
1. Cầu Giấy là quận nội thành nằm ở phía Tây của thành phố Hà Nội, phía Đông tiếp giáp quận Ba Đình và quận Đống Đa, với ranh giới tự nhiên là sông Tô Lịch; phía Tây tiếp giáp quận Nam Từ Liêm; phía Nam tiếp giáp quận Thanh Xuân; phía Bắc tiếp giáp quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay, quận Cầu Giấy có diện tích khoảng 12,44 km2; bao gồm 08 đơn vị hành chính cấp phường, bao gồm: Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Trung Hoà, Yên Hoà. Tính đến năm 2025, dân số quận Cầu Giấy khoảng 294.000 người; mật độ dân số trung bình toàn quận khoảng 24.192 người/km2.
So với các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Cầu Giấy là quận có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nằm trong TOP đầu của Thủ đô; là nơi có tốc độ đô thị hoá rất nhanh chóng, với hàng loạt các dự án lớn được triển khai; là nơi tập trung của nhiều cơ quan, ban, ngành; nơi đặt trụ sở của nhiều trường đại học, tập đoàn, tổng công ty lớn. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Cầu Giấy luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế trung bình 8%/năm; đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, tình hình ANTT trên địa bàn quận Cầu Giấy thời gian qua về cơ bản được giữ vững, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong báo cáo tổng kết công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn quận Cầu Giấy thời gian qua đều đã chỉ rõ công tác bảo đảm ANTT đã được lực lượng Công an triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt được hiệu quả cao trong phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; tỉ lệ điều tra khám phá các vụ án hình sự đạt trên 85%; nhiều ổ nhóm tội phạm đã được triệt phá; tình hình hoạt động của một số loại tội phạm đã được kiềm chế, từng bước đẩy lùi; công tác phòng cháy, chữa cháy đã được quan tâm tiến hành đạt những hiệu quả nhất định.
Mặc dù vậy, tình hình ANTT trên địa bàn quận Cầu Giấy những năm gần đây cũng còn nảy sinh một số vụ việc phức tạp về ANTT, trong đó nổi lên là tình trạng tập trung đông người, khiếu kiện, biểu tình, gây mất ANTT. Thời gian qua, đa số các vụ việc tập trung đông người xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy là việc người dân tập trung biểu tình, tố cáo một số tập đoàn, doanh nghiệp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thực hiện không đúng các cam kết với người dân.
Chẳng hạn như vụ việc tập trung đông người biểu tình, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thực hiện không đúng cam kết, chậm trễ bàn giao căn hộ đối với Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn FLC… Tình hình người nước ngoài tiến hành các hoạt động sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là hành vi lợi dụng thuê các căn hộ chung cư, khu đô thị để tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt tôn giáo trái phép… Ngoài ra, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật hình sự, tệ nạn xã hội về cơ bản được kiểm chế, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Mặc dù trên địa bàn quận chưa hình thành các ổ nhóm tội phạm hoạt động có tính chất công khai, thách thức chính quyền, song trên địa bàn cũng đã xuất hiện một số ổ nhóm có dấu hiệu hoạt động bí mật, dấu hiệu liên kết giữa một số loại tội phạm, nhất là tội phạm môi giới mại dâm, chứa chấp mại dâm, đánh bạc qua Internet…

Tôn vinh lực lượng cảnh sát khu vực
2. Cảnh sát khu vực (CSKV) là một lực lượng nghiệp vụ được bố trí công tác tại địa bàn Công an cấp xã, có nhiệm vụ trực tiếp tiến hành các hoạt động quản lý hành chính theo phân công, phân cấp. Thời gian qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng CSKV đã chủ động báo cáo, nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của lực lượng Công an cấp trên; phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ Công an phường và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, công tác nhằm bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở.
Trọng tâm là tham mưu cấp có thẩm quyền và trực tiếp xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch nắm tình hình hoạt động của các nhân, tổ chức trên địa bàn, nhất là tình hình cư trú của người nước ngoài, công dân trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác nhằm thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác nắm tình hình, nhất là thu thập, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị có liên quan; khai thác các thông tin, tư liệu sẵn có; khai thác thông tin, tài liệu qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua Internet, mạng xã hội; tiếp nhận, xử lý nguồn tin tố giác tội phạm; thông qua kết quả triển khai các công tác nghiệp vụ cơ bản.
Trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu được, lực lượng CSKV đã chủ động triển khai các biện pháp, công tác quản lý, góp phần bảo đảm ANTT theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó tập trung công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình cư trú, hoạt động trên địa bàn. Thời gian qua, lực lượng CSKV đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Công an các phường triển khai nhiều lượt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ANTT đối với các cá nhân, tổ chức trên địa bàn; tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch tấn công trấn cáp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; bảo đảm ANTT các sự kiện quan trọng tổ chức trên địa bàn phường.
Nghiên cứu cho thấy, thời gian qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên, lực lượng CSKV đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, công tác và đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần bảo đảm ANTT. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: việc thu thập các thông tin, tài liệu nắm tình hình theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSKV có thời điểm, vụ việc còn bị động, có trường hợp vụ việc phức tạp về ANTT xảy ra nhưng lực lượng CSKV chưa nắm bắt, phát hiện kịp thời; công tác thông tin, tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSKV mặc dù đã được quan tâm tiến hành, song nội dung, hình thức còn chưa thật sự đa dạng, phù hợp với đặc điểm của đối tượng tuyên truyền, vận động; việc triển khai chương trình, kế hoạch bảo đảm ANTT theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSKV hiệu quả chưa cao.
