Sau hơn 12 giờ đồng hồ thực hiện phẫu thuật, tạo hình cho 2 bé song sinh dính liền vùng bụng chậu Trúc Nhi – Diệu Nhi, vào lúc 18h40 tối nay (15/7), cuộc đại phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.
Sau khi đến phòng hồi sức, sinh hiệu của bệnh nhi ổn định
Sau khi hoàn tất tạo hình, bó bột, 2 bé đã được chuyển qua phòng hồi sức để tiếp tục theo dõi.
Trả lời báo chí sau cuộc phẫu thuật, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng TPHCM - Trưởng ê kip phẫu thuật, cho rằng, đây mới chỉ là thành công bước đầu, vì sau khi trải qua cuộc mổ dài, vấn đề hồi sức cho Trúc Nhi và Diệu Nhi là một thử thách lớn.
Bác sĩ Định chia sẻ, khi chuẩn bị thực hiện cuộc đại phẫu này, các bác sĩ cảm nhận đây là thử thách rất lớn, vì từ khi chào đời, được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, hai bé đã trải qua thời kỳ sơ sinh đầy sóng gió. Đặc biệt, bé Diệu Nhi yếu hơn nên bệnh viện đã tốn rất nhiều công sức để cứu bé. Sau hơn một năm nuôi dưỡng 2 bé, bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành trải qua nhiều cuộc hội chẩn để đi đến quyết định táo bạo trên.
Trưởng ê kip phẫu thuật cũng cho biết, cuộc mổ không quá khó khăn, chỉ có bé Diệu Nhi trong thời kỳ sơ sinh rơi vào sốc và có biến chứng về thần kinh. Do đó, trong khi gây mê cho bệnh nhi, sinh hiệu có hơi dao động nên gây mê chú trọng nhiều hơn. Bên cạnh đó, 2 bé đã 13 tháng tuổi, xương đã bắt đầu cứng nên quá trình đục xương tách 2 bé ra gặp khó khăn nhưng nhanh chóng vượt qua được. Các bác sĩ cũng chuyền máu cho 2 bé không nhiều, đến mũi khâu cuối cùng, cuộc mổ chấm dứt thì 2 bé đều ổn định.
GS-TS Trương Quang Định - Giám đốc BV Nhi đồng TPHCM trả lời báo chí
Theo Giám đốc bệnh viện Nhi đồng TPHCM, hiện quá trình điều trị cho các bé về lâu dài vẫn còn ở phía trước, bởi sau cuộc mổ kéo dài, quá trình hồi sức, theo dõi nhiễm trùng sau mổ, phải lưu ý những biến cố có thể xảy ra. Sau đó, bác sĩ còn phải tái tạo đường tiêu hóa, tiết niệu, để khép lại khung chậu có hậu môn tạm cho 2 bé.
"Các bé hiện giờ vẫn có hậu môn tạm, được dẫn lưu bàng quang ra da. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật lại, sẽ rút ống dẫn lưu trong vòng 1 tuần, còn đường tiêu hóa sẽ đóng lại hậu môn tạm trong vòng 3 tháng nữa. Trong điều kiện dài hơn, chúng tôi sẽ phải cho tập vật lý trị liệu, điều chỉnh để cho các bé còn lớn lên phải đi lại, còn chuyện sinh con về sau nữa", bác sĩ Định cho biết thêm.
TS-BS Trương Quang Định là người thực hiện rạch đường đầu tiên bắt đầu cuộc mổ. Nhớ lại khoảng khắc khi bắt đầu kẹp những mạch máu và bắt đầu tách 2 bé ra, BS Định vẫn còn cảm giác hồi hộp. Vì 2 bé sống cộng sinh với nhau đến nay đã 13 tháng, sau khi tách ra có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh hiệu, đến nhịp tim, độ bão hòa oxy... May mắn là sau khi tách ra, sinh hiệu của Song Nhi đều ổn định. Ê kíp gây mê cũng như phẫu thuật đều rất vui mừng khi di chuyển 1 bé sang phòng kế bên, bắt đầu thực hiện tạo hình.
"Hai bé song sinh có một số cơ quan dính nhau, cùng chung 1 cơ quan duy nhất, ví dụ như chỉ có đường tiêu hóa. Điều lo lắng nhất là phân chia như thế nào, có phân chia được hay không nữa. Lúc mình thử kẹp mạch máu, mà tách ra được, sinh hiệu ổn định thì mình rất vui mừng", bác sĩ Định nhớ lại.
Hai bệnh nhi đã vượt qua những khó khăn bước đầu. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM và các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi điều trị cho Trúc Nhi và Diệu Nhi đến lúc 18 tuổi./.
Kim Dung/VOV