Thế mạnh của Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng vẫn luôn là hiện thực cuộc sống đi kèm với lăng kính hài hước và lạc quan. Chính vì vậy Cô dâu hào môn tiếp tục thành công mang đến cho khán giả giây phút giải trí khi theo dõi gia đình nữ chính Tú Lạc tìm cách đổi đời bằng cách sống phông bạt để gả vào nhà giàu. Dẫu vậy, bộ phim không chỉ là những tiếng cười vô tri mà trực tiếp đặt câu hỏi về quan niệm “môn đăng hộ đối”, bên cạnh motif “hoàng tử - lọ lem” khá quen thuộc với tên tuổi của Vũ Ngọc Đãng qua nhiều tác phẩm trước đây.
Cô dâu hào môn kể về kế hoạch đổi đời của Tú Lạc (Uyển Ân) và gia đình mình sau khi đã chịu đựng cái nghèo đến tận ba đời. Tú Lạc tiếp cận Bảo Hoàng (Samuel An) - CEO của tập đoàn y tế Nguyễn Vũ - dưới vỏ bọc của một tiểu thư danh giá để tạo nên một mối tình và rồi một mối hôn nhân môn đăng hộ đối. Tú Lạc kéo cả gia đình mình cùng tham gia vào kế hoạch phông bạt này, tạo ra nhiều tình huống hài hước và éo le. Cho đến khi họ gặp những cửa ải khó nhằn bao gồm bà Phượng (Thu Trang) - mẹ của Bảo Hoàng và gia đình bà Kỳ (Hồng Vân) - những tay nhà giàu mới nổi cũng lăm le đến túi tiền mấy đời của nhà bà Phượng.
Cân đối phù hợp giữa yếu tố hài hước và drama, Cô dâu hào môn dẫn dắt khán giả tận hưởng những câu chuyện dở khóc dở cười khi gia đình Tú Lạc phải khoác lên chiếc áo quá rộng của giới nhà giàu để đóng cho trọn vẹn vở tuồng môn đăng hộ đối, trước khi 15 phút cuối phim bùng nổ cảm xúc trong màn đối đầu giữa hai tầng lớp giàu - nghèo. Uyển Ân nhận được nhiều lời khen ngợi khi thể hiện một Tú Lạc thông minh, tinh quái nhưng cũng rất tốt bụng và lương thiện. Dẫu mục đích ban đầu của Tú Lạc là sai trái, nhưng sự dễ thương của Uyển Ân và gia đình, đặc biệt là phân đoạn tâm sự cảm động cùng với “ba” Kiều Minh Tuấn đã khiến khán giả thương gia đình phông bạt này hơn là ghét.
Thu Trang trong vai bà Phượng, lần đầu đóng vai một mệnh phụ phu nhân tôn thờ đồng tiền, gây ấn tượng cho khán giả vốn đã quen với những vai diễn hài hước hoặc nghèo rớt mồng tơi của cô. Vẻ sắt đá cao ngạo của Thu Trang cũng giúp xoá đi khoảng cách tuổi tác chỉ chênh lệch ít tuổi với “con trai” Samuel An.
Trong cách tiếp cận lần này của Vũ Ngọc Đãng cùng Cô dâu hào môn, vấn đề môn đăng hộ đối và sự khác biệt giữa vạch đích/vạch xuất phát được đẩy lên hàng đầu. Trong phim không phân biệt rõ chính diện và phản diện, cú twist cuối phim tiết lộ lý do vì sao bà Phượng lại luôn tỏ vẻ khinh ghét người nghèo khiến khán giả bùi ngùi thương cảm và tạo nên ưu điểm của phim là không ai đúng hoàn toàn và sai hoàn toàn. Theo chia sẻ trước đó của đạo diễn và nhà sản xuất, trong phim có đến ba tầng lớp: giàu lâu đời - giàu mới nổi - nghèo lâu đời.
Lăng kính cuộc đời của đại diện ba tầng lớp này khác hẳn nhau, khi một bên bám chặt lấy khung giá trị lâu đời và từ chối thay đổi, còn một bên bất chấp tất cả để thay đổi số phận của mình. Gia đình Tú Lạc không sai khi cố gắng đổi đời, đồng thời họ cho rằng những người giàu dù “new rich” hay “old money” sẽ không bao giờ hiểu được nỗi vất vả của mình, nên mình chiếm của họ ít tiền cũng không sao cả mà quên đi giá trị chân chính của đồng tiền nằm ở sức lao động.
Nhưng gia đình bà Phượng và Bảo Hoàng lại cho thấy sự ngột ngạt khi bám chấp vào những giá trị xưa cũ, dần dần tự biến nó thành một cái lồng ngột ngạt cho chính mình. Sự đối lập giữa hai góc nhìn đặt Tú Lạc và Bảo Hoàng vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, phân vân trong tâm trí lựa chọn tình yêu cổ tích hay chấp nhận thực tại khuôn mẫu, mà quên mất thứ họ cần thật ra là một chút dũng cảm để có thể hành động khác đi, bước về phía nhau. Vũ Ngọc Đãng đã chọn kết mở để khán giả được tự do suy luận theo ý mình về tình yêu của hoàng tử và lọ lem trong thực tế khắc nghiệt.
Lan Anh