Cơ chế động viên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Thứ hai, 21/10/2019 - 07:30

TNV - Đến nay, tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được đánh giá xếp loại theo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ là 81.706 người, chiếm 94,01% tổng số nhà giáo.

Cơ chế động viên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Trong tổng số 81.706 nhà giáo có 18.831 nhà giáo dạy lý thuyết, chiếm tỷ lệ 23,05% (18.448 nhà giáo đạt chuẩn); 23,287 nhà giáo dạy thực hành, chiếm tỷ lệ 28,50% (21.650 nhà giáo đạt chuẩn) và 39.588 nhà giáo dạy tích hợp, chiếm tỷ lệ 48,45% (35.650 nhà giáo đạt chuẩn).

Tính đến nay, số nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ cao (92,71%). Cơ cấu nhà giáo chia theo nhiệm vụ giảng dạy về cơ bản phù hợp với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp là đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực.

Các cơ sở đào tạo tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện hơn 90 chương trình đào tạo cao đẳng và trung cấp. Trong đó, khối Văn hóa nghệ thuật triển khai đào tạo 51 ngành/nghề, khối Du lịch đào tạo 42 ngành/nghề.

Nhưng hiện chuẩn kỹ năng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chưa được xây dựng. Cũng giống như hầu hết các ngành/lĩnh vực đào tạo khác, các giáo viên, giảng viên chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định.

Để đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo, các yếu tố cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình và hệ thống học liệu là 3 nội dung quan trọng cần được quan hoàn thiện một cách đồng bộ, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, nhận thức của xã hội và ý thức học tập của người học là những yếu tố tác động sẽ thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.

Đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp, thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực của cán bộ, giáo viên, có cơ chế thay thế khi không đáp ứng yêu cầu. Đồng thời có cơ chế gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp riêng cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề này cần được nghiên cứu xây dựng dựa trên chức năng nhiệm vụ của giáo viên giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế cụ thể để doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuyển giao các kỹ thuật công nghệ mới cũng như thường xuyên trao đổi về chuyên môn; tăng cường hợp tác quốc tế có chính sách thu hút sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế trong việc đào tạo giáo viên giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Để có được năng lực thực hành nghề thành thạo, luôn bắt nhịp được với nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp cũng như của thời đại, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần phải được cử thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, nâng cao bậc kỹ năng nghề; cần có cơ chế động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiếp cận thực tế nhiều hơn; cần được tham gia kiểm tra, đánh giá để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định; dược cử đến các doanh nghiệp để tiếp cận với thiết bị mới, định kỳ tham gia lao động, sản xuất trực tiếp như công nhân tại doanh nghiệp theo kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; cần được trao đổi, thảo luận với chuyên gia, lao động có tay nghề cao về phương pháp nâng cao kỹ năng nghề; cần phải tạo điều kiện cho nhà giáo tham gia Hội giảng, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp theo quy định.

Doãn Mai