Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổng kết hoạt động năm 2019 và dự kiến một số hoạt động năm 2020

Thứ ba, 07/01/2020 - 08:39

TNV - Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước được thành lập năm 1962, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về văn thư lưu trữ trong phạm vì cả nước, quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia và thực hiện các dịch vụ công về văn thư và lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hiện có 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang bảo quản hơn 30 km giá tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc các chế độ khác nhau, của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử. Những tài liệu còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay là khối tài liệu quan trọng có giá trị đặc biệt và thiết thực phát huy được giá trị trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Đặc biệt, trong đó có khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là tư liệu di sản thế giới năm 2009; khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2017; tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam tổ chức trưng bày chuyên đề: “Những dấu mốc về lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Quảng Nam trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” ngày 04/7/2019.

Năm 2019, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã đạt được một số kết quả đáng biểu dương. Cục đã tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 02 Thông tư về Văn thư, Lưu trữ điện tử. Đây được coi là văn bản đầu tiên, đặt nền móng cho Văn thư lưu trữ điện tử, yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Hoàn thiện, trình Bộ Nội vụ để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8 tháng 4 năm 2004 về công tác Văn thư, trong đó có quy định về văn bản điện tử. Hoàn thiện, trình Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án “Thực hiện nhiệm vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử của các cơ quan nhà nước”.

Chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tổ chức 13 cuộc trưng bày, triển lãm trong nước, 02 cuộc triển lãm tại Cộng hòa Pháp và Liên bang Nga (“Hồ Chí Minh: Danh nhân văn hóa” tại Pháp và “Việt Nam - Điểm đến” tại Liên bang Nga); biên soạn và xuất bản 04 ấn phẩm “Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tài liệu lưu trữ quốc tế”, “Tập kết Cao Lãnh năm 1954 - Ra đi để trở về”, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn”; Cung cấp tài liệu lưu trữ phục vụ sản xuất series phim tài liệu “Những giải mã mang tên Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam; Phối hợp Truyền hình Quốc hội, Công ty TNHH Bảo tàng radio thực hiện việc giới thiệu tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục trên sóng truyền hình và mạng xã hội, đặc biệt là khối hồ sơ, kỷ vật của Cán bộ đi B; Công bố, ra mắt phim “Hồ Chí Minh: phác họa chân dung một chính khách” (mua bản sao và bản quyền sử dụng của Viện phim quốc gia Pháp). Xuất bản sách “Điện Biên Phủ: 13/3-07/5/1954” - tác giả Ivan Cadeau - Pháp. Và cuối cùng là Ký thỏa thuận hợp tác trong công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ với một số quốc gia: Pháp, Nga, Lào, Indonesia và cơ quan trung ương và địa phương.

Một số hình ảnh mộc bản được trưng bày

Dự kiến năm 2020, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước sẽ tổ chức 24 cuộc triển lãm trong nước, 03 triển lãm ở nước ngoài, biên soạn và xuất bản 10 ấn phẩm từ tài liệu lưu trữ như: Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn; Sài Gòn - Từ thành thị phong kiến đến thành phố kiểu phương Tây; Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1975); Triển lãm Quân đội Anh hùng vững bước dưới cờ Đảng quang vinh…

Ngoài ra còn có một số hoạt động khác như: Xuất bản sách “Địa danh hành chính Bắc Kỳ. Biên soạn và xuất bản sách “Chuyến bay Liên hợp 37 của phi hành đoàn Liên Xô - Việt Nam. Phối hợp với Lưu trữ Liên bang Nga biênbiên soạn sách “Tuyển tập tài liệu về Hội nghị Pari”; Biên soạn và xuất bản sách “Hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B”; Biên soạn và Xuất bản sách nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (1945-2020); Biên Soạn và xuất bản Sách Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Cu Ba (1960-2020); Biên soạn và Xuất bản sách “Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - Thành phố Ho Chi Minh” Biên soạn sách Dấu tích kinh thành Huế - Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn"; Biên soạn sách “Nghề đóng tàu thuyền dưới triều Nguyễn”; Biên soạn sách “Danh tướng Nguyễn Công Nhàn qua Châu bản triều Nguyễn”.

B.H