Chăm sóc sức khỏe nhân dân, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta, những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ nhân dân đã được Đảng ta ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Ban Chấp hành trung ương khóa VII và tiếp tục đưa vào văn kiện Đảng từ Đại hội VIII đến Đại hội XII của Đảng. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành "về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới". Để thực hiện quan điểm chỉ đạo này, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thăm, khám và điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi
Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội với cửa khẩu quốc tế thông thương nhộn nhịp và các điểm du lịch nổi tiếng, tuy nhiên tỉnh Lào Cai cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân như thời tiết, khí hậu vùng núi khắc nghiệt, dễ du nhập các loại bệnh dịch qua biên giới… Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc y, bác sỹ và sự chung tay của cả cộng đồng, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân theo Đề án số 7 "Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới, giai đoạn 2020 – 2025", nằm trong đề án trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Triển khai thực hiện Đề án số 7, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều kế hoạch với quyết tâm cao tăng tốc về đích trước những chỉ tiêu quan trọng ngay trong năm 2024. Sau một thời gian thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW thông qua Kế hoạch số 132-KH-TU, ngày 24/5/2022 của Tỉnh ủy Lào Cai, công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những được những kết quả quan trọng:
Một là, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, quan tâm chú trọng huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất các bệnh viện, phòng khám. Đến nay, cơ bản các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Việc đầu tư từ tuyến tỉnh, tuyến huyện, thành phố đến tuyến xã được quan tâm thực hiện đã giúp cho công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đạt hiệu quả cao hơn.
Hai là, phát triển dịch vụ y tế, dịch vụ kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, đầu tư phát triển dịch vụ y tế trong lĩnh vực dự phòng góp phần phục vụ bệnh nhân, khẳng định uy tín của các đơn vị. Chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân tại các cơ sở y tế được nâng lên, một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế và được các bệnh viện Trung ương tích cực hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Tích cực triển khai các đề án: Đề án 585 về thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Đề án 1816 về cử cán bộ luân phiên hỗ trợ cho tuyến dưới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai nhiều kỹ thuật vượt tuyến, cứu chữa thành công nhiều ca bệnh khó ngay tại tỉnh.
Ba là, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm; giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng từ 90% trở lên.
Bốn là, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em được tăng cường, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương.
Năm là, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và y đức của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế và quan tâm thực hiện các chính sách đãi ngộ.
Như vậy, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã cơ bản đạt mục tiêu. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt: 98.91%. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95%; số giường bệnh trên 10.000 dân 44,4%; số bác sỹ trên 10.000 dân là 13,5%; tỷ kệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế 85,0%. Nguồn lực đầu tư được quan tâm, công tác xây dựng cơ bản, bổ sung trang thiết bị được triển khai tích cực. Các huyện, thành phố đã có sự phối hợp với ngành y tế trong đầu tư cơ sở vật chất y tế. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh phát huy hiệu quả, phát triển khá nhanh nhân lực y tế trình độ cao. Tuy nhiên, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều vấn đề đặt ra như nhân lực y tế thiếu, đội ngũ y tế thôn, bản hoạt động không ổn định; chất lượng công tác dân số còn hạn chế. Với các vấn đề nêu trên, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân:trong giai đoạn tới cần tăng cường thực hiện Đề án số 7 trong năm 2025 và tiếp tục thực hiện động bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quản lý của Ủy ban nhân dân, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về y tế và các lĩnh vực liên quan tới sức khoẻ.
Thứ hai, tập trung vào các giải pháp nâng cao sức khỏe nhân dân, triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi. Đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; bảo đảm người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; xử lý chất thải; khắc phục ô nhiễm các dòng sông, các cơ sở sản xuất. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở.
Thứ ba, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế, đảm bảo thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh.
Thứ tư, phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiết bị y tế. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng khó khăn, biên giới và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong...
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, tăng cường đầu tư nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trần Thị Nguyệt
Trường Chính trị tỉnh Lào Cai