình hình về số sợ BHXH, BHYT
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng “Số nợ tiếp tục gia tăng, cho đến hết tháng 2, số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi đã tăng lên là 6.654 tỷ đồng, so tháng 2/2018 đã tăng 1.305 tỷ, tăng lên 2,7% so với số phải thu”, ông Mai Đức Thắng cho biết.
Ông chia sẻ, mặc dù ngành bảo hiểm đã có nhiều phương pháp giảm nợ song những tháng đầu năm vẫn gia số nợ tăng. Điển hình có 20 doanh nghiệp có số nợ BHXH lên tới mấy chục tỷ đồng.
Theo ông, nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH chủ yếu là do tình hình sản xuất của nhiều đơn vị SDLĐ đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số đơn vị cố tình chây ỳ, chưa có ý thức chấp hành quy định về đóng BHXH, BHYT; số lượng DN phá sản, giải thể, mất tích và có chủ bỏ trốn còn cao. Đáng chú ý, một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ để sử dụng vào mục đích khác; vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ chưa thực sự hiệu quả; các văn bản pháp luật về quản lý và xử lý nợ đọng còn thiếu và chưa đồng bộ, rõ ràng.
Nguyên nhân nữa là do các doanh nghiệp chi thưởng Tết cho người lao động, chính vì thế vẫn chưa tập trung cho khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp", ông Mai Đức Thắng phân tích nguyên nhân nợ.
Đây cũng là vấn đề được khá nhiều nhà báo, phóng viên quan tâm đặt câu hỏi, trong đó đề cập đến vấn đề xử lý hình sự đối với đơn vị vi phạm; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với đối tượng lao động hợp đồng từ 1 - 3 tháng…
Những giải pháp quyết liệt của BHXH Việt Nam để hạn chế tình trạng gia tăng nợ
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, năm 2019, BHXH Việt Nam không chỉ đặt mục tiêu
giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thấp hơn năm 2018 mà còn phấn đấu duy trì tỷ lệ
nợ thấp ở tất các tháng trong năm.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp: yêu cầu cán bộ bám sát đơn vị đôn đốc đóng nộp đầy đủ; giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để làm căn cứ đánh giá công tác.
Đồng thời, yêu cầu cán bộ chuyên quản bám sát đơn vị để đôn đốc thu; thực hiện thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên (thông qua cảnh báo tự động của phần mềm thu). Sau các đợt thanh tra, phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng như: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, LĐ-TB&XH, LĐLĐ cùng cấp để làm căn cứ xử lý hình sự sau này.
Đối với những đơn vị cố tình trốn đóng, kiến nghị cơ quan Công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự’ hoặc hướng dẫn NLĐ tố giác hành vi vi phạm của chủ SDLĐ để cơ quan Công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra,bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra cho biết về việc tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành: “Trong năm 2019, BHXH Việt Nam sẽ chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành, liên ngành tại 23 tỉnh, thành phố. Trong đó, tiếp tục giao cho BHXH tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra liên ngành tại các đơn vị trên phạm vị cả nước”.
“Với chức năng thanh tra, kiểm tra liên ngành đóng BHXH, BHXH Việt Nam
đã phối hợp tốt các bộ, ngành và chủ động chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện”- bà Lan nói.
Vì vậy, để giảm thiểu số nợ ở tất cả các tỉnh, thành phố và các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành kế hoạch được Chính phủ giao phó, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH, BHYT.
Thu Lan