TNV - Từ khi cô Lý Thị Mai được phân công về Trường mầm non Húc Động rồi Trường mầm non Thị trấn thuộc huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) công tác, nhìn những việc cô làm và thành quả đạt được mọi người đều nhận thấy ở cô tinh thần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, học tập và làm theo lời Bác, dám bắt tay vào giải quyết những việc khó từng tồn đọng nhiều năm để tìm ra giải pháp tích cực làm thay đổi rõ nét chất lượng dạy và học ở đây.
Phòng thư viện gắn với các hình ảnh tư liệu về Bác Hồ ở Trường MN Húc Động
Khó khăn không làm chùn bước
Sau nhiều năm công tác tại phòng Giáo dục huyện Bình Liêu, năm 2016 cô giáo người dân tộc Tày – Lý Thị Mai được điều động về làm Hiệu trưởngTrường mầm non Húc Động. Đây là ngôi trường có đến 70% số trẻ thuộc hộ nghèo và cận nghèo, mặt khác Húc Động còn là xã đặc biệc khó khăn với 100% trẻ là người dân tộc thiểu số (trên 80% trẻ dân tộc Sán Chỉ), đường sá đi lại khó khăn chỉ có một con đường độc đạo ven theo sườn đồi, cộng thêmcác trở ngại về phong tục tập quán, ngôn ngữ…
Nhưng khó khăn hơn cả là khi ấy giáo viên phải thường xuyên đến từng nhà vận động học sinh đến trường; chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ chưa đạt như mong muốn; cơ sở vật chất trường lớp nghèo nàn; sự phối hợp giáo dục, chăm sóc trẻ giữa nhà trường với phụ huynh chưa chặt chẽ... Do vậy,cán bộ giáo viên nào được điều động về xã Húc Động đều có chung tâm lý lo ngại.
Cô Lý Thị Mai (thứ 2 từ trái qua) vinh dự nhận Bằng khen của Bộ GD& ĐT tại buổi “Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình cấp học mầm non”
Nhớ lời Bác dạy: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên – như tạo thêm sức mạnh để cô không chùn bước trước những khó khăn, thử thách đó. Cô Mai cùng với tập thể sư phạm nhà trường bắt tay vào từng bước khắc phục khó khăn từ những thứ đơn giản nhất.
Ngay năm đầu, cô đã liệt kê tất cả những công việc cần thực hiện theo thứ tự ưu tiên, như việc:Nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc; đề xuất đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị học liệu; xây dựng các khu vui chơi theo quy định của chương trình; bổ sung đồ dùng, đồ chơi đa dạng mang tính gợi mở theo các chủ đề giúp cho trẻ hứng thú tích cực tham gia hoạt động. Đồng thời kêu gọi cán bộ giáo viên chung tay cùng nhà trường tuyên truyền vận động cha mẹ học sinh cho con em đến trường, cùng tham gia các hoạt động với học sinh với nhà trường. Bên cạnh đó phát động các phong trào thi đua trong toàn trường, như: “Giáo viên giúp đỡ giáo viên”, “Giáo viên giúp đỡ trẻ em”.
Cô Lý Thị Mai luôn khát khao đổi mới, sáng tạo và phấn đấu học tập làm theo lời Bác
Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua “Trường học làm theo lời Bác”, cô Mai đã lựa chọn nội dung phù hợp gắn với chủ đề sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn; hướng dẫn giáo viên tăng cường Tiếng việt cho trẻ dân tộc thiểu số; lồng ghép nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong các hoạt động hàng ngày của trẻ, rèn cho trẻ tính mạnh dạn, tự tin, độc lập trong giao tiếp; gắn chương trình giáo dục với hoạt động của địa phương, với phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, lễ hội trên địa bàn.... Ngoài ra, trong góc chơi mỗi lớp đều bố trí một không gian trang trọng trưng bày hình ảnh, sách, truyện, kỷ vật, video... về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; đáng chú ý, nhà trường còn thu hút được sự hưởng ứng của nhân dân địa phương cùng tham gia xây dựng bức phù điêu Bác Hồ với các cháu thiếu nhi nhằm tăng thêm sự hiểu biết về Bác, tình yêu thương, kính trọng Bác…
Từ ngôi trường “nghèo” về mọi thứ , trở thành điểm sáng ở trong và ngoài huyện
Nhờ vậy, từ chỗ là một trong những ngôi trường khó khăn đủ đường, “nghèo” về mọi thứ, đến nay Trường MN Húc Động đã trở thành điểm sáng ở trong và ngoài huyện, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đang trong giai đoạn hoàn thiện để đề nghị công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Hàng năm có nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; nhiều giáo viên được đồng nghiệp giúp đỡ có sự tiến bộ về chuyên môn và biết ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Các góc học tập trong lớp, khuôn viên nhà trường được đầu tư trang bị đầy đủ, xây dựng môi trường hoạt độnghấp dẫn, bổ ích cho trẻ.
Khu chợ quê ở Không gian văn hóa Sán Chỉ
Điển hình nhất phải kể tới là nhà trường đã tận dụng một số phòng để trống bấy lâu nay cải tạo trở thành 04 phòng chơi được trẻ quan tâm hứng thú: Phòng phát triển thể chất; phòng vui chơi với máy tính; phòng thao tác vai, thực hành cuộc sống.
Ngoài ra, cô Mai và tập thể nhà trường còn xây dựng thành công mô hình K hông gian văn hóa dân tộc Sán Chỉ nhằm giúp trẻ ghi nhớ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. K hông gian văn hóa Sán Chỉ được xây dựng ngay tại trường có diện tích 300m 2 và được chia ra thành các khu khác nhau, như: khu nhà cổ; gian hàng trưng bày chợ quê; nhà sàn; khu sân chơi, ném còn, đánh quay, sân bóng đá; vườn trồng Dong riềng và khu triển lãm các sản vật, đồ vật, tranh ảnh.
