Thời gian qua, cùng với sự gia tăng của các bệnh ung thư nói chung, số người mắc bệnh đa u tủy xương (thuộc loại ung thư máu dòng tủy) cũng được ghi nhận nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, chủ yếu bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém.
Thực tế tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho thấy, có những bệnh nhân chỉ cử động nhẹ cũng bị gãy tay chân, gãy xương sườn và lúc đó mới biết mình bị bệnh ung thư. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm đa u tủy xương - một bệnh đến nay chưa rõ nguyên nhân.
(Ảnh minh hoạ)
Nhiều người được phát hiện bệnh u đa tủy xương rất tình cờ, như chỉ đưa tay lên cao đã bị gãy tay, hoặc bị gãy xương sườn sau khi hắt xì hơi. Người nhà của bệnh nhân Lê Thị Xuân (Thanh Hà, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Cô ấy vỗ con muỗi trên tường, thế là bị gãy đôi tay ở phần cổ tay. Khi vào bệnh viện bó bột, bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh về xương nên đã yêu cầu làm các xét nghiệm thì phát hiện đa u tủy xương. Trước đó cô ấy chỉ có dấu hiệu đau mỏi xương, cứ kêu đau lưng nhưng không đi khám bệnh”.
Bệnh đa u tủy xương là bệnh lý tăng sinh tương bào dẫn đến tăng các globulin miễn dịch trong máu, tạo thành nhiều ổ tiêu xương dẫn đến gãy xương bệnh lý, rối loạn chức năng nhiều cơ quan: suy thận, thiếu máu, giảm tiểu cầu, bạch cầu, tăng canxi máu, các triệu chứng thần kinh, nhiễm trùng bội nhiễm... Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 3-4 người/100.000 dân. Tại hội nghị khoa học Huyết học-Truyền máu toàn quốc năm 2020, Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, cũng như nhiều bệnh ung thư khác, người dân thường phát hiện bệnh đa u tủy xương ở giai đoạn muộn.
“Trong các bệnh máu ác tính, có ung thư máu thể cấp tính, xuất hiện rất nhanh, nếu không để ý thì tử vong rất nhanh. Thông thường những biểu hiện của ung thư máu thể cấp tính là bệnh nhân bỗng sốt kéo dài, bị thiếu máu hoặc chảy máu. Trẻ em thường phát hiện ra bệnh khi đi học bị ngất xỉu, hoặc có xuất huyết trên người. Chúng ta phải lưu ý đến những triệu chứng như thiếu máu có thể dẫn đến mệt mỏi hoặc sốt lai rai, nên đi khám. Hoặc một số biểu hiện về thận, cơ xương khớp. Những người 50, 60,70 tuổi hay đau lưng, đau xương thì cứ nghĩ đó là bệnh của tuổi già nên đã bỏ qua, như vậy rất nguy hiểm”, TS Bạch Quốc Khánh nói.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ. Chỉ với xét nghiệm máu cũng có thể tìm ra những dấu hiệu chỉ điểm của bệnh. Nếu có biểu hiện thiếu máu, sốt kéo dài hoặc đau nhức xương không rõ nguyên nhân, cần đến các bệnh viện chuyên ngành huyết học để được chẩn đoán chính xác./.
Văn Hải/VOV