Cơ hội cuối ở Quốc hội: Đồng minh của Trump tính “trăm phương ngàn kế” đảo chiều bầu cử

Thứ năm, 31/12/2020 - 07:35

Giữa lúc Quốc hội chuẩn bị họp nhằm xác nhận kết quả đại cử tri, các đồng minh của Tổng thống Trump vẫn tìm đủ mọi cách để đảo chiều bầu cử cho dù đây là những nỗ lực vô vọng.

Những nỗ lực vô vọng

Tổng thống Trump và các đồng minh của ông ngày càng bất lực trong nỗ lực đảo chiều kết quả bầu cử giữa bối cảnh Quốc hội sắp chính thức xác nhận phiếu đại cử tri vào tuần tới. Đội ngũ của ông Trump đã cố gắng tính "trăm phương ngàn kế" thay đổi cục diện hiện nay, từ nộp đơn kiện lên các tòa án cho tới tìm kiếm những cách mới để đảo chiều bầu cử từ vai trò của Phó Tổng thống Mike Pence.

Ảnh minh họa: Reuters

Ngày 27/12 vừa qua, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Texas Louie Gohmert và một số thành viên đảng Cộng hòa bang Arizona đã đệ đơn yêu cầu thẩm phán liên bang mở rộng quyền lực của Phó Tổng thống Pence trong việc định đoạt phiếu đại cử tri.

Ông Pence sẽ chủ trì một phiên họp chung của Quốc hội vào tuần tới, đồng thời xác nhận kết quả phiếu đại cử tri mà theo đó, ông Biden giành chiến thắng với 306 phiếu trong khi số phiếu của ông Trump là 232.

Tổng thống Trump hiện đang thúc đẩy sự ủng hộ của cử tri khi khẳng định rằng, sự kiện trên của Quốc hội sẽ là cuộc đấu cuối cùng trong nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử: "Gặp lại các bạn ở Washington DC ngày 6/1. Đừng bỏ lỡ ngày này", ông Trump viết trên Twitter ngày 27/12.

Dù vậy, ngày 29/12, có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy, những người trong cuộc chiến cuối cùng của ông Trump đang chùn bước, thậm chí cả những người ủng hộ Tổng thống mạnh mẽ nhất.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Stanley Grot - một đại cử tri ủng hộ ông Trump ở Michigan, đồng thời là một thành viên đảng Cộng hòa lâu năm cho biết ông không có kế hoạch tới Washington vào ngày họp Quốc hội (6/1).

Khi đại cử tri đoàn gặp mặt ngày 14/12 để xác nhận chiến thắng của ông Biden ở Michigan, ông Grot đã tham gia cùng với các đại cử tri khác ở Lansing ủng hộ những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đảo chiều kết quả tại bang này. Tuy nhiên, ông Grot cho biết hôm 29/12 rằng ông không thể làm gì hơn vào tuần tới.

"Hiện nay mọi thứ đã nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi", ông Grot nhận định.

Đại cử tri này cũng cho biết nếu Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Biden, ông sẽ "không thách thức bất kỳ điều gì nữa", đồng thời cho biết thêm rằng "chúng tôi luôn tôn trọng văn phòng tổng thống".

Một đại cử tri khác ở Michigan ủng hộ ông Trump là Timothy King cũng cho biết ông không có kế hoạch tới thủ đô Washington mặc dù ông không cảm thấy chiến thắng của ông Biden là hợp lệ, bất kể điều gì xảy ra ở Quốc hội trong tuần tới.

"Tôi không nghĩ ông Joe Biden sẽ là tổng thống hợp pháp", ông Timothy King nhận định.

Ông Timothy King là người từng nộp đơn kiện thách thức kết quả bầu cử bang Michigan nhưng sau đó đơn kiện này đã bị một thẩm phán liên bang bác bỏ. Dù vậy, ông và những thành viên thành viên đảng Cộng hòa khác vẫn tiếp tục yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét vấn đề này.

Hiện nay, khả năng của đảng Cộng hòa trong việc thách thức quy trình xác nhận kết quả bầu cử tại Quốc hội là rất hạn chế.

Bất kỳ thành viên nào trong Hạ viện, với sự tham gia của một thành viên nữa trong Thượng viện, đều có thể thách thức kết quả đại cử tri theo luật bầu cử những năm 1880. Tuy nhiên, việc thách thức kết quả bầu cử này sẽ chỉ dẫn đến một cuộc tranh luận tại Quốc hội và sau đó là các cuộc bỏ phiếu riêng tại lưỡng viện. Thất bại của ông Trump ở quy trình này là điều không thể tránh khỏi khi mà đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và một số thành viên đảng Cộng hòa đã công khai thừa nhận chiến thắng của ông Biden, trong đó có thượng nghị sĩ bang Utah Mitt Romney, người đã gọi việc Tổng thống Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử là một điều nguy hiểm.