Theo ông Vi Tiến Vượng (Trưởng phòng Giáo dục& Đào tạo huyện Bình Liêu): Toàn bộ K hông gian văn hóa Sán Chỉ không chỉ được khai thác triệt để phục vụ cho công tác giảng dạy của nhà trường mà còn là địa chỉ để các bậc phụ huynh, du khách và các trường bạn đến học tập, thăm quan nhằm lan tỏa giá trị văn hóa của người Sán Chỉ. “Cùng với mô hình K hông gian văn hóa Sán Chỉ , cô Mai cònchú ý gìn giữ bản sắc văn hóa bằng việc triển khai giáo viên, học sinh mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần; đồng thờithành lập câu lạc bộ hát Sóong Cọ (làn điệu hát giao duyên của người Sán Chỉ) gồm 11 giáo viên, 20 học sinh và 1 phụ huynh tham gia.…Qua đó, góp phần phối hợp với địa phương thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bằng những việc làm thiết thực như: hỗ trợ nhân dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh; dọn dẹp đường làng, thôn bản; tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...” - ông Vượng dẫn chứng.
Coi thuận lợi cũng là thách thức để đổi mới, sáng tạo
Được biết, từ tháng 7/2022, cô Mai được điều chuyển về công tác tại trường mầm non Thị trấn ở trung tâm của huyện. Ở đây tuy điều kiện hoạt động giáo dục của nhà trường thuận lợi về mọi mặt, nhưng không bằng lòng với thuận lợi đó, cô luôn coi đây cũng là thách thức đòi hỏi mình phải sáng tạo hơn trong việcứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tiến kịp với các trường ở trung tâm các đô thị trong tỉnh.
Trường MN Húc Động tận dụng khoảng đất trống để trồng rau làm khu trải nghiệm nông nghiệp xanh của trẻ
Sau thời gian ngắn, nhận thấy nhà trường còn hạn chế trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm của trẻ do đặc thù chung của trường khu vực miền núi, nên cô Mai đã nhanh chóng cùng tập thể nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ. Theo đó, mỗi một tháng lựa chọn 01 chủ đề để trẻ được hoạt động nhóm nhằm kích thích sự tìm tòi khám phá, trải nghiệm kiến thức của trẻ thông qua hoạt động “chơi mà học, học mà chơi”. Ở mỗi buổi ngoại khóa, nhà trường đều kết hợp quyên góp ủng hộ vé ăn cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong trường, thắp lên tình cảm thương yêu sẻ chia cho trẻ ngay từ tấm bé.
Bên cạnh đó, đối với các lớp mẫu giáo trẻ 5 tuổi, để chuẩn bị tâm thế cho các bédễ bắt nhịp vào lớp 1, nhà trường tích cực cho các con làm quen, nhận biết với chữ cái. Cho trẻ được tô các nét chữ, sao chép một số kí hiệu, chữ cái, tên của mình, kích thích các con đọc những chữ đã biết trong môi trường xung quanh. Dạy trẻ biết quy cách đọc sách từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ đầu sách đến cuối sách. Mặt khác, nhà trường còn phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn cho các con có cơ hộilàm quen với môi trường mới, để tránh bỡ ngỡ cho các con khi vào lớp 1.
Tổ chức tham quan các trường tiểu học, tạo tâm thế làm quen, tránh bỡ ngỡcho các con khi vào lớp 1.
Cùng với tổ chức các hoạt động cho trẻ, chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1, cô Mai đã mạnh dạn đổi mới chương trình và phương pháp dạy học, ứng dụng các chuyên đề như: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; “Giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mầm non”; “Sử dụng phương pháp dạy học tiên tiến STEAM”. Bước đầu những sáng kiến do cô đề xuất triển khai đã thu được kết quả khả quan, được tập thể giáo viên nhà trường đồng thuận, các bậc phụ huynh ủng hộ, chất lượng dạy và học của trẻ có nhiều chuyển biến tích cực.
Chỉ hơn 6 năm về trường công tác, với khát khao đổi mới sáng tạo, luôn nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo lời Bác, cô Lý Thị Mai đã thực hiện thành công nhiều ý tưởng, thu được những kết quả nổi bật, xứng đáng là đại biểu huyện Bình Liêu về dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh lần thứ V (giai đoạn 2020-2025); vinh dự đượcBộ GD&ĐT tặng 01 bằng khen, tỉnh Quảng Ninh tặng 03 bằng khen và là cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.
Hoạt động trải nghiệm “Hương sắc Bình Liêu” thu hút được sự quan tâm, hào hứng của đông đảo học sinh và phụ huynh
Thông qua các hoạt động trải nghiệm, huy động quyên góp ủng hộ vé ăn cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong trường, thắp lên tình cảm thương yêu sẻ chia ở trẻ ngay từ tấm bé.
Những thành tích đạt được của tập thể Trường Mầm non Húc Động từ năm 2016 đến năm 2022: 03 năm đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, 03 năm đạt tập thể lao động xuất sắc, 01 năm nhận cờ dẫn đầu phong trào thi đua các trường thuộc Ngành Giáo dục Bình Liêu của UBND tỉnh; nhận 19 giấy khen và bằng khen, trong đó có 01 bằng khen của Bộ Giáo dục, 04 bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt, 02 năm liền nhà trường được UBND tỉnh Quảng Ninh khen thưởng và công nhận “Đơn vị văn hóa” cấp tỉnh.
Phạm Quỳnh