Covid-19: WHO cảnh báo thế giới bước vào “giai đoạn mới và nguy hiểm”

Chủ nhật, 21/06/2020 - 07:00

WHO lo ngại khi dịch Covid-19 có tốc độ lây nhanh trong lúc nhiều nước nới lỏng phong tỏa và mở cửa biên giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 20/6 bày tỏ lo ngại trước tốc độ lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 trên thế giới trong bối cảnh nhiều nước đã nới lỏng phong tỏa và bắt đầu mở cửa biên giới.

Trong khi số người tử vong do Covid-19 tại Brazil sắp vượt ngưỡng 50.000 người, thì Marốc cũng chứng kiến sự gia tăng kỷ lục số ca mắc bệnh. Còn tại châu Âu, Ukraine đã phải thắt chặt các biện pháp kiểm dịch chỉ sau 1 tuần nới lỏng.

Tổng giám đốc WHO Tedros. Ảnh: Mainichi.

Số ca mắc Covid-19 tại Brazil hôm qua đã vượt ngưỡng 1 triệu người dù theo đánh giá của các chuyên gia thì thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn đỉnh dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là một dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trong bối cảnh các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, thế giới đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm.

Ông Tedros nói: “Chỉ riêng ngày 18/6 đã ghi nhận hơn 150.000 ca mắc mới Covid-19, nhiều nhất trong một ngày cho đến nay. Gần một nửa số trường hợp là châu Mỹ, sau đó là Nam Á và Trung Đông. Thế giới đang ở giai đoạn mới và nguy hiểm. Thực tế là virus vẫn lây lan mạnh và hầu hết mọi người vẫn có nguy cơ mắc bệnh.”

Trước Brazil, tới nay mới chỉ có Mỹ từng vượt qua ngưỡng nguy hiểm này. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil cũng sắp vượt ngưỡng 50.000 người. Đây cũng là nước có số ca tử vong lớn thứ 2 trên thế giới.

Nếu như sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm lại tại châu Âu, thì ngược lại tại châu Mỹ Latin, tình hình lại có dấu hiện trầm trọng hơn. Tại Mexico, Chính phủ nước này vừa công bố báo cáo mới nhất, với số ca tử vong do Covid-19 đã vượt quá 20.000 người và số ca mắc mới chỉ riêng trong ngày 19/6 đã lên tới hơn 5.000 người. Thực tế này buộc chính quyền Mexico phải quyết định kéo dài thêm 1 tuần lệnh phong tỏa tại thủ đô nhằm kiềm chế số ca mắc và giảm áp lực cho các bệnh viện.

Colombia hôm qua cũng chứng kiến con số kỷ lục 95 ca tử vong chỉ riêng trong ngày hôm qua (19/6), nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên 2.000 người.

Không chỉ Mỹ Latin, tại châu Phi, nơi hệ thống y tế vẫn còn yếu, thì tình trạng càng trở nên đáng báo động hơn. Marốc hôm qua thông báo số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ khi xuất hiện trường hợp đầu tiên hồi tháng 3 vừa qua (với 539 ca). Tuy nhiên, chính phủ Marốc vẫn quyết tâm nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt từ giữa tháng 3 vừa qua. Đây cũng là điều khiến Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại nhất hiên nay.

Người đứng đầu Chương trình khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới Maria Van Kerkhove nhấn mạnh: "Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều nơi, bởi vì một tỷ lệ lớn dân số vẫn dễ mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là nếu virus có cơ hội xâm nhập và nếu chúng ta không duy trì khoảng cách vật lý và rửa tay, cũng như tất cả các biện pháp khác để có thể phát hiện, cách ly, chăm sóc, theo dõi tiếp xúc, thì kịch bản này là không thể tránh khỏi. Vì vậy, vấn đề không chỉ là dỡ bỏ phong tỏa một cách thận trọng, mà còn là sẵn sàng kích hoạt trở lại khi cần thiết.”

Ngay tại châu Âu, nơi dịch bệnh đang dần được khống chế, tình hình vẫn đáng lo ngại. Cơ quan Y tế Italia hôm qua kêu gọi người dân “thận trọng” sau khi ghi nhận những dấu hiệu đáng báo động liên quan tới sự lây lan của Covid-19, đặc biệt là tại Rome. Trong khi đó tại Ukraine, nước này thậm chí còn phải thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm dịch chỉ sau 1 tuần nới lỏng hạn chế./.

Thu Hoài/VOV1