Những cuộc điện thoại vội vã của các chiến sỹ quân y trước khi lên đường đã dồn nén gói gém tất cả tình cảm với gia đình. Bởi nhận lệnh khẩn vào lúc nửa đêm sáng sớm hôm sau phải lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh, các cán bộ quân y chỉ kịp chuẩn bị tư trang trong ca trực, không kịp ghé qua nhà. 100 bác sỹ, y tế người đến từ Học viện Quân y, người đến từ Bệnh viện Quân y 7, Bệnh viện Quân y 103 và Viện Y học cổ truyền Quân đội, từ sáng sớm đã có mặt tại điểm tập kết Lữ đoàn Vận tải 971 Sóc Sơn để chuẩn bị lên đường.
Tất cả đều một màu đồng phục dã chiến, một chiếc ba lô đơn giản gọn nhẹ trên vai, đó là toàn bộ hành trang đi chống dịch. Đây là những tâm sự vội vàng của Trung sỹ Nguyễn Quang Sang, Học viện Quân y, của thiếu tá Nguyễn Thị Kiên và Thiếu tá Lưu Thị Nguyệt Anh Bệnh viện Quân y 7 trước giờ lên đường:
“ - Em đi đã báo với gia đình chưa?
Em định vào trong kia mới báo với gia đình.
Em nhận được lệnh từ bao giờ?
Dạ em nhận được từ đêm qua 12 giờ đêm qua.”
“- Chồng em thì chưa biết ạ, tại vì em nhận lệnh trong đêm, em chưa kịp báo, chồng em đi công tác rồi, chồng em cũng lực lượng vũ trang, chồng em là công an. ”
“ - Em cũng đêm hôm qua mới nhận được lệnh thôi, chúng em chuẩn bị rất nhanh, gọn nhẹ đều có mặt đúng giờ”.
Chuyến công tác đột xuất này có thể là 15 ngày có thể là lâu hơn nữa, không ai hỏi ngày về, bởi vì số ca bệnh vẫn tăng cao, và đồng đội đi trước vẫn đang miệt mài cứu chữa bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến nhiều tuần với điều kiện muôn vàn khó khăn và thời tiết khắc nghiệt, nhưng ai cũng kiên cường bám trụ chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh. Và họ hiểu khi đã khoác trên mình 2 màu áo chiến sỹ, bác sỹ thì những lúc gian nguy bệnh dịch, hơn lúc nào hết là lúc Nhân dân cần, Tổ quốc cần tới họ.
Trong tâm trạng mong muốn mau chóng vào vùng dịch, Đại úy, bác sỹ Đặng Văn Ba khoa hồi sức nội, Bệnh viện Quân y103, bày tỏ: “Chứng kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, và các anh em đồng nghiệp trong đó cho biết số lượng bệnh nhân F0, đặc biệt là số lượng bệnh nhân F0 nặng rất nhiều, bản thân chúng tôi cũng rất nóng lòng, rất muốn được vào để tăng cường, để giúp được cho anh em nhân viên y tế, giúp được cho người bệnh phần nào hay phần đấy”.
Xác định rõ đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, kể cả các học viên trẻ như Trung sỹ, Phạm Công Kim, Học viên Học viện Quân y cũng sẵn sàng cống hiến sức mình và xác định rõ được nhiệm vụ khi được tăng cường cho bệnh viện dã chiến tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi được tập huấn 3 đợt rồi, tập huấn về các kỹ năng lấy mẫu cũng như là chạy mẫu xét nghiệm, chúng tôi có thể phụ giúp về mảng xét nghiệm cho công tác chống dịch, và công tác điều dưỡng chúng tôi cũng sẽ làm được”- Trung sỹ Học nói.
Để lại phía sau là vợ, là chồng, là con, là bố mẹ già, nhưng hậu phương của người chiến sỹ cũng luôn trân trọng, hiểu công việc của quân nhân, để toàn tâm toàn ý cho tuyến đầu đang khẩn thiết cần đến con em họ. Nhờ vậy các chiến sỹ yên tâm, quyết tâm lên đường dẫu còn không ít những bộn bề nhiều nỗi. Nhất là với những gia đình cả hai vợ chồng đều công tác trong lực lượng vũ trang và đều là lực lượng tuyến đầu, như trường hợp của các điều dưỡng quân y Nguyễn Thị Kiên và Lê Thị Thu Hiền hay trong cảnh nhà neo người như trường hợp Thiếu tá Đỗ Mai Phương: “-Một cháu học lớp 10, một cháu học lớp 4 nhưng bố mẹ thường xuyên phải đi trực qua đêm, chồng em hiện giờ đang ở trong khu cách ly, nhiệm vụ quản lý trong khu cách ly nên hai cháu được rèn luyện từ rất lâu rồi nên đã quen với việc bố mẹ vắng nhà nên tự hai chị em bảo nhau học tập sinh hoạt, ăn uống".
“-Tôi cũng để con ở nhà cùng với ông, còn bố cháu thi thoảng cũng phải đi công tác nên ông là phụ trách chính.”
“- Hai chị em ở nhà tự trông nhau, tôi xác định nhiệm vụ của mình là lên đường chung tay, góp sức chống dịch với bà con trong miền Nam, xác định rõ nhiệm vụ nên không có gì lăn tăn” .
Cuộc chia tay của các chiến sỹ bác sỹ cũng diễn ra rất đặc biệt, không có người thân, chỉ đồng đội nắm tay đồng đội giữa bộn bề bao bệnh nhân đang chờ đợi. Họ lên đường tiếp bước hàng trăm cán bộ, y bác sỹ quân đội đang có mặt tại 7 bệnh viện dã chiến do quân đội thành lập tại vùng dịch ở các tỉnh phía Nam, nơi đang chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid với quyết tâm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, vì một ngày mai không còn dịch bệnh. /.
Nguyên Nhung/VOV1