Cửa khẩu số - Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ năm, 28/12/2023 - 10:41

TNV - Chuyển đổi số nhu cầu tất yếu và cần thiết đối với khu vực kinh tế cửa khẩu , nhằm cải thiện năng lực thông quan hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu, góp phần hiện thực mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Hành khách làm thủ tục xuất cảnh qua cổng kiểm soát  tự động tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của cấp trên về nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu, bộ đội biên phòng (BĐBP) Lạng Sơn đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng cửa khẩu thực hiện tốt công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh; tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động ra, vào khu vực cửa khẩu đối với người, phương tiện; hướng dẫn, phân luồng, điều tiết phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh, bảo đảm trật tự,tạo môi trường an ninh, an toàn ở khu vực cửa khẩu, tạo thuận lợi chohoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu được biết lưu lượng người ra vào cửa khẩu Chi Ma mỗi ngày khoảng vài trăm người. Trước đây, mọi người phải xếp hàng để đăng ký trên giấy khai báo với các nội dung tên tuổi, quê quán, nơi thường trú, mục đích vào cửa khẩu... mất nhiều thời gian. Từ ngày sử dụng thẻ có mã QR do Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma cấp cho người dân có dán ảnh, họ tên, nơi thường trú, số điện thoại, số căn cước công dân,cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma dùng thiết bị quét mã QR trên thẻ của từng người với thao tác nhanh chóng.Khi người ra, vào cửa khẩu, cán bộ biên phòng chỉ cần quét mã QR trên thẻ thì các dữ liệu thông tin cá nhân, thời gian ra, vào khu vực cửa khẩu của khách tự động cập nhật vào hệ thống máy tính.

Trao đổi với chúng tôi Trung tá Trần Quang Thùy, nhân viên kỹ thuật của Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma người có sáng kiến xây dựng phần mềm ứng dụng quét mã QRcho biết: “Xuất phát từ thực tế thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu đặc biệt là xuất nhập cảnh phương tiện và người qua cửa khẩu còn nhiều khâu thủ công như tra cứu, thống kê, tổng hợp báo cáo mất rất nhiều nhân lực và thời gian, chưa đáp ứng đượcđòi hỏi trong tình hình mới.Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã có nghị quyết, biện pháp kích thích sáng tạo của cá nhân, tập thể nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.  Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã cửmột số anh em nhân viên kỹ thuật của đơn vị thành lập một nhóm nghiên cứu.Mặc dùgặp phải rất nhiều khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm và những trải nghiệm trên thực tế, sựđộng viên khích lệ của các lãnh đạo,chúng tôi đã  không ngừng học hỏi tìm tòi, nghiên cứu, đã có sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp 2 của Bộ Quốc phòng”.

Nếu như trước đây, mỗi người đi vào cửa khẩu mất từ 30 giây đến 2 phút để đăng ký thì bây giờ chỉ mất 1 giây. Ứng dụng quét thẻ có mã QR giúp kiểm soát được chính xác số lượng người ra vào khu vực chờ khai, phục vụ hiệu quả cho công tác thống kê, kiểm soát, tra cứu, quản lý đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực chờ khai. Sử dụng thẻ có mã QR kiểm soát người ra vào khu vực chờ khailà một trong những sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin của BĐBP Lạng Sơn trong công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.Triển khai Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử trên Cổng thông tin biên phòng điện tử kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Hành khách xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Tại 4 cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị và Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn triển khai thực hiện “Kiểm soát XNC bằng mã vạch” và 10 ngày đóng dấu kiểm chứng một lần. Qua đó, rút ngắn thời gian làm thủ tục XNC cho hành khách và các đối tượng lái xe Việt Nam xuất nhập cảnh (XNC) qua các cửa khẩu sang Trung Quốc giao, nhận hàng hóa, giảm thời gian làm thủ tục, giảm số lần đóng dấu kiểm chứng vào giấy thông hành, giảm chi phí cấp giấy thông hành cho hành khách và lái xe Việt Nam.

Năm 2017, BĐBP Lạng Sơn đã nghiên cứu, xây dựng Đề tài phần mềm quản lý phương tiện XNC và ra vào khu vực cửa khẩu giúp công tác kiểm soát, đăng ký tích hợp đầy đủ, nhanh chóng các dữ liệu liên quan đến lái xe, phương tiện, hàng hóa, đảm bảo tổ chức quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và chia sẻ dữ liệu cần thiết cho các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp XNC, xuất nhập khẩu hàng hóa, được Bộ Tư lệnh BĐBP thẩm định, phê duyệt và được UBND tỉnh cho phép áp dụng tại 7/12 cửa khẩu của tỉnh.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BĐBP Lạng Sơn đã nghiên cứu, cải tiến, tạo thêm các trường dữ liệu trong phần mềm quản lý phương tiện tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma để kiểm tra, phân tích, thống kê số lượng, loại phương tiện, loại hàng hóađã xuất cảnh, đang chờ xuất cảnh và họ tên lái xe chờ đến lượt giao, nhận hàng hóa trong khu vực chờ khai, làm cơ sở cho việc tuyên truyền, thông báo, yêu cầu lái xe test Covid-19 tại cửa khẩu, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh tại khu vực chờ khai.

Từ năm 2019 - 2021, các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Chi Ma được Bộ Tư lệnh BĐBP trang cấp “Cổng kiểm soát XNC tự động” gắn với hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ kiểm soát tự động đối với cư dân biên giới XNC sử dụng giấy thông hành và giấy thông hành XNC vùng biên giới có dán mã vạch để tự động hóa công tác làm thủ tục và kiểm soát XNC.

Công nghệ này đã giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục cho mỗi hành khách từ 1 phút xuống còn 15 - 20 giây, giảm số lượng cán bộ trực tiếp kiểm soát và tiếp xúc với người dân, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình kiểm soát XNC, tạo được hình ảnh hiện đại của cửa khẩu trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể khẳng định, nền tảng cửa khẩu số đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu.

Ngọc Khanh