Cơ hội lớn để doanh nghiệp ngành gỗ tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh

Thứ sáu, 08/03/2024 - 16:06

Việc tham gia các hội chợ có thể tạo ra những đơn hàng và thị trường mới cho doanh nghiệp ngành gỗ thời gian tới.

Mới đây, tại TPHCM đã khai mạc Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất 2024 - Hawa Expo 2024. Sự kiện này diễn ra trong 4 ngày từ 6-9/3, thu hút khoảng 2.500 gian hàng của hơn 500 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, bên cạnh các khách hàng đến từ thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, HawaExpo 2024 chứng kiến sự quan tâm đáng kể ở nhóm khách từ khu vực Trung Đông, Australia, Canada và Ấn Độ.

Doanh nghiệp ngành gỗ tìm cơ hội mới qua kênh hội chợ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, ngành gỗ luôn được đánh giá là một trong những ngành quan trọng, đóng vai trò chủ lực trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thương mại xuất khẩu. Thời gian qua, ngành gỗ đã có những chuyển biến vượt bậc, ngày càng có sức cạnh tranh, vị thế trên thị trường thế giới.

Năm 2024, triển vọng thương mại toàn cầu được dự báo chưa thật khởi sắc. Tuy nhiên, những tín hiệu phục hồi tích cực của một số thị trường chủ lực như Mỹ, EU… cũng đã xuất hiện rõ nét, niềm tin tiêu dùng hồi phục đã đem lại những tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu gỗ Việt Nam ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã thu về khoảng 2,5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp nhận đơn hàng cho quý 2, quý 3 và đang tích cực bắt tay vào sản xuất để kịp tiến độ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản.

Trong đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước.

“Bộ Công Thương cũng sẽ có sự quan tâm thích đáng tới hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm gỗ Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh về cả môi trường, xã hội, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin đến các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị cũng cho rằng năm 2024 triển vọng của ngành gỗ có những tín hiệu tích cực dù chưa trở lại được như những năm trước. Dự kiến giá trị gỗ và lâm sản gỗ đạt trên 15 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, ngành phải có những giải pháp căn cơ trong đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối sản phẩm.

Bởi trong năm 2024, ngành lâm nghiệp vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức, các thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ trong kiểm soát nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ hợp pháp, sản xuất xanh nhằm ngăn chặn phát thải khí nhà kính.

Thiên An