Ảnh minh họa
1. Nhận thức chung về giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên
Từ điển tiếng Việt định nghĩa: "Giáo dục pháp luật (GDPL) là sự tác động định hướng của tổ hợp các quá trình xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, tuyên truyền, giải thích pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật"[1].
Giáo dục pháp luật giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng tinh thần tôn trọng và niềm tin vào pháp luật của con người. Để tạo ra niềm tin và tinh thần tuân thủ pháp luật, GDPL phải được coi như là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đoàn viên - sinh viên học tập tại các trường đại học, cao đẳng là chủ nhân tương lai của đất nước. Đoàn viên - sinh viên được truyền đạt kiến thức bài bản về một ngành nghề, được xã hội công nhận trên cơ sở những bằng cấp được các cơ sở giáo dục đào tạo trao cho khi kết thúc quá trình học tập và rèn luyện trong môi trường đại học. Đoàn viên - sinh viên với sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình luôn mong muốn và rất dễ tiếp thu cái mới, luôn tìm tòi và sáng tạo. GDPL cho đoàn viên - sinh viên có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhân cách, nâng cao năng lực, trình độ cho đoàn viên - sinh viên…
Giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên là hoạt động hướng đích, có tổ chức của các nhà trường tác động tới các đoàn viên - sinh viên nhằm trang bị cho đoàn viên - sinh viên những kiến thức về nhà nước và pháp luật, giúp người học sống, học tập và làm việc theo quy định của pháp luật.
2. Tình hình vi phạm pháp luật của đoàn viên - sinh viên
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số sinh viên hiện nay có khoảng 2.441.235 sinh viên đang theo học tại 284 trường đại học, cao đẳng sư phạm; 388 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ cao đẳng trên cả nước. Trong đó, có tổng số hơn 1,7 triệu hội viên sinh hoạt tại 30 Hội Sinh viên Việt Nam cấp tỉnh, thành phố; 14 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài; 39 Hội Sinh viên Việt Nam các trường trực thuộc Trung ương; 245 Hội Sinh viên Việt Nam các trường trực thuộc Hội Sinh viên Việt Nam các tỉnh, thành phố.[2]
Tình trạng vi phạm pháp luật hành chính, trật tự xã hội của học sinh, đoàn viên - sinh viên đang là vấn đề đáng báo động. Ở nhiều trường học, dễ dàng bắt gặp học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Chỉ tính riêng TPHCM, số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố cho biết, từ năm 2020 đến năm 2022, hơn 1.500 trường hợp vi phạm pháp luật an toàn giao thông liên quan đến học sinh, đoàn viên - sinh viên. Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2023, hơn 240 trường hợp học sinh, đoàn viên - sinh viên vi phạm.[3]
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an cung cấp số liệu về tình trạng học sinh, đoàn viên - sinh viên vi phạm pháp luật. Theo đó, mặc dù học sinh, đoàn viên - sinh viên vi phạm pháp luật có tỷ lệ thấp, chiếm 2,63% trong tổng số thanh thiếu niên phạm tội, tuy nhiên, con số này lại có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. Năm 2021 tăng 30% so với năm 2020, năm 2022 tăng 28,4%, 5 tháng đầu của năm 2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022.[4]
Trong những năm gần đây, tình hình đoàn viên - sinh viên vi phạm pháp luật đang tiềm ẩn nhiều dấu hiệu phức tạp, tính chất nghiêm trọng có xu hướng gia tăng với một số hành vi vi phạm nổi bật như: vì những mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, trong học tập, trên mạng xã hội, một số đoàn viên - sinh viên đã dẫn đến xô xát, đánh nhau, có vụ sử dụng dao, kiếm, đông người tham gia, gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng internet; đánh bạc dưới nhiều hình thức như tá lả, ba cây, tổ tôm, lô đề, cá độ bóng đá…; nghiện game, nghiên xem phim sex, phim bạo lực dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật; tham gia vay lãi tín dụng đen để đáp ứng nhu cầu cá nhân sau đó không có khả năng chi trả; có lối sống buông thả, đam mê hưởng thụ và lười lao động; sử dụng ma túy, có những hành vi liên quan đến buôn bán ma túy và các chất gây nghiện khác.
Nguyên nhân dẫn tới việc đoàn viên - sinh viên vi phạm pháp luật
Về nguyên nhân chủ quan: xuất phát từ ý thức chủ quan của cá nhân đoàn viên - sinh viên. Đa số đoàn viên - sinh viên được sống trong môi trường tốt, được tạo điều kiện hết sức để phát triển nhưng nếu những đoàn viên - sinh viên đó không chịu khó học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, cố tình có những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật.
