Con cái của các chiến binh IS: Đứa trẻ vô tội hay “quả bom nổ chậm”?

Thứ sáu, 10/05/2019 - 08:48

Số phận những đứa trẻ là con của các chiến binh IS khó có thể phán quyết giữa ranh giới của nạn nhân chiến tranh hay mối đe dọa tiềm tàng.

Con của các chiến binh IS: Nạn nhân hay mối đe dọa tiềm tàng?

Nhiều đứa trẻ còn chưa đến tuổi tới trường khi chúng theo cha mẹ tới lãnh thổ mà IS kiểm soát ở Iraq và Syria. Hàng nghìn đứa trẻ khác đã được sinh ra trong bom đạn và chiến tranh ở đây.


Những đứa trẻ trong trại tị nạn Al Hol ở phía đông Syria. Ảnh: The New York Times

Những đứa trẻ là con của hơn 40.000 chiến binh IS nước ngoài đến từ 80 quốc gia khác nhau là những đối tượng bị bỏ lại dễ tổn thương nhất đằng sau những cuộc chiến. Cha mẹ của chúng – nhiều tay súng vẫn bị giam giữ trong những khu trại và các nhà tù ở khắp phía đông Syria, Iraq và Libya.

"Chúng ta đã và sẽ làm gì cho những đứa trẻ này? Không gì cả", Fabrizio Carboni, một nhân viên Hội Chữ Thập Đỏ sau khi chứng kiến điều kiện sống tồi tàn của những người trong trại tị nạn Al Hol ở Syria chia sẻ.

Các chính phủ nước ngoài có công dân bị giam giữ trong các khu trại và các nhà tù ở Syria cũng đang "đau đầu" nghĩ cách giải quyết ra sao với những đứa trẻ này.

Theo các nhà nghiên cứu, IS đã huấn luyện những đứa trẻ thành các tay súng, trinh sát, điệp viên, người chế tạo bom và thậm chí là các chiến binh liều chết. Các video tuyên truyền của chúng cho thấy những đứa trẻ phải thực hiện tội ác chặt đầu và bắn chết các tù nhân.

Tư tưởng cực đoan của IS đã ăn sâu vào một số đứa trẻ và những thiếu niên lớn hơn thì thậm chí còn thuần thục cả các bài huấn luyện quân sự của chúng.

"Những đứa trẻ này là chỉ là những nạn nhân của hoàn cảnh bởi chúng phải làm những điều trái với ý muốn của chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không phải một hiểm họa, ít nhất là trong một vài tình huống nhất định", Peter Neumann - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại trường King’s College London nhận định.

Việc tìm ra cách giải quyết với những đứa trẻ này đã phức tạp, quyết định nên làm gì với cha mẹ chúng thậm chí còn khó khăn hơn.

Có ít nhất 13.000 người nước ngoài đi theo IS ở Syria, trong đó có 12.000 phụ nữ và trẻ em. Con số này còn chưa kể tới 31.000 phụ nữ Iraq và trẻ em đang bị giữ trong các khu trại ở đây cùng với khoảng 1.400 tù nhân ở Iraq.

Tuy nhiên, chỉ có một số quốc gia gồm Nga, Kosovo, Kazakhstan, Indonesia và Pháp là có các động thái can thiệp để đưa những công dân này hồi hương.

Bài toán khó

Cuộc chiến chống IS có thể đã qua đi nhưng việc giải quyết những người nước ngoài từng tham gia vào IS và gia đình của họ như thế nào lại là một vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.

Trong các khu trại quá tải ở phía đông Syria, vợ và con cái của những tay súng IS đang chết dần vì bệnh tật và suy dinh dưỡng. Lực lượng dân quân địa phương quản lý các khu trại này cho biết họ không thể tiếp tục giữ thêm các công dân nước ngoài này nữa.

Dọc biên giới ở Iraq, các quan chức chính phủ vội vàng đưa ra phán quyết với những người bị cáo buộc là thành viên của IS khi tuyên án hàng trăm người mức hình phạt tử hình trong các phiên tòa kéo dài chưa tới 5 phút.

Tuy nhiên, các chính phủ nước ngoài cũng ngần ngại trong việc để công dân của họ trở về nước, khiến những người này trở thành đối tượng bị gạt sang lề xã hội, không ai muốn thừa nhận, không nhà cửa và chẳng còn quê hương.

Các chính phủ nước ngoài không muốn thu nhận những người từng tham gia IS không phải không có lý do. Họ lo ngại rằng những kẻ có tư tưởng cực đoan này có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công nếu quay trở về nước.

Một số quốc gia như Anh và Australia đã thu hồi quyền công dân của một số người nghi tham gia vào IS. Chỉ riêng Anh đã hủy bỏ hộ chiếu của hơn 150 người, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Sajid Javid cho biết.

