29 Tết, anh Bùi Văn Thắng (Thanh Ba, Phú Thọ) cũng vừa hoàn thành nốt công trình lắp đặt điện nước còn dang dở cuối năm cho khách. Trong khi nhiều bạn bè đang tay xách nách mang hành lý, đào, quất về quê sum họp cùng gia đình, anh Thắng lại một mình ở lại đón Tết trong 4 bức tường kín bưng ở xóm trọ. Hà Nội những ngày giáp Tết đột nhiên chuyển mưa lạnh, một mình trong dãy trọ vắng tanh, nỗi nhớ nhà càng da diết, nhưng anh Thắng vẫn quyết định ở lại để giữ an toàn cho bản thân và gia đình trong mùa dịch bệnh.
Nhiều lao động không về quê để phòng chống dịch bệnh. (Ảnh minh họa), nguồn: KT
Anh Thắng chia sẻ, công việc của anh phải đi thường xuyên theo công trình, gặp nhiều người, dù đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, xong anh vẫn rất lo ngại. Còn tại quê nhà, cũng có một số trường hợp liên quan đến Covid-19 đang được cách ly theo dõi tại nhà, nên anh quyết định "ở đâu ở yên đó" trong dịp Tết này.
Nhà có 2 anh em, em trai anh Thắng cũng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, do dịch bệnh nên Tết này cũng không thể về đón Tết cùng gia đình.
“Tết này chỉ có bố mẹ ở nhà, tuổi đã cao, đón Tết không có các con cũng buồn lắm, nhưng an toàn là trên hết. Tối đi làm về, bố mẹ lại gọi điện hỏi han xem được nghỉ chưa, một mình ở nhà trọ Tết nhất thế nào. Càng nói chuyện với bố mẹ càng nhớ nhà, nhưng phải cố gắng, bố mẹ cũng động viên mình để yên chí ở lại Hà Nội năm nay”, anh Thắng chia sẻ.
Cả xóm trọ đều đã về quê, nên mấy ngày Tết anh Thắng dự định sẽ ở trong phòng làm bạn với chiếc smartphone, mùng 1 Tết rủ một vài người bạn cùng ở Hà Nội ăn bữa cơm mừng năm mới, rồi ai lại về nhà nấy, đảm bảo không tụ tập đông người.
Giống như anh Thắng, chị Vũ Thị Oanh quê Văn Yên, Yên Bái hiện đang làm công nhân một công ty điện tử thuộc KCN Quang Minh (Hà Nội) cũng phải hủy vé xe do công đoàn hỗ trợ lao động xa quê về nhà ăn Tết để ở lại Hà Nội.
Chị Oanh cho biết, do công việc bận rộn, thời gian nghỉ ít, nhà lại xa, nên đã 8 tháng nay chị chưa được về nhà gặp người thân. Mới đây, công toàn công ty tổ chức chuyến xe đưa công nhân xa quê về nhà ăn Tết, chị Oanh đã đăng ký vé, nhưng đến ngày 25/12, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tự nhủ Tết này chưa về, còn có Tết sau, an toàn phải đặt lên hàng đầu, chị Oanh đã chủ động xin hủy vé xe để ở lại Hà Nội.
Xa nhà đã nhớ, nhưng xa nhà ngày Tết, nỗi nhớ ấy càng nhiều gấp bội. Chị Oanh chia sẻ: “Tết Dương lịch tôi cũng hẹn mẹ sẽ về, nhưng cuối cùng không về được, định để đến Tết Âm lịch về cả thể, thì dịch bệnh lại bùng phát. Một mình lên thành phố làm việc không người thân họ hàng, cả xóm trọ mọi người cũng đã về hết, chỉ còn một mình. Ở nơi đất khách những ngày này chỉ muốn về nhà. Có hôm đang gọi video với bố mẹ phải vội tắt mát bật khóc vì nhớ nhà. Nhà có 5 anh chị em, ai cũng có con nhỏ, cháu nhỏ nhất mới vài tháng tuổi, nên để an toàn cho gia đình, tôi quyết định không về quê Tết này”, chị Oanh chia sẻ.
Ngoài công việc tại khu công nghiệp, những ngày cuối năm, chị Oanh cũng tranh thủ bán đồ ăn online vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa giúp bản thân bận rộn hơn để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Không cầu kỳ mâm cỗ ngày Tết, nhưng nữ công nhân cũng đã tự chuẩn bị bánh chưng, dưa hành, giò lụa cùng một số món ăn truyền thống theo đúng vị Tết quê nhà.
Tết năm nay, gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, công nhân khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương lại thêm một cái Tết xa quê. Từ Nghệ An, anh Tuấn theo một vài người bạn ra Hải Dương làm công nhân rồi lập gia đình. Vợ anh cùng quê, nhưng cưới nhau 4 năm, con gần 3 tuổi, vợ chồng anh mới về quê ăn Tết được 1 lần. Anh Tuấn tâm sự, những năm trước, vì con còn bé, đường xá xa xôi, nên vợ chồng anh ở lại xóm trọ đón Tết, năm nay muốn về quê đón Tết lắm, nhưng cũng không về được. Phần vì tình hình dịch bệnh tại Hải Dương diễn biến phức tạp, khu công nghiệp lại đông người tứ xứ, để đảm bảo an toàn, anh quyết định ở lại. Phần vì cả năm nay dịch bệnh liên miên, công ty anh nhiều tháng liền phải cho công nhân nghỉ luân phiên, làm giãn giờ, thu nhập giảm đi một nửa. 2 vợ chồng đều công nhân, tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền sữa, tiền gửi trẻ cho con và hàng loạt các khoản tiền khác khiến vợ chồng anh Tuấn vốn đã chẳng dư giả nay càng khó khăn hơn.
“Không về quê được tôi cũng buồn lắm, nhưng về quê lúc này vừa nguy hiểm, lại tốn kém không ít tiền, đâu chỉ tiền tàu xe, đi lại, ngày Tết mọi chi phí đều đắt đỏ. Suy đi tính lại, vợ chồng tôi quyết định năm nay không về quê ăn Tết mà tích góp tiết kiệm dành tiền gửi về quê cho bố mẹ tiêu Tết”, anh Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đến nay, qua theo dõi nắm tình hình của các cấp công đoàn, đã có hàng chục vạn công nhân lao động ở lại không về quê, nhất là công nhân lao động khu vực phía Nam. Hàng trăm nghìn công nhân dù nhiều năm không được sum vầy ngày Tết bên gia đình vẫn tự nguyện ở lại để phòng chống dịch. Đây là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng rất đáng hoan nghênh của công nhân lao động.
“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn tiếp tục làm tốt công tác chăm lo Tết cho người lao động, không để người lao động nào không có Tết. Với những người ở lại Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động. Tổ chức các gian hàng bán hàng bình ổn giá, phiên chợ 0 đồng sẽ mở cửa phục vụ trong dịp Tết, thăm, tặng quà, động viên, tổ chức các trò chơi dân gian…
Để chung tay cùng cả nước phòng chống dịch, Tổng Liên đoàn kêu gọi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết và nên ở lại địa phương đang làm việc đón Tết để đảm bảo sức khỏe, việc làm lâu dài. Đảm bảo đón Tết đầm ấm, an toàn”, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị công nhân hợp tác khai báo y tế, giúp truy vết, xử lý kịp thời các ca nghi nhiễm; thực hiện đầy đủ các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và doanh nghiệp./.
Nguyễn Trang/VOV