Chưa bao giờ Đoàn TTVN có vị trí cao như vậy trên bảng tổng sắp huy chương (thứ 48 chung cuộc) ở một kỳ Olympic, nhưng mừng đấy mà cũng lo đấy.
Tối 24/8, Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã có buổi họp Tổng kết sau kỳ Thế vận hội tại Rio vừa qua. Đây là kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử mà thể thao nước nhà giành được 1 tấm HCV, 1 tấm HCB cùng vị trí thứ 48 chung cuộc.
Thế nhưng, trong suốt khoảng gần 2 giờ tổng kết đó với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện hay những người đầu ngành của Tổng cục Thể dục Thể thao là các ông Vương Bích Thắng và Trần Đức Phấn, không có một từ thành công nào được đưa ra.
Ông Trần Đức Phấn phát biểu tại lễ tổng kết Đoàn TTVN tham dự Olympic Rio 2016. (Ảnh: Hải Đăng).
Ngay cả khi trao đổi với phóng viên sau buổi họp tổng kết, ông Trần Đức Phấn cũng cố tình không đề cập tới câu hỏi của phóng viên để “chốt” về thành tích tại kỳ Thế vận hội vừa qua trên đất Brazil có thành công hay không.
Đơn giản, 2 tấm huy chương vàng và bạc mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được cho môn bắn súng và đoàn TTVN ở Olympic Rio như một kỳ tích mà ngay cả những người trong cuộc cũng phải ngỡ ngàng. Thành công ngoài mong đợi ấy đến với thể thao nước nhà như một liều doping tinh thần, mở ra một thời kỳ mới cho việc đầu tư những môn thể thao thành tích cao trọng điểm, có khả năng tranh chấp huy chương của Việt Nam.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cô đơn trên đỉnh. (Ảnh: Getty).
Thế nhưng, kỳ tích ấy cũng cho thấy một mặt trái của thể thao nước nhà khi Hoàng Xuân Vinh trở thành người hùng nhưng lại cô đơn trên đỉnh. Một mình xạ thủ sinh năm 1974 mang vinh quang về cho Tổ quốc, và cũng chỉ có duy nhất Hoàng Xuân Vinh bước lên bục nhận huy chương trên đất Brazil ở kỳ Thế vận hội mà chúng ta có tới 23 VĐV tham dự ở các môn.
Olympic Rio 2016 cũng chứng kiến thất bại thảm hại của niềm hy vọng cử tạ nước nhà Thạch Kim Tuấn, hay trận thua toàn diện của nữ hoàng kiếm chém Lệ Dung trước nhà VĐTG, Olympic hay ASIAD Son-yejin và không thể kể tới nỗ lực phá sâu kỷ lục SEA Games nhưng “kình ngư vàng” Ánh Viên vẫn ngậm ngùi dừng bước ở vòng loại trên đường đua xanh.
Ánh Viên và môn bơi lội nói chung vẫn tiếp tục được đầu tư cho ASIAD và tiệm cận với thành tích Olympic. (Ảnh: Getty).
Mới đây, ông Vương Bích Thắng cho biết ở đấu trường Olympic, những môn bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, taekwondo... vẫn tiếp tục được đầu tư trọng điểm trong thời gian tới. Riêng hai môn điền kinh, bơi lội dù thành tích chưa tiệm cận với huy chương Olympic nhưng vẫn được đầu tư trọng điểm với mục tiêu giành huy chương ASIAD và giành nhiều vé đến Thế vận hội.
Bài toán đầu tư cần một lời giải đáp đúng đắn và chiến lược từ những người làm thể thao nước nhà, để không còn người hùng cô độc như Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio, để thành tích chung của chúng ta tiếp cận gần hơn với bức tường đẳng cấp của thể thao thành tích cao thế giới./.