3. Trước yêu cầu, đòi hỏi mới đặt ra trong công tác bảo vệ ANTT, từ năm 2025, Bộ Công an đã đi đầu trong việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó xoá bỏ mô hình Công an cấp huyện, thực hiện mô hình Công an 03 cấp "Bộ tinh, tỉnh mạnh, xã toàn diện, bám cơ sở". Trong thời gian tới, không chỉ dừng lại ở việc xoá bỏ mô hình Công an cấp huyện trung gian mà còn sẽ tiếp tục sáp nhập các xã, phường, thị trấn; kéo theo đó là sự biến động về đội ngũ cán bộ, sự thay đổi về cơ sở vật chất, trang thiết bị; cơ sở pháp lý tiến hành các biện pháp, công tác…
Trên cơ sở đó, nhóm tác giả cho rằng, những thay đổi về mô hình tổ chức bộ máy hiện nay (xoá bỏ mô hình Công an cấp huyện) và thời gian tới (sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã) tiếp tục đặt ra những khó khăn, thách thức cho công tác của lực lượng CSKV. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng CSKV trên địa bàn quận Cầu Giấy cần chú ý thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ CSKV đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới. Trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, nhất là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong công tác bảo đảm ANTT yêu cầu cấp bách đặt ra là cần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ CSKV. Theo đó, Công an các phường trên địa bàn quận Cầu Giấy cần chủ động rà soát, đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực CSKV hiện có; quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác bảo đảm ANTT, phù hợp với vị trí việc làm; tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền cử cán bộ tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác tại các cơ sở giáo dục cả trong và ngoài ngành Công an; thường xuyên tổ chức giao ban, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm triển khai các mặt công tác bảo vệ ANTT, trong đó có các mặt công tác theo chức năng của lực lượng CSKV; tổ chức có hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, giao cán bộ có năng lực, trình độ hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ trẻ trong công tác…
Hai là, triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác nhằm thu thập thông tin, tài liệu nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Lực lượng CSKV trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao cần đa dạng hoá các hình thức, các nguồn thu thập thông tin, tài liệu cả công khai và bí mật. Đặc biệt, cần chú trọng triển khai có hiệu quả các công tác nghiệp vụ cơ bản, xem đây là nguồn thông tin quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả công tác bảo đảm ANTT, cũng như khai thác có hiệu quả hệ thống camera an ninh được lắp đặt phục vụ công tác bảo đảm ANTT và hệ thống camera của các hộ gia đình, chung cư… Nội dung nắm tình hình cần được tập trung theo hướng đa dạng, nhất là đi sâu tìm hiểu, thu thập các thông tin, tài liệu phản ánh âm mưu, ý đồ, phương thức thủ đoạn hoạt động của các hệ loại đối tượng, nhất là các loại tội phạm hình sự, vi phạm pháp luật nổi trên địa bàn; phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, trong đó có cả công tác bảo đảm ANTT của lực lượng Công an.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm ANTT theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, lực lượng CSKV cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an phường và các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ANTT, trong đó có cả các mảng công tác chuyên môn của lực lượng CSKV. Nội dung tuyên truyền cần có sự lựa chọn, phân tách phù hợp với yêu cầu, mục tiêu đặt ra trong công tác bảo đảm ANTT và đặc điểm của từng đối tượng tuyên truyền, vận động. Hình thức tuyên truyền, vận động cần đa dạng, bên cạnh các hình thức truyền thống như qua hệ thống loa lắp đặt trên xe ôtô của Công an phường, loa truyền thanh của phường; cần tiếp tục biên soạn các tài liệu, cẩm nang, sổ tay tuyên truyền về ANTT, nhất là bản giấy và bản điện tử để đăng tải trên trên Internet, mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền; khai thác tối đa thế mạnh của Internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền….
Bốn là, chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT. Là lực lượng nghiệp vụ được bố trí tại Công an cấp cơ sở, lực lượng CSKV cần chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, tập trung rà soát, nắm chắc, đánh giá đúng tình hình địa bàn, hoạt động của các hệ loại đối tượng… từ đó chủ động trong công tác quản lý, cũng như phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật. Các phương án, kế hoạch có thể được xây dựng riêng lẻ hoặc nằm trong tổng thể các kế hoạch chung; đồng thời bên cạnh các kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật, cũng cần xây dựng các kế hoạch chuyên đề theo từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của lực lượng CSKV.
Bảo đảm ANTT tại cơ sở là nhiệm vụ, trọng trách nặng nề đặt ra với lực lượng Công an cấp xã, trong đó có lực lượng CSKV. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu về công tác bảo đảm ANTT của lực lượng CSKV trên địa bàn quận Cầu Giấy thời gian qua, bài viết đã đưa ra một số định hướng, giải pháp. Đây là những chỉ dẫn, gợi mở để lực lượng Công an các phường trên địa bàn quận Cầu Giấy, cũng như Công an cấp cơ sở ở các địa phương khác có thể nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn, phục vụ có hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thời gian tới./.
Lê Đức Anh, Dương Thị Thu Trang, Lê Thanh Tú
Học viên Học viện An ninh nhân dân