Về nguyên nhân khách quan: Bản thân những yếu tố trên (gia đình, nhà trường và xã hội) có ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành và sự phát triển lành mạnh về đạo đức và ý thức của mỗi đoàn viên - sinh viên. Ngay từ khi còn nhỏ, gia đình là nền tảng hình thành nhân cách cho mỗi người. Thực tế cho thấy, phần lớn đoàn viên - sinh viên vi phạm pháp luật đều có hoàn cảnh gia đình không tốt, thiếu sự quan tâm, các bậc phụ huynh thì buông lỏng con em khiến cho chúng có cơ hội tiếp cận với văn hóa không tốt, hình thành trong suy nghĩ những hành vi phạm pháp.
3. Giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên trong thời gian tới
Tăng cường giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên có vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, và nhận thức về pháp luật cho thế hệ trẻ. Đây không chỉ là cách giúp đoàn viên - sinh viên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội mà còn góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Để tăng cường giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực của chủ thể, đối tượng trong giáo dục pháp luật, phát huy tính tích cực, tự giác của đoàn viên - sinh viên
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, và năng lực của các chủ thể và đối tượng trong giáo dục pháp luật là yếu tố cốt lõi để phát huy tính tích cực và tự giác của đoàn viên - sinh viên trong việc học tập và áp dụng kiến thức pháp luật. Khi đoàn viên - sinh viên có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của pháp luật trong cuộc sống và trong xã hội, đoàn viên - sinh viên sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu và tuân thủ các quy định pháp lý. Việc khuyến khích đoàn viên - sinh viên tham gia vào các hoạt động giáo dục pháp luật không chỉ tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng thực tiễn mà còn giúp đoàn viên - sinh viên tự giác thực hiện các nghĩa vụ công dân.
Việc quan tâm GDPL cho đoàn viên - sinh viên là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức khó khăn phức tạp và không thể tiến hành trong một thời gian ngắn mà là cả quá trình lâu dài. Đẩy mạnh GDPL song song với phổ biến pháp luật, thường xuyên đổi mới chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và đặc biệt là xây dựng chuẩn điều kiện về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết khác cho giảng viên, giảng viên của môn pháp luật, giáo dục công dân.
Hai là, đổi mới nội dung giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên
Đổi mới nội dung giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục, giúp đoàn viên - sinh viên tiếp cận với các kiến thức pháp luật một cách toàn diện và thực tế hơn. Để đổi mới nội dung giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên các trường đại học, cao đẳng một cách hiệu quả, cần:
Thứ nhất, cập nhật nội dung theo xu hướng pháp luật mới bởi hệ thống pháp luật không ngừng thay đổi và phát triển để phù hợp với thực tiễn xã hội;
Thứ hai, tích hợp lý thuyết và thực hành để đoàn viên - sinh viên hiểu và áp dụng kiến thức pháp luật một cách linh hoạt, cần tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động thực hành như mô phỏng phiên tòa, xử lý tình huống pháp lý, hoặc tham gia các chương trình thực tập tại các cơ quan pháp lý;
Thứ ba, tăng cường giáo dục liên ngành bởi pháp luật có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, và xã hội. Việc kết hợp giáo dục pháp luật với các môn học khác sẽ giúp đoàn viên - sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò của pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể;
Thứ tư, bên cạnh đó, việc hợp tác với các cơ quan pháp luật, tổ chức xã hội và doanh nghiệp có thể giúp đưa ra những chương trình đào tạo thực tế, cung cấp cho đoàn viên - sinh viên cái nhìn sâu sắc và thực tiễn hơn về hoạt động pháp luật trong đời sống.
Ba là, đa dạng hóa hình thức giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên các trường Đại học, cao đẳng
Để thực hiện việc đổi mới trong giáo dục nói chung và công tác GDPL nói riêng đối với nhà trường cần phải thực hiện phương châm đa dạng hóa các hình thức giáo dục thông qua việc sử dụng một số hình thức GDPL sau:
Thứ nhất, GDPL cho đoàn viên - sinh viên thông qua giảng dạy trực tiếp trên lớp: Đây là hình thức cơ bản, quan trọng nhất trong tất cả các hình thức GDPL, có tác dụng trực tiếp lên đối tượng giáo dục về hệ thống những tri thức, lý luận và thực tiễn từ đó hình thành nên ý thức pháp luật cho đoàn viên - sinh viên.
Thứ hai, GDPL cho đoàn viên - sinh viên thông qua hình thức tự học, tự tìm hiểu về pháp luật: Đi đôi với việc tham gia học tập theo chương trình quy định, việc tự học, tự tìm hiểu về pháp luật của đoàn viên - sinh viên là rất có ích.
