“Con dao 2 lưỡi” sau quyết định của Mỹ cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine

Thứ sáu, 22/11/2024 - 08:24

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục có động thái phá dỡ rào cản viện trợ vũ khí cho Ukraine khi tuyên bố sẽ gửi mìn chống bộ binh cho nước này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định này có thể là "con dao 2 lưỡi" đối với Ukraine.

Quyết định đảo ngược chính sách cấm sử dụng mìn của ông Biden diễn ra ngay sau khi Washington chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Động thái được cho là nhằm hỗ trợ Ukraine đạt ưu thế trên chiến trường trước khi ông Biden mãn nhiệm và Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

“Con dao 2 lưỡi” sau quyết định của Mỹ cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine- Ảnh 1.

Lính Mỹ huấn luyện dùng mìn chống bộ binh hồi năm 2014. Ảnh: US Army

Quyết định táo bạo của Mỹ

Lầu Năm Góc đánh giá loại mìn có thể là một trong những cách hiệu quả nhất để làm chậm các cuộc tấn công của Nga, vốn đã mang lại cho Moscow nhiều lợi thế trên chiến trường từ đầu năm đến nay.

Các quan chức Mỹ cho biết loại mìn Washington chuyển cho Ukraine sẽ là mìn “không bền”, tức nó có một cơ chế để giới hạn vòng đời của bộ kích nổ. Một số quả mìn sử dụng cầu chì điện cần có pin và sẽ mất tác dụng khi hết pin. Một quan chức Mỹ cũng cho biết, loại mìn này chứa một số tính năng nhằm hạn chế rủi ro lâu dài đối với dân thường, trong đó có công nghệ ngăn phát nổ sau một khoảng thời gian nhất định.

Theo các chuyên gia quân sự, sự hỗ trợ bổ sung mà Mỹ dành cho Ukraine có thể củng cố vị thế của nước này khi Kiev và Moscow nỗ lực định hình chiến trường trước thềm các cuộc đàm phán tiềm năng vào năm tới.

"Quyết định của Tổng thống Biden cung cấp cả tên lửa ATACMS và mìn chống bộ binh dường như nhằm mục đích tạo đòn bẩy cho Ukraine trong các cuộc đàm phán trong tương lai – điều mà nhiều khả năng sẽ diễn ra sau khi ông Trump nhậm chức. Những cuộc đàm phán đó có thể hữu ích nhưng chắc chắn không mang tính quyết định", ông James Stavridis, cựu chỉ huy NATO nhận định.

Trong các cuộc họp cấp cao, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tướng Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ lập luận rằng việc chuyển giao những vũ khí đó là cách tốt nhất để giúp Ukraine ổn định tiền tuyến, khi Nga đã bắt đầu có những bước tiến nhanh chóng vào mùa thu năm nay. Ngoài ra, quyết định này cũng nhằm phản ứng trước việc Nga nhận được sự hỗ trợ của Triều Tiên khi nỗ lực đẩy lùi các lực lượng Ukraine khỏi tỉnh Kursk, miền tây nước này.

Bộ trưởng Austin cho biết: “Nga đã thay đổi chiến thuật một chút. Họ không còn dẫn đầu bằng lực lượng cơ giới nữa, mà thay vào đó triển khai bộ binh để áp sát đối phương và mở đường cho lực lượng cơ giới”.

"Mìn rất quan trọng đối với Ukraine trong suốt cuộc chiến, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại. Chúng được sử dụng để bù đắp cho tình trạng thiếu nhân lực, bảo vệ vị trí của Ukraine hoặc cản trở bước tiến của Nga", ông Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Ivan Stupak, cựu nhân viên của cơ quan an ninh Ukraine (SBU) cho rằng "đây không phải là vũ khí thay đổi cuộc chơi", đồng thời nhấn mạnh để tạo ra sự thay đổi lớn, Ukraine sẽ cần hàng nghìn quả mìn chống bộ binh rải khắp tiền tuyến trải dài hàng trăm km.

Con dao hai lưỡi đối với Ukraine

Mìn chống bộ binh có thể là vũ khí hiệu quả, nhưng chúng gây nhiều tranh cãi vì bị các nhóm nhân quyền phản đối với lý do vũ khí này có thể gây nguy hiểm cho dân thường trong thời gian dài. Hơn 160 quốc gia trên thế giới đã ký hiệp ước cấm sử dụng và sản xuất mìn, nhưng Nga và Mỹ không nằm trong số các quốc gia này.

Mỹ là quốc gia có nhiều mìn nhất trên thế giới, trong đó có những loại được thiết kế để phá hủy xe bọc thép và xe tăng. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Nga được cho là đã sử dụng hơn 10 loại mìn chống bộ binh ở Ukraine.

HALO Trust, một tổ chức phi chính phủ theo dõi hoạt động rà phá bom mìn, cho biết, việc xuất hiện thêm nhiều mìn chống bộ binh ở Đông Âu là "mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu", đồng thời lưu ý “thật đáng tiếc khi cuộc chiến đòi hỏi các biện pháp phòng thủ như thế này".

Tổ chức này ước tính, có hơn 2 triệu quả mìn được sử dụng ở Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022, và cam kết sẽ tiếp tục công việc rà phá bom mìn tại quốc gia này sau quyết định của chính phủ Mỹ.

"Ngay cả những quả mìn không bền cũng là mối đe dọa đối với dân thường. Quyết định của Mỹ cung cấp mìn cho Ukraine là một quyết định liều lĩnh và là một bước lùi đáng thất vọng đối với một vị tổng thống từng có quan điểm rằng việc sử dụng mìn khiến người dân có nguy cơ bị tổn hại cao hơn", ông Ben Linden, thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế Mỹ tại Châu Âu và Trung Á cho biết.

Theo các nhà quan sát, mặc dù có tính hữu dụng về mặt chiến thuật, việc triển khai mìn chống bộ binh lại gây ra hậu quả nhân đạo nghiêm trọng. Ukraine hiện là một trong những quốc gia bị ô nhiễm mìn nhiều nhất trên toàn cầu và tình trạng này trở nên trầm trọng hơn sau khi xung đột bùng phát vào năm 2022. Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm mìn tại 11 trong số 27 khu vực của Ukraine gây ra hậu quả tàn khốc cho dân thường.

Sự hiện diện của mìn khiến người dân không thể xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng và trồng trọt, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo của đất nước. Khoảng 174.000 km2 bị ô nhiễm bởi các mảnh bom còn sót lại, làm suy yếu thêm nền kinh tế và an ninh lương thực của Ukraine. Ngành nông nghiệp, từng là trụ cột của GDP của Ukraine, đã suy giảm mạnh khi sự ô nhiễm mìn cản trở xuất khẩu, khiến nhiều vùng đất nông nghiệp rộng lớn bị bỏ hoang.

Hồng Anh/VOV