TNV - Sáng ngày 28/11 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Hội thảo CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, với 100% đại biểu có mặt tán thành. Như vậy, với quyết định của Quốc hội, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Tham gia CPTPP thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung cam kết cơ bản trong CPTPP và ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là Lãnh đạo cấp cao của Bộ Công Thương và các Bộ, Ban ngành liên quan, Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo Sở Công Thương, các Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh của Việt Nam.
Việc tổ chức Hội thảo được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn nêu trên của doanh nghiệp Việt Nam. Nằm trong chuỗi các sự kiện quan trọng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan của cả hai nước triển khai việc xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động với những cách tiếp cận mới, Hội thảo chia ra hai phiên thảo luận chính, tập trung trao đổi về Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP.
PGS, TS Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ:Việc tham gia Hiệp định CPTPP mang đến nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức đối với Việt Nam: Tuy Hiệp định sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tăng xuất khẩu và thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài nhưng nước ta lại là nước kém phát triển nhất, với năng lực sản xuất kinh doanh thấp, năng lực cạnh tranh thấp... Do đó, doanh nghiệp cần phải nhận diện được cơ hội và thách thức để tạo ra bước tiến cho nền kinh tế nước nhà, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì không đạt hiệu quả.
Tại Hội thảo, TS.Nguyễn Minh Phong đã nêu ra những thuận lợi khi tham gia CPTPP: CPTPP khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia và tác động toàn diện về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, kinh tế, xã hội của nước ta.
Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính đến từ những hạn chế của Việt Nam, như: Thị trường vốn có quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn; Quy mô vốn của thị trường tiền tệ còn chưa tương xứng, nhất là quy mô vốn của hệ thống NHTM còn nhỏ; Quy mô thị trường bảo hiểm còn ở mức khá nhỏ, tỉ lệ doanh thu phí trên GDP mới chỉ đạt mức xấp xỉ 2% so với mức trung bình 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,5% trên toàn thế giới; Tồn tại tình trạng mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ dễ dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của ngân hàng…Các tác động sâu của CPTPP đến nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào sự chuẩn bị và khả năng khai thác tính hai mặt trong quá trình triển khai Hiệp định này của Việt Nam, ông nhấn mạnh.
Hội thảo cơ bản đã giúp làm rõ thêm ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.Mặc dù nền kinh tế lớn nhất là Mỹ không còn tham gia Hiệp định làm thay đổi cơ cấu lợi ích của các nước còn lại. Tuy nhiên những lợi ích và cơ hội mà CPTPP mang lại vẫn hết sức lớn. Việc Việt Nam tham gia CTCPP tiếp tục tạo động lực thúc quá trình hội nhập mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, mở rộng quan hệ tự do thương mại với nhiều nước hơn trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, CPTPP giúp củng cố nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế, khẳng định thông điệp của một nước quyết tâm duy trì một nền kinh tế thị trường mở, hấp dẫn đầu tư. Và một ý nghĩa quan trọng đó là việc tham gia CPTPP tiếp tục tạo động lực cho cải cách Chính phủ thực chất, toàn diện và hiệu quả theo luật chơi chung quốc tế.
BH