Việc "khai tử" sổ hộ khẩu làm nhiều phụ huynh lo lắng cho việc tuyển sinh của con
Phụ huynh nhiều nỗi băn khoăn
Những năm trước, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục cần hoàn chỉnh khi học sinh nộp hồ sơ nhập học. Nhưng, từ năm nay, do sổ hộ khẩu giấy hết "sứ mệnh" (từ 1/1/2023), nên nhiều trường học yêu cầu phụ huynh nộp giấy tờ thay thế, đó là giấy xác nhận cư trú. Và điều này khiến các bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn và bức xúc.
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc khi tốn cả tháng trời, bỏ rất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn không làm được giấy xác nhận cư trú cho con, ảnh hưởng đến thời gian nhập học khi quá hạn nộp hồ sơ đăng ký, hoặc đã hết chỉ tiêu.
Một số phụ huynh ở khu vực chưa cần nộp hồ sơ cũng tỏ ra băn khoăn không biết sẽ lấy gì chứng minh cho thông tin cá nhân, đặc biệt là những bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào mầm non, lớp 1, lớp 6.
Một cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thông thường trước các kỳ tuyển sinh đầu cấp, các phường sẽ tổ chức rà soát, thống kê danh sách trẻ đến tuổi đi học, sau đó gửi về Phòng GD&ĐT.
Bên cạnh đó, mỗi học sinh được quản lý theo mã số định danh, trong đó có thông tin nơi cư trú. Như vậy, bỏ sổ hộ khẩu chỉ là đơn giản hóa thủ tục giấy tờ hành chính, còn việc tuyển sinh đầu cấp tại các quận, huyện vẫn trên cơ sở phân tuyến theo nơi cư trú của học sinh.
Căn cứ vào danh sách này và số chỗ học của các trường tiểu học, hội đồng tuyển sinh của quận sẽ thực hiện phân tuyến và công bố danh sách phân tuyến về phường để địa phương phát giấy gọi học sinh đến trường.
Đối với học sinh vào lớp 6, các trường tiểu học sẽ căn cứ vào danh sách phân tuyến của hội đồng tuyển sinh để chủ động chuyển hồ sơ học sinh lớp 5 về các trường THCS theo đúng tuyến. Sau đó, các trường THCS công bố danh sách học sinh trúng tuyển vào trường.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục các địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo các trường trên địa bàn gấp rút phối hợp với cơ quan công an, nhanh chóng cập nhật mã định danh cho học sinh. Với những học sinh chưa có mã định danh, các trường sẽ trích xuất thông tin gửi về phòng GD&ĐT. Sau đó, phòng sẽ gửi lại phía công an với mục tiêu cập nhật thông tin, mã định danh sớm nhất cho học sinh, cũng là để giảm bớt băn khoăn, lo lắng và tiết kiệm thời gian cho các bậc phụ huynh.
Thời gian 'quá độ' không tránh khỏi những vấn đề vướng mắc
Trở lại câu chuyện "bỏ hộ khẩu giấy, việc đi xin học cho con sẽ thế nào?". Lâu nay, "cuốn sổ quyền lực" này không chỉ là một trong những thủ tục cần có trong hồ sơ tuyển sinh, mà việc có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở địa bàn nào còn là căn cứ để tuyển sinh theo tuyến vào trường đóng trên địa bàn đó.
Tuy nhiên, khi sổ hộ khẩu giấy không còn được sử dụng nữa thì những vấn đề phát sinh từ thực tế hiện nay đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần quan tâm giải quyết.
Một cán bộ công an phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trong thời gian "quá độ", chuyển giao từ hộ khẩu giấy sang hộ khẩu điện tử sẽ không tránh khỏi những vấn đề vướng mắc nảy sinh. Một trong những khó khăn hiện tại là hệ thống máy móc, thiết bị ở cơ sở chưa được đồng bộ, nhiều thứ chưa "thông" dữ liệu. Chắc phải mất một khoảng thời gian nữa thì mọi thứ mới đi vào hoạt động trơn tru, khi đó công dân sẽ được thuận tiện hơn. Đội ngũ công an khu vực đang cố gắng khắc phục các vướng mắc, có nhiều vấn đề vướng mắc phải xin ý kiến, hướng dẫn của cấp trên.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh việc bỏ sổ hộ khẩu, đẩy cái khó về phía dân. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an kiểm tra lại việc này, đề xuất các giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 05 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, phấn đấu đến tháng 6/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Phương Liên/Chinhphu