Đưa những người này trở về nước có thể trở thành một mối đe dọa, nhưng để mặc họ trong các khu trại và tước quyền công dân của họ thì cũng không phải là giải pháp.

"Chúng ta có thể lờ đi việc này trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài nó có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng", Seamus Hughes - phó giám đốc chương trình Goerge Washington nhận định.ư

Dù vậy, đưa những tay súng nước ngoài tham gia IS và gia đình họ trở về nước gần như đặt ra cho chính phủ các nước này những câu hỏi không dễ trả lời, như làm thế nào để tách những người phạm tội và không phạm tội, hay giữa những người có thể tạo ra các mối đe dọa với những người không thể.

Bài toán này càng trở nên khó khăn hơn khi đó không phải là 1, 2 trường hợp mà là hàng vạn phụ nữ và trẻ em có liên quan đến IS.

Những giải pháp khó “vẹn cả đôi đường”

Một số chuyên gia cho rằng việc đưa các thành viên IS trở về nước khởi tố hoặc giám sát họ là một quyết định thông minh hơn, an toàn hơn và nhân đạo hơn so với việc để họ lại Trung Đông hoặc chịu sự phán quyết của hệ thống tư pháp Iraq.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng kêu gọi các chính phủ nước ngoài để các công dân này hồi hương, mặc dù các quan chức đề xuất rằng những người không thể hồi hương có thể được đưa tới nhà tù quân đội ở Vịnh Guantánamo.

"Họ là công dân của một đất nước và dù tốt xấu ra sao thì đất nước đó cũng phải chịu trách nhiệm với những vấn đề mà họ gây ra", Tanya Mehra - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế Chống khủng bố tại The Hague nhận định

Hội đồng Tư pháp Tối cao Iraq cho biết ít nhất 185 thiếu niên nước ngoài đã bị kết tội khủng bố và bị giam trong nhà tù vào cuối năm 2018. Iraq cũng đang đàm phán với lực lượng người Kurd đang điều hành các khu trại ở Syria về việc hồi hương của 31.000 phụ nữ và trẻ em Iraq nhưng chính phủ nước này vẫn chưa quyết định được nên xử lý ra sao với những người này.

"Nếu chúng ta để họ ở lại các khu trại và mất dấu họ, dù sớm hay muộn họ cũng sẽ quay trở lại và chúng ta không biết được điều gì đã xảy ra với họ và họ sẽ làm gì. Ít nhất thì việc đưa họ về nước dù có thể có những nguy cơ tiềm tàng nhưng chúng ta có thể kiểm soát được, bà Mehra nhận định.

Một số quốc gia đã đề xuất thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các tù nhân IS song các chuyên gia nhận điều này là không thực tế và không hiệu quả vì có quá nhiều người và các mức án cũng khác nhau.

Khởi tố những người này ở quê nhà của họ cũng là một vấn đề phức tạp. Nhiều nước thậm chí không có quy định luật pháp nào xử lý các trường hợp này hoặc nếu có thì cũng chỉ là án tù một vài năm.

Ngay cả khi đã giam giữ các tù nhân IS, các quốc gia cũng phải “đau đầu” làm sao tránh để họ "lây lan" các tư tưởng cực đoan sang các tù nhân khác, cũng như quá trình giúp họ tái hòa nhập với xã hội sau khi ra tù.

Một số chính phủ có vẻ sẵn sàng với việc thu nhận con cái của các tù nhân IS hơn là cha mẹ chúng dù hầu như có rất ít nước cử người đến Syria và Iraq để đưa những đứa trẻ này hồi hương. Một vài nước thậm chí đã yêu cầu kiểm tra DNA của những đứa trẻ được sinh ra trong thành trì của IS nhằm xác minh cha mẹ và quốc tịch của chúng trước khi đưa chúng trở về nước.

Nhằm giúp những đứa trẻ này hòa nhập với xã hội, một số nước đã tách chúng khỏi cha mẹ của chúng - những người mang tư tưởng cực đoan của IS để đưa chúng tới nhà họ hàng chăm sóc hoặc tại các gia đình muốn nhận con nuôi. Mặc dù đây có lẽ là cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề nhưng nhiều đứa trẻ rõ ràng không hề muốn bị chia cách với cha mẹ chúng.

Cuộc chiến chống IS đã qua đi nhưng những câu hỏi về số phận của những đứa trẻ là con các chiến binh IS vẫn còn bỏ ngỏ mặc dù định mệnh không cho chúng chọn cha mẹ và đến giờ tương lai của chúng, số phận của chúng vẫn đang được “nâng lên, đặt xuống” giữa ranh giới của sự nhân đạo và những lo ngại tiềm tàng về an ninh./.

Kiều Anh/VOVDịch từ The New York Times