Đi chậm hay đi nhanh?
Với những nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran vào tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông có thể đi chậm trong quá trình đàm phán các điều khoản của thỏa thuận nhưng như vậy sẽ khiến Iran mất kiên nhẫn và dẫn đến nguy cơ các cuộc trao đổi sụp đổ hoặc thậm chí rủi ro chiến tranh gia tăng. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng có thể lựa chọn đi nhanh nhưng điều này lại khiến ông phải chấp nhận một thỏa thuận không hoàn hảo, phá hủy những tham vọng của ông trong chương trình đối nội.
Hình ảnh vệ tinh hồi tháng 10 cho thấy việc xây dựng tại nhà máy Natanz của Iran. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết Iran đã lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến tại nhà máy dưới lòng đất này nhằm mở rộng khả năng làm giàu uranium. Ảnh: Planet Labs
Iran, Mỹ, Liên minh châu Âu cùng 5 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Nga - các bên ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 tập trung tại Vienna sáng 6/4 (giờ địa phương) với hy vọng cứu vãn thỏa thuận đang trên bờ vực sụp đổ này sau những căng thẳng leo thang dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Các cuộc đàm phán mới đầu tiên giữa các bên kể từ khi cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận năm 2018 này được tiến hành nhằm đưa Mỹ và Iran quay lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Mỹ sẽ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt với nền kinh tế Iran trong khi nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ cắt giảm nguyên liệu sản xuất hạt nhân tăng vượt ngưỡng cho phép trước đó. Cho tới nay, do không bên nào chịu nhượng bộ trước nên cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran vẫn rơi vào bế tắc.
"Đây là bước đầu tiên. Những cuộc đàm phán khó khăn vẫn ở phía trước nhưng chúng ta đã đi đúng hướng", đặc phái viên về Iran của chính quyền Tổng thống Biden, ông Robert Malley nhận định trên Twitter.
Tuy nhiên, trên thực tế, những thách thức quan trọng mà hai bên phải đối mặt vẫn còn đó và có thể khiến bất kỳ tiến triển nào đạt được "xôi hỏng bỏng không".
Những cuộc tấn công gần đây do các lực lượng được Iran ủng hộ nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Iraq đang khiến chính quyền ông Biden gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng sự ủng hộ trong nước với các sáng kiến ngoại giao mới về vấn đề này. Một số quan chức và nhà phân tích Mỹ cho rằng ông Biden nên trì hoãn việc đàm phán với Iran và thay vào đó nên tập trung vào các chương trình nghị sự trong nước. Những người khác thì cho rằng Tổng thống Mỹ đã chờ đợi quá lâu.
Một vài quan chức Lầu Năm Góc đánh giá căng thẳng Mỹ - Iran nghiêm trọng tới nỗi không thể trì hoãn thêm việc đàm phán nữa. Nếu không có một thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, Mỹ sẽ phải theo dõi sát sao hơn khả năng chế tạo bom của nước này, hoặc phải tiến hành động thái quân sự để ngăn chặn việc này, các quan chức quân đội Mỹ cho hay.
Minh chứng cho tình trạng khẩn cấp của hồ sơ hạt nhân Iran là việc một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã lắp đặt một loạt máy ly tâm hiện đại ở nhà máy Natanz dưới lòng đất nhằm mở rộng khả năng làm giàu uranium. Kể từ khi cựu Tổng thống Trump rời khỏi thỏa thuận, cô lập và trừng phạt Iran bằng chiến dịch "gây sức ép tối đa", nước Cộng hòa Hồi giáo này đã nhiều lần phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận.
Iran càng đứng ngoài thỏa thuận lâu thì Tehran càng tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân và khi Iran càng tiến gần hơn việc này thì Israel càng tăng cường tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Những diễn biến trên có thể dẫn đến nguy cơ về một cuộc chiến tranh khu vực kéo theo sự can thiệp của Mỹ.
Tiến thoái lưỡng nan
Tổng thống Biden đã có động thái đầu tiên với Iran hồi tháng 2 với hy vọng phá vỡ tình trạng đình trệ giữa 2 bên nhưng nỗ lực này đã thất bại.
