Hội nghị có sự tham dự của bà Đào Hồng Lan - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh; ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam; ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế; ông Lê Hoàng - Đại diện Cục An toàn thực phẩm; ông Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cùng đại diện các Sở Giáo dục địa phương và các doanh nghiệp sản xuất sữa.
Toàn cảnh Hội nghị.
Hội nghị là một trong những hoạt động hưởng ứng ngày Sữa học đường thế giới năm 2020 do Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) phát động trên toàn cầu, nhằm ghi nhận những lợi ích sức khỏe và dinh dưỡng mà chương trình mang đến cho trẻ em ở lứa tuổi học đường.
Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ về công tác triển khai Chương trình Sữa học đường tại tỉnh Bắc Ninh từ năm 2013 đến nay.
Tại hội nghị, ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, qua 4 năm thực hiện theo Quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Sữa học đường bước đầu đã có những tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ và ý thức của cộng đồng trong việc cải thiện thể trạng của trẻ em Việt Nam.
Ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) trình bày về thực trạng triển khai chương trình Sữa học đường tại Việt Nam.
Từ đó, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Chương trình Sữa học đường trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025) và các tỉnh chủ động thực hiện Chương trình Sữa học đường đến 31/12/2020.
PGS.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng cũng cho biết, theo kết quả điều tra vi chất dinh dưỡng 2014-2015, trẻ em Việt Nam vẫn bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Vì vậy, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường là một cách an toàn và hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Điều này sẽ giúp cho trẻ cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, giúp trẻ cải thiện chiều cao cũng như tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
PGS.TS. Bùi Thị Nhung - Viện Dinh dưỡng chia sẻ tầm quan trọng của sữa học đường và dinh dưỡng học đường với sự phát triển trí lực của trẻ em mẫu giáo và tiểu học.
Nói đến kết quả của việc thực hiện Chương trình Sữa học đường thì tại Bắc Ninh, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi từ 26.9% năm 2013 đã giảm còn 25.8% trong năm 2020. Số trẻ em tham gia chương trình ban đầu chỉ khoảng 11 ngàn học sinh nhưng sau 7 năm thực hiện đã tăng lên hơn 211 ngàn học sinh cho thấy sự ủng hộ của các phụ huynh học sinh đối với chương trình.
Còn tại Khánh Hòa, chỉ sau 1 năm học thực hiện, tỷ lệ đăng ký cho trẻ tham gia chương trình đã tăng từ gần 21 ngàn em lên hơn 31 ngàn em, tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm rõ rệt từ 28.5% còn 20.06% trong năm 2020.
Ủng hộ tính nhân văn và ý nghĩa của Chương trình Sữa học đường tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, trong thời gian qua các thành viên trong Hiệp hội sữa Việt Nam đã tích cực trong việc triển khai Quyết định 1340 của Chính phủ cùng với các địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Để học sinh được thụ hưởng những sản phẩm sữa giàu dinh dưỡng, vừa đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong môi trường học đường đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng từ các cấp, từ các đơn vị liên quan và đặc biệt là sự nghiêm túc, tuyệt đối tuân thủ các qui định an toàn thực phẩm của các đơn vị cung ứng sữa.
Cho đến nay, các công tác sản xuất sữa, triển khai chương trình của các thành viên hiệp hội được bảo đảm an toàn tuyệt đối, chưa có bất cứ vấn đề nào liên quan đến chất lượng sữa sử dụng trong trường học được ghi nhận.
Đại diện Hiệp hội sữa cũng nhận định: “Đây là chương trình thiết yếu đối với sự phát triển về dinh dưỡng để nâng cao thể trạng của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh mầm non và tiểu học. Trong nhiều năm qua, nhiều địa phương đã có kết quả tốt về việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, cụ thể là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Vì vậy, tôi hy vọng trong thời gian tới, Chương trình Sữa học đường sẽ tiếp tục được triển khai và quyết định tiếp theo của Thủ tướng sẽ được sớm ban hành để các doanh nghiệp có định hướng trong sản xuất sản phẩm sữa dành cho trường học”.
Là đơn vị trực tiếp triển khai Chương trình Sữa học đường cùng nhiều tỉnh thành cả nước, Vinamilk đã trình bày về các biện pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất sữa sử dụng trong trường học.
Theo Liên đoàn Sữa thế giới (IDF) năm 2020, Chương trình Sữa học đường hiện được triển khai tại 60 quốc gia và có ít nhất 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang được hưởng lợi từ việc uống sữa tại trường học. Đơn cử tại Nhật Bản, chiều cao trung bình của thanh niên Nhật Bản đã tăng thêm 10 cm với Chương trình Sữa học đường được thực hiện từ sau Thế chiến thứ 2.
Trẻ em tại một số tỉnh thành cả nước đã quen với những giờ uống sữa học đường vui tươi và đầy bổ ích tại trường học.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành quyết định 1340/QĐ - TTg ngày 08/7/2016 phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Tính đến nay, đã có 26 tỉnh/thành phố trên cả nước triển khai Chương trình Sữa học đường hiệu quả với sự phối hợp của các nhà sản xuất sữa trong đó có Vinamilk - đơn vị đã tiên phong thực hiện Chương trình Sữa học đường từ năm học 2007-2008.
Với 14 năm kinh nghiệm và năng lực triển khai tại 23 tỉnh/thành phố trên cả nước như: Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Khánh Hòa, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, Vinamilk luôn có phương án hỗ trợ kịp thời và chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện chương trình một cách an toàn và hiệu quả.
PV