Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên của đảng bộ cấp huyện

Thứ sáu, 31/05/2024 - 14:30

NCKH - Công giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên của Đảng bộ cấp huyện là quá trình truyền đạt cho đảng viên lĩnh hội những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thông qua một hệ thống các biện pháp, nhằm từng bước xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học đúng đắn, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ khóa: giáo dục chính trị, tư tưởng, đảng viên, cấp huyện

Nội dung

1. Mục đích của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với mục đích cơ bản là truyền bá, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng, hệ tư tưởng chi phối, thống trị trong đời sống tinh thần xã hội; qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn, nhân sinh quan cộng sản, từ đó khắc phục những tư tưởng lạc hậu, nâng cao nhận thức chính trị. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là quá trình tác động vào nhận thức của khách thể những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thông qua một hệ thống các biện pháp, nhằm từng bước xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học đúng đắn, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Mục đích của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên của Đảng bộ cấp huyện thông qua việc truyền thụ những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin giúp đảng viên có bản lĩnh chính trị, niềm tin, cơ sở khoa học vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng; nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn; giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần tự giác và tích cực trong các hoạt động xã hội. Từ đó giúp đảng viên có khả năng tư duy khoa học, có năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, củng cố lòng tin vào mục tiêu, đường lối cách mạng của Đảng; thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Đảng bộ cấp huyện và nhiệm vụ của địa phương.

2. Chủ thể và đối tượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

2.1. Chủ thể công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

Chủ thể công tác giáo dục CTTT cho đảng viên của đảng bộ cấp thành phố trực tiếp là Ban Chấp hành, Ban thường vụ Thành uỷ, các tổ chức đảng, chi bộ trực thuộc Đảng bộ thành phố là người lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động tư tưởng.

Công tác giáo dục CTTT cho đảng viên cấp thành phố là quá trình phổ biến, truyền bá một cách cơ bản, có hệ thống nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến cán bộ, đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của các chủ thể nói trên, toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực..., trong đó các cơ quan tham mưu của Đảng về công tác tư tưởng là lực lượng nòng cốt, có trách nhiệm tham gia làm công tác tư tưởng.

2.2. Đối tượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

Đối tượng công tác giáo dục CTTT của Đảng bộ cấp huyện là toàn bộ đảng viên ở huyện.

2.3. Nội dung công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

Nội dung công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên cần tập trung là:

Một là, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, tuyên truyền, giáo dục về chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, tuyên truyền, giáo dục về chương trình, kế hoạch của cấp ủy các cấp.

Bốn là, tuyên truyền, giáo dục về tấm gương người tốt, việc tốt nói chung và tấm gương cán bộ, đảng viên tiêu biểu.

2.4. Phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

Một là, sinh hoạt chi bộ hằng tháng; nghiên cứu chuyên đề của chi bộ.

Hai là, sinh hoạt chính trị, học tập quán triệt các nghị quyết mới, những buổi thông báo thời sự, những ngày sinh hoạt chính trị - văn hóa tinh thần.

Ba là, tổ chức có hiệu quả các hoạt động thông báo chính trị - thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình theo chế độ nền nếp.

Bốn là, tự học tập, rèn luyện của bản thân mỗi đảng viên; giáo dục nêu gương là phương thức có hiệu quả cao nhất của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên.

Năm là, thông qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua, các cuộc vận động, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày thành lập Đảng.

3. Nội dung công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên cấp huyện

3 .1. Xác định chương trình, kế hoạch và tổ chức quán triệt

Trước hết, huyện uỷ phải chỉ đạo xác định chương trình, kế hoạch và tổ chức quán triệt thực hiện công giáo dục CTTT cho cán bộ, đảng viên. Căn cứ kế hoạch đã được Ban Thường vụ huyện uỷ phê duyệt, Ban Tuyên giáo huyện ủy phối hợp với Trường Chính trị cấp huyện xác định chương trình, kế hoạch, nội dung giáo dục CTTT cho cán bộ, đảng viên.

Chương trình, nội dung giáo dục CTTT cho cán bộ, đảng viên cần bám sát mục đích, yêu cầu, sát hợp với từng loại đối tượng cụ thể và phù hợp với điều kiện thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất của các trường... Thường trực huyện ủy xem xét, phê duyệt chương trình, nội dung giáo dục CTTT cho cán bộ, đảng viên.

