TNV - 5 năm liền (2015-2019) là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở,1 năm nhận 2 bằng khen của Bộ Quốc Phòng (2019) và rất rất nhiều bằng khen, giấy khen khác từ các cấp, anh Trấn Văn Hải đang thuộc danh sách đề nghị Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân 2020.
Là một trong rất nhiều công nhân làm việc tại một đơn vị kinh tế quốc phòng như Công ty TNHH MTV 74, Binh đoàn 15, nhưng anh công nhân khai thác mủ cao su Trần Văn Hải, quê Hải Dương vẫn khá nổi bật với đức tính chăm chỉ, ham học hỏi, lăn xả với công việc. Không chỉ tự vươn lên để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, anh Hải còn là một cá nhân không bao giờ hết nỗ lực, giỏi nghề là một điển hình tiêu biểu trong toàn quân.
“Dao tốt phải thường xuyên được mài sắc”
Anh Trần Văn Hải tâm sự, từ năm 2006, khi bắt đầu cầm con dao khai thác mủ cao su, bản thân đã nhận thấy đây là công cụ sản xuất quan trọng nhất của người thợ cạo mủ cao su. “Nhưng dao không chỉ phải được rèn tốt, phù hợp mà còn phải thường xuyên được mài sắc bén để cắt ống dẫn mủ, thu về nhiều mủ hơn, mủ cây chảy ra sẽ không bị tắc và không bị chảy lan ra ngoài đường cạo, không bị hao dăm cạo”, anh say sưa nói về “bí quyết’ để luôn hoàn thành vượt nhiệm vụ được giao.
Anh Trần Văn Hải Đang khai thác mủ cao su.
Tuy nhiên, trên thực tế, kỹ thuật sử dụng dao của người thợ không phải ai cũng dễ dàng làm ngay được. Thông thường, sau khi tham gia lớp đào tạo thợ mới, mỗi công nhân khai thác mủ cao su phải tự học hỏi và tự tìm hiểu. Say với nghề, lại nhanh chóng nắm vững kỹ thuật, anh Hải còn đề xuất với Công đoàn, Ban chỉ huy đơn vị để tổ chức "Tổ kỹ thuật" hướng dẫn mài dao cạo mủ cao su và kỹ thuật khai thác cây cao su thường xuyên có hiệu quả. Thấy được kết quả từ việc làm thiết thực đó, anh em công nhân trong đơn vị và cả các lao động nhận khoán địa phương đều đồng tình, ủng hộ anh.
Hiệu quả của việc mài dao cạo mủ đã được các đơn vị và Phòng Kỹ thuật - Công nghệ Công ty theo dõi, đánh giá giúp tăng năng suất lên 8 - 10% so với trước khi thực hiện. Đối với đơn vị có lao động nhận khoán địa phương năng suất lên 10 - 15% so với trước khi thực hiện. Tình trạng hao dăm đã giảm được 15 - 20% so với trước khi thực hiện. Chính vì vậy từ năm 2012, hoạt động hướng dẫn mài dao cạo mủ cao su đã được Công đoàn cơ sở Công ty đã phát triển lên thành "Phong trào Hướng dẫn mài dao cạo mủ cao su". Từ đó đến nay (2012-2020), cứ chuẩn bị vào mùa khai thác (tháng 4, 5) Công ty đều tổ chức phát động "Phong trào Hướng dẫn mài dao cạo mủ cao su" và duy trì đều đặn như một hoạt động thường xuyên.
Trải qua 19 năm công tác nhận nhiệm vụ 5 năm chăm sóc cao su và 14 năm là thợ thu hoạch mủ cao su, với anh Trần Văn Hải tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ huy đơn vị và sự ủng hộ của bạn bè đồng nghiệp là động lực để anh gắn bó với đơn vị, tích cực rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với tinh thần tích cực, hăng say trong lao động sản xuất vì mục tiêu “năng suất, chất lượng và hiệu quả” gắn với thực hiện phong trào Thi đua quyết thắng, trong những năm qua, anh Trần Văn Hải luôn giành được các thành tích cao. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, anh luôn ý thức và học tập đầy đủ các quy trình trong chăm sóc vườn cây, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, trong khai thác chấp hành nghiêm chế độ cạo, chế độ giao nộp sản phẩm và đặc biệt quan tâm chú trọng chất lượng sản phẩm. Do vậy, vườn cây do anh phụ trách luôn cho năng suất sản lượng năm sau cao hơn năm trước và tay nghề kỹ thuật ổn định và giữ vững.