Thậm chí, ngay cả khi Tổng thống Trump chiếm ưu thế trong Thượng viện, nơi mà ông Pence giữ vai trò phá thế hòa 50 - 50 nếu cần thiết, thì nỗ lực thách thức kết quả bầu cử vẫn sẽ thất bại tại Hạ viện.

Cuộc đấu cuối cùng tại Quốc hội

Hiện nay, một số thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện, dẫn đầu là hạ nghị sĩ Mo Brooks cho biết họ có kế hoạch sẽ thách thức kết quả bầu cử tại một số bang dao động, những nơi mà Tổng thống Trump đưa ra những cáo buộc chưa có bằng chứng về gian lận bầu cử trên diện rộng.

Một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa mới đắc cử Tommy Tuberville ở bang Alabama cho biết ông đang cân nhắc sẽ ký vào đơn thách thức kết quả bầu cử của các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện. Nếu việc này diễn ra, ông Tuberviller sẽ đi ngược lại với lập trường của Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và các thượng nghĩ sĩ đảng Cộng hòa cấp cao khác, những người cho rằng động thái trên sẽ gây tổn hại về mặt chính trị khi buộc đảng Cộng hòa phải quyết định liệu có ủng hộ Tổng thống Trump vì lòng trung thành hay không trong một cuộc bỏ phiếu mà họ đã biết chắc là sẽ thất bại.

Thậm chí cả như vậy, các chuyên gia cũng lo ngại rằng cuộc bỏ phiếu trên có thể phủ bóng lên chiến thắng của ông Biden khi ứng viên đảng Dân chủ chuẩn bị nhậm chức ngày 20/1 bởi việc này tạo nên ấn tượng rằng chiến thắng của ông Biden là một kết quả gây tranh cãi.

Cuộc họp Quốc hội vào tuần tới diễn ra giữa bối cảnh Tổng thống Trump nổi cơn thịnh nộ với chính các thành viên trong đảng của ông khi Quốc hội vượt quyền phủ quyết của Tổng thống để thông qua một dự luật quốc phòng quan trọng. Động thái trên cũng làm rạn nứt nhiệt huyết của đảng Cộng hòa trong việc ủng hộ những nỗ lực mong manh nhằm đảo chiều bầu cử của ông Trump.

Đội ngũ của Tổng thống Trump hiện đang tiến hành các vụ kiện nhằm yêu cầu thẩm phán mở rộng các lựa chọn của đảng Cộng hòa trong Quốc hội vào tuần tới mặc dù trước đó, ông Trump và các đồng minh cũng tìm cách can thiệp pháp lý qua một loạt vụ kiện thách thức kết quả bầu cử song đều không thành công. Hơn 90 thẩm phán bang và liên bang được các thành viên của lưỡng đảng Mỹ bổ nhiệm đều bác bỏ các thách thức bầu cử của Tổng thống.

Gần đây, đơn kiện của nghị sĩ Gohmert với sự tham gia của nhóm các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Arizona, trong đó có cả nữ chủ tịch đảng Cộng hòa của bang, cho rằng đạo luật chi phối hành động của Quốc hội vào tuần tới là vi hiến bởi nó đụng chạm đến thẩm quyền riêng của ông Pence trong việc công nhận các đại cử tri. Đơn kiện này cũng đề nghị rằng thẩm phán liên bang nên tuyên bố rằng ông Pence có quyền công nhận các đại cử tri thay thế ủng hộ Tổng thống Trump nếu Phó Tổng thống muốn làm vậy.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng đơn kiện trên chỉ là một nỗ lực vô vọng và có lẽ sẽ bị thẩm phán liên bang bác bỏ vì nhiều lý do.

Trevor Potter, một chuyên gia về luật bầu cử cũng cho rằng: "Tôi không thể hiểu nổi đơn kiện của ông Gohmert và tôi không nghĩ rằng tòa án sẽ xem xét nghiêm túc việc này".

Ngoài các vấn đề trên, ông Potter cho rằng ông Gohmert đang tìm cách "đứng trên Hiến pháp" và nhận định: "Nếu Phó Tổng thống có thẩm quyền lựa chọn các đại cử tri theo mong muốn, vậy thì chúng ta đâu cần Quốc hội hay Hiến pháp nữa".

Norm Eisen, một thành viên đảng Dân chủ hiện là cố vấn cho Chương trình Bảo vệ cử tri phi đảng phái đã gọi đơn kiện của ông Gohmert là "cực đoan và lố bịch" hơn hẳn so với những gì từng diễn ra trước đây.

"Nếu họ lựa chọn lãng phí thời gian của Quốc hội và đất nước này giữa lúc khủng hoảng y tế và kinh tế đang diễn ra thì điều đó không phục vụ bất kỳ mục đích nào khác ngoại trừ việc làm hài lòng cái tôi của Tổng thống", ông Eisen bình luận./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

Theo: Washington Post