Đường lối, nghị quyết được Nhà nước, các cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền thể chế hóa thành chính sách, pháp luật và ban hành những quy định, cơ chế tương ứng để bảo đảm vào cuộc sống. Cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo nhân dân, vừa tổ chức cho nhân dân, cùng nhân dân thực hiện các đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Do vậy, nhất thiết phải bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về đường lối, chính sách cho cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải là người đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân, lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả.

3.2. Tổ chức thực hiện các chương trình

Thứ nhất, về đội ngũ giảng viên, báo cáo viên

Căn cứ kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo huyện ủy, nhiệm vụ thực tiễn của địa phương, các Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết với nội dung, chương trình giáo dục CTTT phù hợp cho từng đối tượng, tránh chồng chéo, trình Thường trực huyện ủy phê duyệt hàng năm. Chủ động làm việc trực tiếp, phối kết hợp chặt chẽ với các ban của Đảng, các đoàn thể nhân dân và cấp ủy cơ sở để tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng cho sát thực tế, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ và công tác phát triển Đảng. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch giảng dạy, các trường phân công giảng viên, BCV phù hợp với năng lực giảng dạy ngay từ đầu năm và giữ tương đối ổn định.

Thứ hai, về cơ sở vật chất

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong tình hình hiện nay, trường Chính trị cấp huyện, Đảng bộ cấp huyện đến đảng bộ xã, phường, thị trấn cần tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện phục vụ tốt giáo dục chính trị tư tưởng. Tăng cường đầu tư trang bị phương tiện để phục vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên của Đảng bộ cấp huyện không thể tách rời quá trình chăm lo, củng cố trang bị, cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tư tưởng. Do đó, cấp ủy cần chăm lo cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm chế độ làm việc của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Thứ ba, quản lý, đánh giá

Trong qúa trình tổ chức thực hiện, cần chú trọng xây dựng kế hoạch quản lý, đánh giá công tác giáo dục CTTT cho đảng viên của Đảng bộ cấp huyện trong từng thời kỳ và từng giai đoạn cụ thể; trong nhiệm kỳ đại hội, hằng năm, 6 tháng xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch GDCTTT của Đảng bộ cấp huyện đảm bảo sát hợp và đề ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua quản lý, đánh giá, nếu có vấn đề không phù hợp hoặc sau một thời gian ban hành sẽ có những nội dung không còn phù hợp với bối cảnh tình hình mới, gây khó khăn cho các cấp ủy, tổ chức đảng, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải tiến hành tổng kết lại quá trình triển khai của các địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó sẽ đánh giá được văn bản đó còn phù hợp với thực tiễn hay không để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới (nếu thấy cần thiết).

Thứ tư, hình thức, phương pháp giáo dục

Công tác GDCTTT đối với đảng viên được sử dụng các hình thức và phương pháp rất đa dạng và phong phú:

Một là , thông qua hoạt động giảng dạy các môn lý luận chính trị . Đây là hình thức cơ bản, giữa vai trò chủ đạo trong các hình thức giáo dục CTTT cho đảng viên. Thông qua giáo dục CTTT cho đảng viên nhằm trang bị kiến thức một cách cơ bản, hệ thống làm cơ sở hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận và những phẩm chất nhân cách của đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai là, thông qua hoạt động sinh hoạt chi bộ. Đây là hình thức giáo dục CTTT quan trọng, thường xuyên, định kỳ hàng tháng. Hình thức này được được sử dụng chủ yếu trong việc: nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước, những chủ trương, biện pháp, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, quán triệt tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của địa phương và đơn vị…

Ba là , thông qua các chương trình quán triệt nghị quyết mới, sinh hoạt chuyên đề, các hội thi, cuộc thi,...

Sinh hoạt chuyên đề, học tập quán triệt các nghị quyết mới, những buổi thông báo thời sự, những ngày sinh hoạt chính trị - văn hóa tinh thần là một trong những hình thức quan trọng của giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên.

Bốn là, thông qua thông báo chính trị - thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình.

Tổ chức có hiệu quả các hoạt động thông báo chính trị - thời sự đọc báo, nghe đài, xem truyền hình theo chế độ nền nếp; tổ chức tốt các hoạt động vui chơi tích cực cho đảng viên trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ cũng là một hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng bộ cấp huyện.

Năm là , thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá CTTT của đảng viên.

Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời thì mới đánh giá chính xác được kết quả đạt được đến đâu và những hạn chế, yếu kém ở mức độ nào, trên cơ sở đó phát huy tối đa những ưu điểm. thành tích đã đạt được, tìm ra nguyên nhân hạn chế, yếu kém, rút ra được những kinh nghiệm để từ đó đề ra kế hoạch, biện pháp khắc phục một cách triệt để các nhược điểm, làm cho công tác giáo dục CTTT cho đảng viên ngày càng có chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác GDCTTT còn được các cấp ủy Đảng chú trọng thông qua hoạt động; các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng, các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày truyền thống của ngành, cơ quan, đơn vị, hoạt động văn hoá, văn nghệ và các thiết chế văn hoá… Đây vừa là một hình thức, vừa là biện pháp gắn giáo dục CTTT với hoạt động thực tiễn tại địa phương.

Phương pháp giáo dục : công tác GDCTTT thực hiện nhiều phương pháp như giáo dục tổng hợp, phương pháp thuyết phục: dùng lý lẽ thực tế, khoa học và lôgíc để thuyết phục đối tượng. Phương pháp ám thị: dùng uy tín và ưu thế của chủ thể để thuyết phục. Phương pháp nêu gương: nêu điển hình tốt để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo và đồng thời phê phán, lên án hành động sai trái, tiêu cực để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đề phòng. Căn cứ vào phạm vi tác động đối tượng, công tác GDCTTT của các Đảng bộ thành phố sử dụng: Phương pháp cá nhân: tác động đến tư tưởng từng người. Phương pháp nhóm: tác động đến từng nhóm nhỏ có đặc điểm riêng, có hoàn cảnh giống nhau. Phương pháp đại chúng: cùng lúc tác động đến nhiều người.

Thứ năm, phối hợp thực hiện

Trường chính trị cấp huyện phối hợp với Ban Tuyên giáo tham mưu với Thường trực Thành ủy rà soát lại đội ngũ BCV, giảng viên kiêm chức và ban hành quyết định công nhận đội ngũ giảng viên. Chú trọng xây dựng được một đội ngũ giảng viên, BCV ổn định, nòng cốt là giảng viên đã được đào tạo lý luận cơ bản, có thực tiễn phong phú.

Với phương châm hướng về cơ sở, tăng cường mối quan hệ với cấp ủy địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, quý và mỗi chương trình riêng, trường Chính trị cấp huyện, các Trung tâm cử cán bộ cùng với cơ sở nắm chắc đối tượng tuyển sinh, đôn đốc học viên. Mặt khác, trường chính trị cấp huyện, các Trung tâm nên chủ động đề xuất với Thường trực huyện ủy mở các lớp bồi dưỡng cán bộ thôn và cán bộ cấp chi hội, chi đoàn của các tổ chức quần chúng về các mặt công tác như xây dựng Đảng, công tác chính quyền, công tác vận động quần chúng.

3.3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

Công tác giáo dục CTTT cho đảng viên phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ trên tinh thần nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia, không được buông lỏng, đơn giản hóa trong bất cứ khâu nào, công việc nào, từ đối tượng, tiêu chuẩn đến công tác tổ chức thực hiện chương trình, nội dung, chấp hành quy chế, công tác bảo đảm và đánh giá kết quả. Kiểm tra, giám sát CTGD CTTT cho đảng viên nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định về đối tượng, tiêu chuẩn do Trung ương, huyện ủy quy định.

3.4. Sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên

Định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác giáo dục CTTT cho đảng viên để đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, rút ra các kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới. Để việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm CTGD CTTT cho đảng viên có chất lượng tốt, cần có sự tham gia của đại diện huyện ủy, Ban Tổ chức huyện ủy, Ban Tuyên giáo quận, huyện ủy, các ban của quận, huyện ủy, các cấp ủy trực thuộc, Trường Chính trị cấp huyện, các TTBDCT quận, huyện...

Nguyễn Phương Anh

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Ngọc Am (2003), Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên cơ sở, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bùi Trường Giang (2020), Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng của Đảng và việc vận dụng trong tình hình hiện nay, Tạp chí Tuyên giáo Trung ương, tháng 7 năm 2020.

3. Lương Khắc Hiếu (chủ biên) (2017), Cơ sở lý luận công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam , Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

4. Hà Văn Nguyện - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng (2022), Tăng cường công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Xây dựng Đảng, tháng 12 năm 2022

5. Nguyễn Thị Liên Phương (2016), Đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị tại trung tâm bồi dưỡng chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Luận văn thạc sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Agribank Trụ sở chính, Ban Tuyên giáo