"Có quá nhiều sự hoài nghi ở Iran, trong khu vực và tại Washington, những người muốn khai tử thỏa thuận này nếu Tổng thống Biden không có động thái quyết liệt", Joseph Cirincione - một chuyên gia về kiểm soát vũ trang tại Viện Nghệ thuật Quản lý Nhà nước Quincy đánh giá. Ông nằm trong số những nhà phân tích cho rằng Tổng thống Biden đã tính toán sai lầm khi không nhanh chóng làm sống dậy thỏa thuận hạt nhân Iran trong những tuần đầu nhậm chức như ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Vali Nasr, một chuyên gia về Iran, đồng thời là trưởng khoa tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Johns Hopkins tại Washington đánh giá, chính sách đi chậm của ông Biden không chỉ phản bội những lời hứa tranh cử của ông mà còn khiến Iran có thêm thời gian để gia tăng các yêu cầu giảm nhẹ trừng phạt. Các lực lượng được Iran ủng hộ ở Iraq và Yemen cũng được cho là đang tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ và đồng minh của Mỹ, trong đó có Saudi Arabia,
"Iran không vội quay lại thỏa thuận sớm và họ đang hành động để khiến chính quyền Tổng thống Biden gặp khó khăn nhiều hơn ngay từ bước đầu tiên", chuyên gia Nasr nhận định.
Nếu Tổng thống Biden chấp nhận thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay, đảng Cộng hòa sẽ gia tăng sức ép với nhà lãnh đạo Mỹ bởi từ lâu, đảng này đã cho rằng thỏa thuận hạt nhân chỉ kiểm soát được một phần trong các hoạt động quân sự của Iran.
Thượng nghị sĩ bang Oklahoma James M. Inhofe, thành viên đảng Cộng hòa cấp cao trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện nhận định hôm 2/4 rằng: "Giải pháp ngoại giao bền vững duy nhất với Iran là giải pháp nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng. Tôi muốn nhắc lại việc một số thành viên Quốc hội từng phản đối JCPOA với sự nhất trí lưỡng đảng năm 2015. Nếu ông Biden lặp lại lịch sử bằng cách quay lại thỏa thuận thất bại đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối nó".
Năm 2015, Tổng thống Obama đã sử dụng thẩm quyền của mình để tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran mà không qua Quốc hội.
Nếu thỏa thuận hạt nhân có thể hồi sinh, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ sẽ tìm kiếm các cuộc trao đổi với Tehran để phác thảo một thỏa thuận "mạnh hơn và lâu dài hơn" nhằm mở rộng các hạn chế về kho tên lửa ngày càng gia tăng của Iran. Mỹ cũng sẽ tìm cách ngăn cản sự ủng hộ của Iran với các lực lượng ở Iraq, Yemen, Lebanon và Syria. Các quan chức Mỹ khẳng định họ sẽ không nhượng bộ Iran để đổi lấy thỏa thuận.
"Chính quyền Tổng thống Biden đã thể hiện rằng họ sẽ phối hợp với Iran để đàm phán về thỏa thuận song sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì", Kelsey Davenport, giám đốc phụ trách chính sách không phổ biến vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ trang cho hay.
Có lẽ, một rủi ro lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Iran là tình huống leo thang căng thẳng nằm ngoài dự tính, chẳng hạn như một thiết bị nổ của Iran phá hủy tàu chở dầu hay một trong các lực lượng ủy nhiệm của nước này phóng tên lửa khiến người Mỹ thiệt mạng. Những diễn biến này đều có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự trên quy mô lớn.
Các quan chức chỉ huy của Mỹ cho rằng, kho tên lửa tự sản xuất ngày càng gia tăng của Iran là một mối đe dọa với các căn cứ và đồng minh của Mỹ trong khu vực với những rủi ro ngắn hạn còn lớn hơn chương trình hạt nhân của nước này.
Iran có hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên các bệ phóng di động khiến cho Mỹ gặp khó khăn trong việc vô hiệu hóa hoàn toàn chúng nếu xung đột nổ ra.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vẫn tồn tại và được cải thiện từng ngày. Trong khi đó, sự ủng hộ không ngừng nghỉ của họ với các lực lượng mà Mỹ cho là "các nhóm khủng bố trong khu vực" vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.
Cuộc bầu cử tổng thống của Iran sẽ diễn ra vào tháng 6 tới và cho tới nay, những ứng viên có lập trường cứng rắn dường như đang chiếm ưu thế. Triển vọng về một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn. Thậm chí, chỉ riêng việc làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ban đầu đã là điều không dễ dàng.
"Tổng thống Biden càng chờ đợi lâu, Mỹ càng khó quay lại thỏa thuận", chuyên gia Cirincione bình luận./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Los Angeles Times