Trên cương vị Bí thư Chi đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn bộ phận, anh hải luôn gương mẫu đi đầu và tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào, hoạt động như: trồng rau xanh, chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn đồi để tăng thêm thu nhập ngoài tiền lương và cải thiện đời sống. Phát động cùng đoàn thể địa phương, bà con nhân dân ở địa phương, xây dựng nếp sống mới ngày càng lành mạnh và tiến bộ.
Từ kết quả trong sản xuất đã giúp anh có thu nhập ổn định, bình quân trên 9,6 triệu đồng/tháng. Ngoài thời gian làm việc tại đơn vị, bản thân và gia đình anh còn tích lũy, đầu tư trồng được 1 ha cao su, 1 ha cà phê xen điều, trừ chi phí đầu tư gia đình thu được 96 triệu đồng/năm. Tích cực cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh, nuôi gà vịt, trồng cây ăn trái đủ cung cấp cho gia đình và các gia đình công nhân trong đơn vị. Từ tiền lương, thu nhập ổn định gia đình có điều kiện mua sắm vật dụng, xây nhà, đầu tư cho 2 con học hành chu đáo. Gia đình nhiều năm liên tục được chính quyền địa phương công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình Văn hóa, các con đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Nâng cao đời sống bằng biện pháp thiết thực
Cùng với sự đóng góp của những con người thực, việc thực như anh Hải, những năm qua, Công ty TNHH MTV 74 đã triển khai thành công nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao đời sống người lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng biên giới nơi đơn vị đóng quân.
Công ty đang quản lý, chăm sóc và khai thác gần 7.000 ha cao su và hơn 12 ha cà phê. Diện tích cao su của Công ty trải rộng trên địa bàn 24 thôn, làng thuộc 7 xã, 1 thị trấn của 3 huyện (Đức Cơ và Ia Grai, tỉnh Gia Lai; huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Thực hiện chủ trương mở rộng vườn cây đến đâu phát triển dân cư, xã hội đến đó, Công ty đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí lại các cụm, điểm dân cư theo quy hoạch sản xuất, đảm bảo thế trận quốc phòng-an ninh.
Từ chỗ chỉ có 150 cán bộ, chiến sĩ khi mới thành lập, đến nay, Công ty đã có hơn 3.000 lao động, trong đó có 1.652 lao động là người dân tộc thiểu số địa phương. Cùng với đó, các đội sản xuất được bố trí xen kẽ với 24 thôn, làng hình thành 6 cụm, 18 điểm dân cư dọc tuyến biên giới với hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư đồng bộ.
Năm 2006, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su trên diện tích 9,6 ha với 2 dây chuyền sản xuất, công suất 10.500 tấn/năm; hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ sinh học. Công ty cũng đang áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 và 9001:2015.
Những năm gần đây, trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá mủ cao su xuống thấp, Ban Giám đốc Công ty đã nỗ lực tìm hướng đi phù hợp. Từ đó, đơn vị đã tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả quản lý; thực hành tiết kiệm triệt để nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; ổn định tiền lương; phát triển thêm ngành nghề như xây dựng trang trại nuôi bò thịt quy mô 1.000 con/năm. Nhờ đó, các chỉ tiêu về khối lượng, giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong giai đoạn còn gặp nhiều khó khăn tác động đến tư tưởng, nhận thức người lao động nói chung và thanh niên nói riêng. Dưới sự chỉ đạo của Phòng Chính trị Binh đoàn, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ-Ban Giám đốc Công ty, các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn thể hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; cán bộ, đoàn viên thanh niên đoàn kết, có lập trường tư tưởng vững vàng, tích cực lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đời sống cán bộ ổn định và được cải thiện, gắn bó xây dựng đơn vị, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh xuất sắc; góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.
Ngọc Khanh