TNV - Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục đang được triển khai rộng rãi ở mọi loại hình cơ sở đào tạo. Thậm chí, thiết bị CNTT đã trở thành vật "bất ly thân" của rất nhiều thầy, cô giáo và học sinh.
CNTT đang trở thành "trợ thủ đắc lực" của ngành giáo dục
Tăng cường trang bị thiết bị dạy học hiện đại như phần mềm dạy học, máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... để nâng cao chất lượng dạy, học đã và đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các trường học, cơ sở đào tạo.
Hầu hết các môn học đều có thể ứng dụng CNTT để tăng độ hấp dẫn của các bài giảng, khiến học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Như với môn Hóa học, thông qua phần mềm thiết kế các mô hình phản ứng hóa học, học sinh có thể nhớ nhanh hơn và lâu hơn các kiến thức mà thày cô muốn truyền thụ. Hoặc ở ngành sư phạm ngữ văn có môn Nghệ thuật chèo, nhưng không phải giáo viên nào cũng biết hát chèo, giờ chỉ cần vào YouTube, mở clip để người học trải nghiệm, vừa nhanh chóng vừa hiệu quả.
Với xu thế phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT, giáo viên không thể duy trì cách dạy học truyền thống. Thông qua nhiều phương thức học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giờ đây, phần lớn giáo viên đều đã biết cách sử dụng Power Point để làm giáo án điện tử, trao đổi nghiệp vụ qua email hoặc tham gia các diễn đàn giáo dục nội bộ hoặc của Bộ Giáo dục & Đào tạo, thậm chí còn biết cách soạn bài giảng trên smartphone, nhắc thời khóa biểu giảng dạy trên Google... CNTT không chỉ là trợ thủ đắc lực cho các giáo viên mà còn là người bạn đồng hành thân thiết của các học sinh trong xã hội học tập, kỷ nguyên tri thức số.
Bên cạnh khả năng nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập, CNTT còn ngày càng thể hiện rõ vai trò “trợ lý không lương mà hiệu quả cao” đối với hoạt động quản lý giáo dục. “Đón đầu” các công nghệ hiện đại, một số trường đã triển khai hệ thống xử lý gửi tin nhắn đến điện thoại di động cho các bậc phụ huynh để báo cáo kết quả học tập của học sinh; ứng dụng CNTT vào quản lý hồ sơ sinh viên, tổ chức thi trực tuyến, theo dõi thời khóa biểu, báo điểm,…
Với việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, lãnh đạo các trường học, cơ sở đào tạo đã giảm bớt “gánh nặng”, có thêm nhiều thời gian hơn để đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục và đào tạo.
Thục Mai