Tại Việt Nam, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao đóng góp và vai trò của phụ nữ và thực hiện hàng loạt các chính sách cả cấp vĩ mô và vi mô nhằm tăng cường bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, và đảm bảo phụ nữ được bảo vệ, chăm sóc và phát triển.

TS. Phan Chí Hiếu – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo,
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia Đông Nam Á có tốc độ khắc phục cách biệt giới nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Theo báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, trong khu vực ASEAN, mức độ bình đẳng giới của Việt Nam luôn thuộc những nước dẫn đầu. Năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 83 về khoảng cách giới. Năm 2023, Việt Nam tăng 11 hạng, xếp hạng 72. Năm 2024, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách giới thêm +0,3 điểm, đạt điểm bình đẳng giới là 71,5% - cao hơn mức trung bình toàn cầu cũng như khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, và tiếp tục giữ vị trí thứ 72.
Trên cơ sở kết quả số liệu khảo sát 9,094 người 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, được thực hiện trong năm 2024, Hội thảo CÔNG BỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 2024 là hết sức cần thiết cả về lí luận và thực tiễn, góp phần làm rõ thực trạng quan hệ giới và những tiến bộ của nam giới và phụ nữ trên các lĩnh vực, cho phép phân tích những cơ hội và rào cản, cung cấp căn cứ xây dựng các khuyến nghị chính sách về bình đẳng giới và phát triển kinh tế xã hội phù hợp trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, hội thảo còn mang ý nghĩa thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy xã hội, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích của bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững, TS. Phan Chí Hiếu cho biết thêm.
Tại Hội thảo, Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá, Đây là một trong những công trình khoa học quan trọng, hiếm có, nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về bình đẳng giới, giúp cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học đồ sộ cho việc đo lường kết quả thực hiện các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam về bình đẳng giới và phát triển bền vững; cũng như phục vụ hiệu quả công tác xây dựng chính sách pháp luật về bình đẳng giới, đảm bảo lồng ghép giới thời gian tới.

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu của đề tài được tổ chức hôm nay rất có ý nghĩa khi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đang được chuẩn bị sơ kết 5 năm; Luật Bình đẳng giới đang chuẩn bị được sửa đổi, bổ sung; và đặc biệt, đây cũng là thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Phó Viện trưởng, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Chủ nhiệm Đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững" chia sẻ: Đây là nỗ lực liên tục, vượt qua rất nhiều thách thức của chúng tôi trong 5 năm qua, trong đó có 2 năm chuẩn bị và 3 năm triển khai, với 1 năm thực hiện khảo sát, với mong muốn mạnh mẽ và thật tâm, là cung cấp được cho các nhà quản lý, các đồng nghiệp một bộ số liệu toàn diện, tổng thể, tin cậy về bình đẳng giới, làm cơ sở tham mưu xây dựng chính sách cũng như đánh giá các kết quả về bình đẳng giới tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới.
Hiện nay Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, đảm bảo quyền cho phụ nữ và phát triển bền vững cũng như thực thi các quan điểm, định hướng thúc đẩy bình đẳng giới của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Việt Nam cần nhận diện thực trạng bình đẳng giới một cách sâu rộng để có giải pháp hiệu quả đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội XIII. Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030 đều có liên quan đến vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới, cho thấy thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là đảm bảo sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ, có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển.
Hải Hà