Thứ ba, GDPL cho đoàn viên - sinh viên thông qua ngoại khóa: có thể nói đây là hình thức GDPL rất sinh động. Thực hiện hình thức này sẽ hoàn chỉnh hơn những kiến thức pháp luật đoàn viên - sinh viên đã học trên lớp, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người học.
Thứ tư, GDPL cho đoàn viên - sinh viên thông qua các hoạt động thực tiễn: đây là hình thức GDPL rất cần thiết, có tầm quan trọng như hình thức giáo dục ngoại khóa, qua đó nhằm thực hiện phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn mà trong trường nên thực hiện…
Thứ năm, GDPL cho đoàn viên - sinh viên thông qua các phương tiện thông tin và truyền thông: Các phương tiện thông tin và truyền thông có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt cho đoàn viên - sinh viên như sử dụng pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải thông tin pháp luật trên các trang thông tin điện tử của Trường; trên Fcaeboook qua các Page…
Bốn là, tăng cường các điều kiện hỗ trợ và nguồn lực cho công tác giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên các trường Đại học, cao đẳng
Xác định công tác GDPL là khâu đầu tiên trong tổ chức thi hành pháp luật; đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của công dân, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Đảm bảo các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền phổ biến GDPL cho đoàn viên - sinh viên hoạt động phổ biến GDPL, về cơ bản, là lĩnh vực hoạt động tinh thần, hướng tới trang bị cho đối tượng những tri thức, hiểu biết pháp luật nhất định.
Năm học vừa qua, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức xét chọn và tuyên dương 271 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương, 29 tập thể đạt danh hiệu "Tập thể Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương và 96 sinh viên đạt Giải thưởng "Sao Tháng Giêng". Bên cạnh đó, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để cấp 57 bằng khen và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp 05 bằng khen cho sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương năm 2023. Trong năm học, cả nước đã có 1,554 hoạt động tuyên truyền phong trào "Sinh viên 5 tốt", thu hút gần 480.959 lượt sinh viên tham gia.[5]
Cùng tham gia GDPL cho đoàn viên - sinh viên, đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng đã tích cực tuyên truyền đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tiêu cực; củng cố nâng cao chất lượng các đội ngũ thanh niên xung kích; thông tin và thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng liên quan đến công tác thanh niên; Vận động thanh niên sống đẹp bằng cách hướng đối tượng này tham gia sinh hoạt tại các tổ chức, câu lạc bộ, đội, nhóm để trau dồi kiến thức, kỹ năng sống. Những nghĩa cử cao đẹp vẫn được triển khai mạnh mẽ tại các trường đại học, cao đẳng.
Tóm lại, GDPL có vai trò quan trọng nhằm trang bị cho đoàn viên - sinh viên những kiến thức pháp lý nhất định, để từ đó, đoàn viên - sinh viên có những nhận thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Giáo dục pháp luật cho đoàn viên - sinh viên là vấn đề khoa học, cần được quan tâm và đầu tư đúng mức để xây dựng thế hệ mới "vừa hồng, vừa chuyên", góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc./.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Hồng Dương (2009), "Giáo dục pháp luật cho học sinh, đoàn viên - sinh viên", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số tháng 3.
2. Hội sinh viên Việt Nam (2024), Báo cáo Tổng kết công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2023 – 2024.
3. Khánh Linh (2023), "Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật cho học sinh, đoàn viên - sinh viên", https://baochinhphu.vn/phong-ngua-toi-pham-va-vi-pham-phap-luat-cho-hoc-sinh-sinh-vien-102230711093803805.htm
[1] Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dungcaobctt@gmail.com, 0975456453
[2] Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
31] Nguyễn Như Ý (2012), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, tr.124.
[4] Hội sinh viên Việt Nam (2024), Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2023 – 2024, tr.1.
[5] Mạnh Tùng (2023), "Thực trạng báo động học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật", https://giaoducthoidai.vn/thuc-trang-bao-dong-hoc-sinh-sinh-vien-vi-pham-phap-luat-post648683.html
[6] Lê Hà (2023), "Phòng ngừa, xử lý sớm những vấn đề gây mất an ninh trong lĩnh vực giáo dục", https://trungtamytequan10.medinet.gov.vn/chuyen-muc/phong-ngua-xu-ly-som-nhung-van-de-gay-mat-an-ninh-trong-linh-vuc-giao-duc-cmobile15602-114399.aspx
[7] Hội sinh viên Việt Nam (2024), Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2023 – 2024, tr.4.
TS. Cao Thị Dung[1]
ThS. Vũ Huy Dương[2]