Cổ phiếu của 3 “ông lớn” ngành thép được khuyến nghị mua với mức sinh lời gấp nhiều lần lãi suất gửi tiết kiệm

Thứ hai, 13/05/2024 - 17:57

Năm 2024, ngành thép được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn nhờ thị trường xây dựng sôi động hơn và nhu cầu từ xây dựng hạ tầng khi đầu tư công vẫn được đẩy mạnh triển khai.

Động lực phục hồi trong năm 2024

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho rằng ngành thép đã có nhiều tín hiệu hồi phục từ quý 3/2023 và kết quả đã được thể hiện vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.

Thời gian tới, ngành thép tiếp tục được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ thị trường xây dựng sôi động hơn và nhu cầu từ xây dựng hạ tầng khi đầu tư công vẫn được đẩy mạnh triển khai.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép tiêu thụ toàn ngành năm 2023 đạt 26,3 triệu tấn, giảm 3,5% so với năm trước.

Agriseco Research cho rằng thị trường bất động sản suy yếu đã khiến lượng tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, trong khi nguồn hàng tại các nhà máy sản xuất vẫn còn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép đang gặp khó trong những tháng cuối năm.

Điểm sáng trong giai đoạn này là thị trường xuất khẩu, qua đó bù đắp cho tình trạng dư cung tại thị trường nội địa.

Tình hình xuất khẩu thép năm 2024. Nguồn: Agriseco Research

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp thép đầu ngành đều đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh trên nền thấp 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng nhận định chưa bứt phá do thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi mạnh.

Agriseco Research cho rằng ngành thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2024 nhờ 3 động lực chính sau:

Thứ nhất, nhu cầu nội địa tăng nhờ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và xây dựng dân dụng ấm dần.

Năm 2024, dự toán chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách nhà nước, khoảng hơn 677.000 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023) chưa kể số dư từ năm 2023 chuyển sang. Đây là mức cao trong các năm trở lại đây.

Theo Agriseco Research, việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm 2023 và ngay từ đầu năm 2024 sẽ là động lực giúp doanh thu của ngành thép tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng bớt ảm đạm nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ cũng là động lực phục hồi của ngành này.

Cụ thể, trong quý 4/2023, nguồn cung bất động sản tiếp tục cải thiện, trong đó số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành tăng 38% so với quý trước; số lượng dự án được cấp phép mới là 20 dự án, tăng 33%; số dự án hoàn thành là 29 căn, tăng 38%.

Còn trong quý đầu năm 2024, tổng lượng giao dịch thành công là 133.512 căn, tăng 22% so với quý trước đó.

Thứ hai, xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2024.

Theo hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu năm 2024 dự kiến tăng 1,9% đạt 1,85 tỷ tấn.

Trong đó, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như ASEAN, châu Âu, Mỹ dự kiến tăng lần lượt là 5,2%, 5,8% và 1,6% so với năm trước nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng. Đây sẽ là động lực cho xuất khẩu thép của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ ba, giá nguyên vật liệu được dự báo giảm trong khi đó giá thép được dự báo hồi phục giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Theo dự báo của World Bank, giá quặng sắt năm 2024 giảm xuống còn 108 USD/tấn nhờ nguồn cung quặng sắt gia tăng trên toàn cầu và thị trường bất động sản tại Trung Quốc ảm đạm và nhu cầu thép phục hồi chậm tại các quốc gia khác.

Giá than cũng được dự báo giảm trong năm 2024. Cụ thể, giá than Úc bình quân cả năm được dự báo ở mức 190 USD/tấn, giảm 23% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giá thép được kỳ vọng đã tạo đáy và có thể phục hồi trong thời gian tới với kì vọng ngành bất động sản ấm dần lên vào năm 2024 và tồn kho ngành thấp giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép cải thiện.

Bên cạnh các cơ hội tăng trưởng, Agriseco Research lưu ý ngành thép vẫn đối mặt với rủi ro cạnh tranh từ thị trường thép Trung Quốc.

Năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5,6 tỷ USD, trong đó lượng nhập khẩu đạt gần 8,3 triệu tấn, tăng 63% so với cùng kỳ; giá nhập khẩu trung bình đạt gần 682 USD/tấn, giảm 30%.

Theo Tổng Cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, giá trị nhập khẩu sắt thép của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc là 2,9 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng nhập khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 49,4% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm và thị trường bất động sản vẫn ảm đạm khiến dư thừa nguồn cung sắt thép.

3 cổ phiếu thép tiềm năng

Với triển vọng tích cực nhờ thị trường bất động sản, đầu tư công được đẩy mạnh, xuất khẩu phục hồi… Agriseco Research cho rằng CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) và CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) sẽ có nhiều cơ hội phục hồi và tăng trưởng.

Với Hòa Phát, Agriseco Research dự phóng giá mục tiêu cổ phiếu HPG là 35.000 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay của Hòa Phát tăng trưởng mạnh so với nền thấp năm 2023 nhờ vào 3 yếu tố chính.

Đầu tiên là thị trường bất động sản trong nước hồi phục và nhu cầu xuất khẩu từ các thị trường chính tăng trưởng giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ thép.

Thứ hai, với lợi thế về chuỗi giá trị hoàn thiện và chi phí, nhà sản xuất thép này có thể gia tăng thị phần khi ngành thép phục hồi.

Thứ ba, biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào được dự báo giảm trong năm 2024 trong khi giá thép được kỳ vọng đã tạo đáy.

Đối với Nam Kim, động lực chính của doanh nghiệp này đến từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, biên lãi gộp dự báo được cải thiện nhờ hàng tồn kho giá rẻ do trong quý 1/2024.

Ngoài ra, việc dự án Nam Kim Phú Mỹ dự kiến triển khai từ quý 2/2024 và hoàn thành vào năm 2027 giúp nâng tổng công suất lên 2,2 triệu tấn/năm sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, Tôn Đông Á hiện đứng thứ 3 trong ngành tôn mạ với khoảng 16% thị phần. Trong cơ cấu doanh thu, xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 70% sản lượng và chỉ 30% sản lượng tiêu thụ nội địa.

Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng cao từ thị trường xuất khẩu và các dự án đầu tư trọng điểm tại phía Nam.

Hiện nay cổ phiếu Tôn Đông Á đang giao dịch tại mức P/B là 0,72x với giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu là 31.500 đồng. Agriseco Research cho rằng đây là mức giá tương đối rẻ so với vị thế doanh nghiệp và phù hợp để nắm giữ dài hạn.

 

Thúy Hà