Công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020

Thứ năm, 15/04/2021 - 15:33

TNV - Ngày 15/04 tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp cùng Tổng cục Thống kê, UNICEF với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đã tổ chức Công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020.

Dinh đường tốt là trọng tâm của phát triển bền vững đang được thực hiện tại Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Dinh dưỡng tốt cần được duy trì liên tục trong suốt vòng đời và qua các thế hệ. Nó thúc đẩy khả năng phục hồi của cá nhân khi đối mặt với những củ sốc và bất ổn do biến đổi khí hậu và bệnh dịch gây ra. Nó hỗ trợ tạo ra những đổi mới cần thiết để đáp ứng thách thức chung trong việc cải thiện cuộc sống của các thế hệ hiện tại và tương lai theo những cách thức bền vững với môi trường.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Ở Việt Nam, Nhà nước và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, Việt Nam luôn các cam kết với LHQ về việc Thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững tại các Hội nghị Thượng đỉnh mà Thủ tướng Chính Phủ tham dự. Trong các Mục tiêu trên thì đảm bảo dinh dưỡng cho nhân dân và hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng luôn luôn là những mục tiêu ưu tiên quan trọng.

Tổng Điều tra Dinh dưỡng lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia với sự tham gia của 22. 400 hộ gia đình tại 25 tỉnh thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái; thực hiện thu thập đồng thời các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn cá thể, cũng như thông tin về an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các kết quả chính của Tổng điều tra dinh dưỡng 2018 - 2020 cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về dinh dưỡng Việt Nam, những tiến bộ trong 10 năm qua cũng như những thách thức khó khăn mà chúng ta cần giải quyết trong giai đoạn tới. Đó là:

Thứ nhất là Suy dinh dưỡng các thể vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, có dân tộc thiểu số sinh sống. Nó bao gồm thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em liên quan đến an ninh thực phẩm hộ gia đình, thiếu các vị chất dinh dường như sắt, kẽm, vitamin A, iot,

Thứ hai là, Thừa cân béo phì đang gia tăng ở các tất cả các lớp tuổi ở thành thị và cả vùng nông thôn. Kéo theo là sự gia tăng không kiểm soát được của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.

Cuối cùng là vấn đề chất lượng và sự an toàn của thực phẩm mà người dân hàng ngày vẫn đang ăn từ khâu sản xuất, lưu thông, chế biến và sử dụng.

Việc đưa ra những bằng chứng khoa học, cập nhật về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, các tỷ lệ thiểu vi chất dinh dưỡng và phát hiện các nguy cơ về dinh dưỡng - thực phẩm đến sức khỏe nhân dân là một việc làm cần thiết. Các quốc gia trên thế giới vẫn thường kỳ tiến hành Tổng điều tra để xây dựng Chiến lược can thiệp dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn. Mặc dù vai trò nền tảng của dinh dưỡng trong sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học tập và lao động của con người đã được y học cổ xưa cũng như hiện đại chứng minh và ghi nhận, nhưng tùy theo hoàn cảnh các quốc gia mà mức quan tâm không đồng đều.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có giao cho Bộ Y tế thực hiện việc đánh giá Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2020 - 2030 tầm nhìn đến năm 2040.

Với các kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng được công bố trong buổi lễ này, chúng ta đã có những định hướng để xây dựng Chiến lược cho giai đoạn mới. Theo đó chúng ta cần tăng cường đầu tư cho các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu trong 1000 ngày vàng bao gồm dinh dưỡng trước/trong khi mang thai, dinh dưỡng bà mẹ cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý. Lồng ghép can thiệp dinh đường trong đảm bảo bao phủ y tế toàn dân.

Cần có những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Cần có phương pháp tiếp cận toàn bộ hệ thống thực phẩm để ứng phó với đô thị hóa và những thách thức trong hệ thống thực phẩm nhằm cho phép tất cả mọi người tiếp cận với chế độ ăn hợp lý và lành mạnh.

Cần cải thiện luật pháp quản lý hệ thống thực phẩm và chế độ ăn, kết hợp với các biện pháp giảm nghèo có mục tiêu và thay đổi hành vi ăn uống giữa các nhóm dân cư cụ thể.

Cần đầu tư chiến lược và cơ cấu lại hệ thống là cần thiết để đạt được sự công bằng hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi. Cần có các mục tiêu cải thiện dinh dưỡng riêng cho các nhóm dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn.

Cần chuyến dinh dưỡng từ việc được coi là vấn đề y tế sang cam kết và tham gia đa ngành. Việc lồng ghép chiến lược dinh dưỡng vào nhiệm vụ của các ngành then chốt khác chỉ có thể thay đổi khi cải cách thể chế, cho phép triệu tập, cam kết và phối hợp cấp cao giữa các ngành để giải quyết cá nguyên nhân cơ bản của các dạng suy dinh dưỡng khác nhau.

Phát biểu kết luận Hội nghi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng với các nguồn lực và dịch vụ về thực phẩm và dinh dưỡng mà họ cần để đạt được sức khỏe tối ưu. Cần tạo cơ hội và xóa bỏ rào cản trong hệ thống xã hội và y tế, đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng toàn dân cho mọi người bất kể tuổi, giới, dân tộc, tình trạng sinh lý và bệnh tật, để không một ai bị bỏ lại phía sau.

PV