Công tác đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk

Thứ sáu, 07/03/2025 - 15:31

Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở Tây Nguyên, nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa và dân tộc. Tuy nhiên, thanh niên dân tộc thiểu số tại đây thường phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm việc làm. Tình trạng thất nghiệp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp và hạn chế trong tiếp cận thông tin việc làm là những vấn đề cần được giải quyết.

Bài viết này sẽ đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk có cơ hội việc làm tốt hơn. Theo thống kê của Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, dân số thanh niên từ đủ 16 đến 30 trên địa bàn tỉnh là khoảng 460,2 ngàn, chiếm khoảng 24% dân số toàn tỉnh. Thanh niên ở khu vực nông thôn là khoảng trên 313,3 ngàn người, khu vực đô thị có trên 67,6 ngàn người; thanh niên dân tộc thiểu số khoảng 116,1 ngàn người.

1. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk

Từ năm 2018 đến 2021, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tiếp tục ban hành kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Từ đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triền khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn tỉnh. Cũng trong thời gian này, nhiều hoạt động, tăng cường đầu tư  xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nói chung và thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng có điều kiện thay đổi tư duy tỏng khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tổ chức Đoàn, Hội các cấp tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn từ 2019 đến 2024 đã hỗ trợ 52 mô hình thanh niên làm kinh tế. Nhiều hoạt động tiêu biểu như trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn, tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho khoảng 150 thanh niên dân tộc thiểu số và tuyên dương nhiều tấm gương thanh niên (trong đó có 4 thanh niên là người dân tộc thiểu số) tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại tỉnh.

Năm 2023, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khai mạc "Ngày hội Tôi yêu tổ quốc tôi" và "Tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số năm 2023". Trong ngày hội này, nhiều hoạt động được tổ chức như việc trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên; lễ hội ẩm thực các dân tộc; giải thi đấu bóng chuyền; hội thi hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc; tuyên dương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, ngày hội còn tập trung vào hoạt động tập huấn công tác dân tộc, công tác giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tập huấn về khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số địa bàn tỉnh. Qua các hoạt động này, thanh niên trong tỉnh được tăng cường đoàn kết, giao lưu, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu "Thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số".

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có trên 150 đoàn viên, thanh niên được tham gia tập huấn "Nâng cao năng lực khởi nghiệp" với mục tiêu nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, giúp đoàn viên thanh niên chủ động tiếp cận với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tham gia vào các lớp tập huấn, đoàn viên thanh niên nói chung và đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số đã được trang bị các kiến thức về khởi nghiệp và phương pháp hình thành ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong khởi nghiệp; các chủ trương, chính sách mới về triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Về mặt chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Quyết định này, các đối tượng được thụ hưởng là công dân tỉnh Đắk Lắk thuộc 5 nhóm gồm: Người khuyết tật; người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm; người thuộc hộ cận nghèo; người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác. Mức hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại được áp dụng theo Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Cũng riêng tại tỉnh Đắk Lắk, ngân hàng chính sách xã hội đã có những hoạt động cho vay tại địa bàn thôn, vì vậy, khi có nhu cầu vay vốn, thanh niên sẽ được giải quyết với hai chương trình: vay giải quyết việc làm (nếu thanh niên đã có gia đình riêng thì tự đặt vấn đề vay vốn với ngân hàng, còn nếu chưa có gia đình riêng thì có thể nhờ cha mẹ đặt vấn đề vay vốn hoặc cha mẹ ủy quyền vay vốn sản xuất kinh doanh), vay xuất khấu lao động, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ khởi nghiệp thông qua vườn ươm doanh nghiệp thông qua hội doanh nhân trẻ cũng được Ban Thường vụ tỉnh Đoàn đẩy mạnh thực hiện. Qua đó tạo được nhiều nguồn kết nối đầu ra sản phẩm cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp.

2. Một số đề xuất trong hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk

Một là, cần tập trung đẩy mạnh đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo nghề

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để xác định các kỹ năng cần thiết và điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp.

Hai là, tăng cường hỗ trợ thông tin việc làm cho thanh niên dân tộc

Việc cung cấp thông tin về các cơ hội việc làm, chương trình đào tạo, và các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết. Chính quyền địa phương có thể xây dựng các trung tâm thông tin việc làm, nơi thanh niên có thể tìm kiếm thông tin và nhận tư vấn về nghề nghiệp. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ thông tin để cập nhật thông tin kịp thời cũng là một hướng đi hiệu quả đối với thanh niên nói chung và thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng.

Ba là, hỗ trợ thanh niên dân tộc khởi nghiệp, lập nghiệp

Khởi nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm việc làm. Vì thế, thời gian tới cần có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm các khóa đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp kinh doanh, quản lý tài chính và quảng bá sản phẩm cho thanh niên. Hơn nữa, việc cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp cũng cần được chú trọng.

Bốn là, tăng cường hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội

Chính quyền, doanh nghiệp, và các tổ chức xã hội cần tăng cường hợp tác trong việc giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bản tỉnh Đắk Lắk. Các doanh nghiệp có thể tham gia vào các chương trình đào tạo, cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên dân tộc, hoặc tuyển dụng thanh niên dân tộc sau khi tốt nghiệp. Sự phối hợp này sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ việc làm bền vững cho thanh niên.

Năm là, phát triển các chương trình hỗ trợ xã hội

Các chương trình hỗ trợ xã hội, như hỗ trợ tài chính cho gia đình có thanh niên dân tộc thiểu số thất nghiệp cũng cần được triển khai. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của các gia đình mà còn tạo điều kiện cho thanh niên tập trung vào việc học tập và tìm kiếm việc làm.

Sáu là, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc

Cần có các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc khuyến khích cộng đồng tham gia vào các hoạt động phát triển nghề nghiệp sẽ góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi cho thanh niên dân tộc thiểu số phát triển.

3. Kết luận

Việc giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và đồng bộ. Các giải pháp cần được triển khai một cách đồng nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Chỉ khi đó, thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh mới có thể tìm thấy cơ hội việc làm tốt hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk trong tương lai.

ThS. Nguyễn Tiến Huy - Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk