Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và người dân đang nỗ lực hết sức để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, có những tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những Việt kiều đã có những đóng góp quý báu cho đất nước trong giai đoạn khó khăn này.
Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Metran – doanh nghiệp tại Nhật Bản có nhiều năm kinh nghiệm trong việc máy hô hấp nhân tạo cho biết, Metran dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường Việt Nam 15.000 máy thở, trong đó đợt đầu sẽ chuyển giao cho đối tác phía Việt Nam 2.000 chiếc để phục vụ cho công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có buổi phóng vấn ông Trần Ngọc Phúc về vấn đề này.
Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Metran.
PV: Xin ông cho biết kế hoạch cung cấp máy thở cho Việt Nam nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19?
Ông Trần Ngọc Phúc: Hiện nay, có nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đang đề nghị đặt hàng mua máy thở của Metran. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất của Metran có hạn nên chúng tôi đang làm việc với các công ty tư vấn lớn nhất trên thế giới để chuyển nhượng bản quyền sáng chế máy thở cho các đơn vị tuân thủ các chính sách của Metran. Điều này sẽ giúp tăng năng lực sản xuất máy thở trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo một phiên bản máy thở đơn giản hơn để đáp ứng nhu cầu cấp bách về phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, phiên bản này đang chờ sự cấp phép của Chính phủ Nhật Bản.
Đối với Việt Nam, Metran dự kiến sẽ hợp tác với một đối tác trong nước để thực hiện một số dự án, trong đó có dự án sản xuất máy thở. Metran sẽ chia sẻ đối tác này bản quyền sáng chế máy thở. Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp 15.000 máy thở cho thị trường Việt Nam, đợt đầu sẽ chuyển giao 2000 máy phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
PV: Hiện tại nhu cầu máy thở rất lớn và hoạt động sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu hiện nay không, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Phúc: Hiện tại Metran sẽ chế tạo một phiên bản máy thở để đáp ứng cho đợt dịch Covid-19 lần này.
Hiện tại, chúng tôi đang phải đối mặt với hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là có linh kiện hay không. Một trong các linh kiện quan trọng nhất trong máy thở là flow sensor (cảm biến lưu lượng) để đo lưu lượng và pressure sensor (cảm biến áp lực) để đo áp lực. Các công ty sản xuất máy thở trên thế giới đều đã đặt trước các linh kiện này.
Nhật Bản và Việt Nam đi chậm hơn so với các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, vấn đề hiện nay là làm thế nào để mua được các linh kiện này. Do vậy, Metran đang làm việc với các công ty tư vấn lớn nhất trên thế giới có mối quan hệ với các chuỗi cung ứng cảm biến để nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung cấp linh kiện và đưa ra danh sách các linh kiện mà Metran cần mua.
Máy hỗ trợ thở của công ty Metran.
Hiện nay, các công ty này đang triển khai việc tìm kiếm nguồn linh kiện. Tôi nghĩ rằng với mạng lưới quan hệ và sức mạnh của các công ty tư vấn này, họ sẽ nhanh chóng tìm được nguồn cung cấp linh kiện, đồng thời giúp đẩy nhanh tốc độ giao hàng.
Một vấn đề khác là nguồn nhân lực để phục vụ cho việc lắp ráp máy thở. Hiện tại Metran đang có một nhà máy sản xuất trang thiết bị Y tế ở Việt Nam, ngoài ra em trai của tôi đang điều hành công ty sản xuất linh kiện cho xe ô tô, với 2.500 nhân viên ở tỉnh Bình Dương và Trà Vinh. Việc kiểm soát chất lượng tại công ty này được thực hiện rất nghiêm ngặt. Chúng tôi có thể huấn luyện và huy động nguồn nhân lực này cho việc sản xuất máy thở.
Như vậy, nếu khó khăn về nguồn cung cấp linh kiện được giải quyết, chúng tôi có thể sản xuất từ 5.000 đến 10.000 máy thở/tháng. Trong tháng đầu, dự kiến sẽ sản xuất từ 1.000 đến 2.000 chiếc. Sau đó sẽ tự động hóa một số công đoạn nhằm tăng sản lượng để đạt mục tiêu sản xuất từ 5.000 đến 10.000 chiếc/tháng.
PV: Với tư cách Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, xin ông cho biết Hội có đóng góp gì cho Việt Nam trong giai đoạn này?
Ông Trần Ngọc Phúc: Hiện nay, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã cung cấp thông tin trực tuyến về dịch Covid-19 cho người Việt Nam ở Nhật Bản và dự kiến sẽ hỗ trợ cho người Việt khi mắc bệnh. Tuy nhiên, Hội đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính. Vì vậy, tôi rất mong các nhà hảo tâm có thể đóng góp tài chính cho các hoạt động của cộng đồng./.
Theo VOV