Công tác thi đua khen thưởng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hiện nay

Thứ năm, 12/12/2024 - 00:40

Trong những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn làm tốt vai trò trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, vai trò của công tác thi đua khen thưởng của Đoàn là một nội dung quan trọng góp phần cổ vũ, động viên thanh niên, các cấp bộ đoàn thi đua thực hiện nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Thực tiễn vừa qua, Đoàn đã làm tốt công tác thi đua khen thưởng, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế nhất định. Bài viết này, tác giả khái quát thực trạng và đề xuất các giải pháp làm tốt hơn nữa công tác thi đua khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) năm 2013: Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất, tinh thần đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nói về ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng: Từ những phong trào thi đua và qua các giải thưởng của Đoàn sẽ giúp phát hiện được những nhân tài, người tốt, việc tốt; đồng thời động viên, khuyến khích những cá nhân đó tiếp tục ủng hộ cho phong trào thi đua và tiếp tục cổ vũ cho các phong trào của Đoàn Thanh niên.

2. Khái quát thực trạng công tác thi đua khen thưởng của Đoàn.

Có thể nói, Đoàn Thanh niên là một trong những đoàn thể phát động và triển khai được nhiều phong trào hành động với những mục tiêu cụ thể, thiết thực, qua đó, phát hiện và khen thưởng nhiều tấm gương tiêu biểu. Các hoạt động thi đua, khen thưởng của Đoàn với số lượng bạn trẻ đông đảo tham gia, thường được dư luận xã hội quan tâm, các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện cho nên có sức lan tỏa tốt. Chính vì vậy, nếu làm tốt công tác thi đua khen thưởng từ “gốc” đến “ngọn”, có nghĩa là phong trào phát động phải thiết thực, cụ thể, không hình thức, từ đó xuất hiện những tấm gương tiêu biểu thật sự, không chạy theo thành tích, không “ảo” thì Đoàn Thanh niên sẽ là một trong những đoàn thể có vị trí quan trọng nhất trong công tác thi đua, khen thưởng.

Tuy nhiên trong thực tế, cùng với những phong trào, hoạt động đã được dư luận xã hội công nhận, tổ chức Đoàn, Hội vẫn còn những hoạt động mang tính hình thức, chưa thực chất. Có những phong trào, chương trình được phát động nhưng nhanh chóng bị lãng quên trong thực tế cuộc sống, học tập, lao động của thanh niên. Có những hoạt động không thể triển khai do các cơ sở Đoàn lúng túng, thiếu sự trợ giúp, định hướng của cấp trên. Có những chương trình được phát động chỉ để hưởng ứng những ngày lễ, ngày kỷ niệm, triển khai dự án mà thiếu tính cụ thể, khoa học, không có chiều sâu. Từ thực trạng này sẽ dẫn đến những bản báo cáo kết quả tô hồng và những thành tích “ảo”. Cho nên, công tác khen thưởng không thực chất, nhạt nhòa.

Thực tế cuộc sống hiện nay đang rất cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, nhất là trong tuổi trẻ. Trong quá trình triển khai các phong trào, các cấp bộ đoàn không nên chú trọng số lượng mà cần đặc biệt quan tâm chất lượng, thành tích thật, ý nghĩa thật của các mô hình, cá nhân, tập thể. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi chỉ có những tấm gương điển hình thật sự tiêu biểu, làm lay động lòng người mới có thể giúp tổ chức Đoàn, Hội làm tốt công tác nhân rộng mô hình-một hoạt động rất quan trọng của thi đua, khen thưởng.

Nếu chỉ có những cá nhân, tập thể với những thành tích chung chung thì việc nhân rộng các điển hình tiên tiến sẽ không thuyết phục, mờ nhạt và làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức đoàn. Điều này còn dẫn đến suy nghĩ, tâm lý không hứng thú tham gia công hiến, thi đua của các bạn trẻ khi mà các phong trào thi đua không thực chất, khen thưởng không công bằng.

Từ lâu nay, Đoàn Thanh niên đã phát hiện, tuyên dương rất nhiều tấm gương ưu tú, nhiều người trong đó sau này đã trở thành những cán bộ giỏi, có tâm, có tài. Tuy nhiên, công tác tổ chức tuyên dương của tổ chức Đoàn dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa đổi mới thật sự, chưa tạo được dấu ấn sâu sắc đối với người được khen thưởng cũng như dư luận xã hội.

Có những chương trình khen thưởng được tổ chức qua loa, đại khái, thậm chí có chương trình tuyên dương nhưng người được tuyên dương bị mờ nhạt và “chìm” hơn nhiều so với...người dẫn chương trình. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng chất lượng, sự lan tỏa của các chương trình tuyên dương, khen thưởng.

Trong thời gian tới, tổ chức Đoàn, Hội cần tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi hình thức mới, phương thức mới trong công tác thi đua, khen thưởng để các giải thưởng của Đoàn phải thật sự tiêu biểu, được các bạn trẻ ngưỡng mộ, học tập, noi theo...

3. Nội dung công tác thi đua khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

3.1 Danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua của Đoàn

- Danh hiệu thi đua

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quản lý và xét tặng các danh hiệu thi đua sau:

* Các danh hiệu thi đua được trao hằng năm cho đơn vị Đoàn cấp tỉnh, gồm:

- Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác đoàn và

phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

- Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

- Đơn vị tiên tiến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

* Các danh hiệu thi đua được trao theo đợt, gồm:

- Đối với các đơn vị Đoàn cấp huyện:

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối trường đại học, cao đẳng.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thi đua khối lực lượng vũ trang.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối địa bàn dân cư.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hóa thiếu nhi, nhà thiếu nhi.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối các trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm thanh niên.

- Đối với các đơn vị Đoàn cấp cơ sở:

+ Đơn vị xuất sắc công tác đội và phong trào thiếu nhi khối trường tiểu học, trung học cơ sở.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối trung học phổ thông.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh niên khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ Trung cấp.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối địa bàn dân cư.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối lực lượng vũ trang.

+ Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khối cơ quan, doanh nghiệp.

Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh quản lý và xét tặng các danh hiệu thi đua sau:

- Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp huyện.

- Cờ thi đua đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp cơ sở.

- Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp huyện.

- Đơn vị tiên tiến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp huyện.

Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện quản lý và xét tặng các danh hiệu thi đua sau:

- Đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc.

 - Chi đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc.

1.4. Ban Chấp hành Đoàn cơ sở quản lý và xét tặng danh hiệu thi đua:

- Chi đoàn vững mạnh xuất sắc.

3.2. Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Trung ương Đoàn khen, gồm:

* Kỷ niệm chương, Huy hiệu

- Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” (Phần thưởng cao quý nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

- Kỷ niệm chương “Thanh niên xung phong”.

- Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

- Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

- Huy hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.

- Huy hiệu “Phụ trách giỏi”.

- Huy hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.

- Huy hiệu “Thanh niên tình nguyện”.

* Bằng khen

- Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được.

- Khen thưởng theo chuyên đề.

- Khen thưởng đột xuất.

- Khen thưởng đối ngoại.

* Giải thưởng

- Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

- Giải thưởng Lý Tự Trọng.

- Giải thưởng Kim Đồng.

- Giải thưởng Lương Định Của.

- Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi.

- Giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi.

Các giải thưởng khác (trong các đối tượng thanh niên, trong các lĩnh vực) giao cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn, báo cáo lại Ban Thường vụ tại kỳ họp gần nhất.

* Ban Bí thư Trung ương Đoàn quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn được tặng các hình thức khen thưởng nêu ở khoản 1, 2, 3 của Điều này trong hướng dẫn thực hiện Quy chế thi đua, khen thưởng và trong quy chế của từng loại giải thưởng”.

Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Đoàn cấp tỉnh khen, gồm:

1. Bằng khen

2. Giải thưởng

Đối tượng, tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng nêu trên do Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh quy định.

- Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Đoàn cấp huyện khen, gồm: Giấy khen

Đối tượng, tiêu chuẩn được tặng giấy khen do Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện quy định.

- Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng do Đoàn cơ sở khen, gồm: Giấy khen

Đối tượng, tiêu chuẩn được tặng giấy khen do Ban Chấp hành Đoàn cơ sở quy định.

4. Giải pháp để thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng của Đoàn

Một là, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cấp bộ Đoàn cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng đơn vị. Bản chất của thi đua, khen thưởng không phải là sự cạnh tranh, ganh đua mà là hình thành động cơ thi đua trong sáng, lành mạnh, vì lợi ích của mọi người, của tập thể và lợi ích của đơn vị. Động cơ thi đua là lực thúc đẩy bên trong của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, là tổng hòa những nhân tố tình cảm, ý chí, niềm tin với phong trào thi đua.

Hai là, Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên xung kích vào những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm làm chuyển biến dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu của đơn vị. Nội dung, hình thức thi đua phải phù hợp với khả năng, tâm lý, nguyện vọng của tuổi trẻ.

Ba là, tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Điển hình tiên tiến là những tấm gương sinh động để giáo dục, thu hút mọi người tích cực tham gia thi đua, là nghệ thuật lấy phong trào chỉ đạo phong trào phát triển thành cao trào mạnh mẽ. Thông qua cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến để rút ra những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, bổ ích cho việc động viên, thúc đẩy phong trào thi đua.

Bốn là, tổ chức sơ, tổng kết, bình công, báo công và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đoàn và phong trào thanh niên. Đây là biện pháp rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Trong quá trình khen thưởng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khời, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi.

THS. NGÔ THẾ NGHỊ - HOÀNG BẢO KHÁNH NGUYỄN THỊ THANH THÚY - DƯƠNG HOÀNG KHÁNH DUY (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)