TNV - Để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra vào ngày 9/5, vừa qua Câu lạc bộ Sao Đỏ đã tiến hành họp và thống nhất một số nội dung đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chủ tịch CLB Sao Đỏ Nguyễn Cảnh Hồng phát biểu tại cuộc họp ngày 5/5 vừa qua.
Dịch bệnh viêm phổi cấp do virut Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng nặng nề và toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội của nhiều quốc gia. Mặc dù nằm ngay sát với quốc gia khởi phát dịch bệnh, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt với đại dịch này. Cập nhật lúc 6h ngày 07/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết 12 giờ qua Việt Nam không có ca nhiễm mới, đồng thời, trong 21 ngày qua, chúng ta không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.
Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, và các Bộ, Ban, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của mọi thành phần xã hội, đặc biệt những quyết sách kịp thời và đúng đắn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19
Trong thời gian vừa qua, là tổ chức tập hợp những doanh nghiệp lớn của đất nước, các thành viên CLB Sao Đỏ đã tích cực chung tay đóng góp cùng Chính phủ để phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh.
Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều gói hỗ trợ nhằm khắc phục các thiệt hại từ dịch bệnh, trong đó, các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Theo nhận định chung của nhiều thành viên CLB Doanh nhân Sao Đỏ, sự hỗ trợ doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19 không chỉ liên quan đến sự tồn vong của các doanh nghiệp, mà quan trọng hơn, đây chính là sự bảo vệ nội lực kinh tế quốc gia. Đặc biệt, với những doanh nghiệp có quy mô lớn, đang tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, sự phục hồi của những doanh nghiệp này có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị và tạo động lực phục hồi cũng như phát triển kinh tế thời hậu Covid sắp tới.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào chiều 05/5, để có thể đạt được mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, Thủ tướng đã đề nghị từng đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp; Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.
Toàn cảnh cuộc họp.
Cũng tại phiên họp này, các ý kiến phát biểu đều cho rằng đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch. Nhiều ngành đã giảm phần lớn hoạt động, như hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế đã giảm tới 94,2%.
Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: "Chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm…”.
Thực hiện yêu cầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, khẳng định vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, CLB Sao Đỏ đề xuất và hiến kế lên Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp thiết sau:
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp
Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Chống suy thoái kinh tế do dịch Covid-19
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy, cần thiết có Ban chỉ đạo quốc gia Chống suy thoái kinh tế do dịch Covid-19.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang lớn đang điều hành doanh nghiệp theo đúng mô hình phát triển bền vững với cả 3 mục tiêu:
(1) Ứng phó tốt nhất với tác động của dịch bệnh
(2) Đưa ra các giải phát phục hồi và tái khởi động sản xuất kinh doanh
(3) Bám sát mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Để các doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả mô hình điều hành kinh doanh này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phục hồi kinh tế do dịch Covid-19 bây giờ là điều có ý nghĩa hết sức to lớn khẳng định sự đồng hành và quyết tâm của Chính phủ.
Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có sự tham gia của đại diện các Bộ, Ban, Ngành và sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, người lao động.
Ban chỉ đạo có quyền đưa ra các quyết sách đặc thù như trong thời chiến nhằm đảm bảo các quyết sách được thực thi tức thời trên mặt trận chống suy thoái kinh tế, chống thất nghiệp và đặc biệt không hồi tố.
Về chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh
Thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý cần theo hướng giải quyết nhanh gọn, cắt giảm và đơn giản hóa hơn nữa. Thực tế, dù cấp trên đã tháo gỡ, thông suốt về chủ trương nhưng cấp dưới vẫn gây nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây chính là một nút thắt lớn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Cho phép những dự án đang triển khai trước dịch được khởi động lại. Thậm chí có cơ chế vừa làm, vừa hoàn thiện thủ tục.
Về thuế, lãi suất
Việc giãn và hoãn các khoản nợ cho các phần vốn đã vay từ trước dịch đến nay cũng như các khoản nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội là hết sức quan trọng, cần phải làm ngay và luôn vì các doanh nghiệp bây giờ đang bị mất cân đối dòng tiền, cần nhà nước có cơ chế cùng các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, gia hạn nợ để hoạt động.
Các loại thuế giảm đồng đều cho tất cả các doanh nghiệp mà không cần phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp tránh được cơ chế “xin – cho”.
Về thị trường và chuỗi cung ứng
Thực tế ảnh hưởng của đại dịch đã dẫn đến việc rất nhiều các Tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Cùng với tuyên bố của Tổng thống Mỹ ngày 06/5 vừa qua, nguy cơ một cuộc chiến Thương mại luôn tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc. Song song đó, với việc thay đổi lại hệ thống cung ứng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Nhật rời khỏi Trung Quốc của chính phủ Nhật, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện thể chế, tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đón bắt xu thế này.
Nội dung khác
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ dưới 30% để tạo sự chủ động hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, huy động tối đa các nguồn lực xã hội.
Tăng cường công tác truyền thông để ổn định tâm lý người dân, xã hội; nhanh chóng đưa cuộc sống trở về giai đoạn bình thường.
Về Hiến kế phát triển kinh tế
Đẩy nhanh quy hoạch mới các khu công nghiệp quy mô lớn để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam (Điều này Ấn Độ đang làm quyết liệt để nhằm thay vị trí của Trung Quốc)
Đẩy mạnh đầu tư công vào các cơ sở hạ tầng trong giai đoạn này nhằm tạo công ăn việc làm trước mắt và tăng trưởng dài hạn trong tương lai. Trên thực tế, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu là hạ tầng xã hội sẽ phát triển tới đó. Đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng giao thông sẽ tạo tiền đề cho phát triển lâu dài (các khu đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ mới sẽ phát triển ngay sau hạ tầng giao thông) .
Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, tăng cầu của xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tạo đường dây nóng, kênh online để tiếp nhận các thắc mắc, hiến kế, những tiêu cực, nhũng nhiễu, thiên vị, làm sai ,... so với quy định nhà nước.
Văn Quảng (thực hiện)