Hai lính chiến đánh giặc Mỹ và cùng bị thương trong một trận đánh khốc liệt cuối năm 1974, hai người không đủ sức khỏe để chiến đấu nên được đưa ra Bắc điều trị và ăn dưỡng tại Bắc Ninh. Lúc đó 2 người không còn liên lạc với nhau.
Thời điểm đó các doanh trại không có chỗ ở, lại không có nhiều doanh trại vì toàn quân tập trung cho miền Nam để bằng mọi cách thống nhất đất nước, nên các chiến sĩ được gửi gắm đến nhà dân, lúc đó nhà nước ta kêu gọi tinh thần của nhân dân, xung phong, tình nguyện đón nhận những chiến sĩ trở về, để họ ăn ở, sinh hoạt trong nhà khoảng 3 đến 6 tháng. Đây cũng là quân dự phòng khi khoẻ mạnh để tiếp tục lên đường nếu miền Nam cần chi viện.
Và một nhà dân ở Khả Lễ, Võ Cường, Hà Bắc, nay là Bắc Ninh đã nhận từng anh lính chiến ấy. Cái duyên thế nào hai người lại được gặp nhau tại gia đình ấy.
Một lính chiến thì đã có vợ nhưng vẫn chưa được về thăm quê, đó là bác Đa. Anh lính còn lại chính là bố của đạo diễn Tạ Huy Cường ông Tạ Ngọc Ái.
Sau những tháng ngày ăn ở, sinh hoạt và cùng làm nông nghiệp với gia đình có 8 người con đều là gái, trong đó 6 cô đã lấy chồng, còn 2 cô út chưa chồng. Và bố của anh Cường đã tán cô con gái áp út của chủ nhà, sau đó nên duyên vợ chồng. Đó là mẹ anh bà Diêm Thị Ninh.
Ngày bố mẹ Tạ Huy Cường cưới cũng là thời điểm cuối cùng mà bố anh và bác Đa gặp nhau. Và sau đó hai người mất liên lạc.
Đạo diễn Tạ Huy Cường nghẹn ngào chia sẻ: Tôi cũng được nghe bố mẹ kể về việc này những năm còn ở quê, đặc biệt là những câu chuyện về đồng đội của bố, nhưng cũng chỉ biết nghe và chưa biết bắt đầu từ đâu vì bố không còn dữ liệu thông tin của đồng đội.
Sau 48 năm, từ cuốn sổ tay nho nhỏ được tìm thấy trong gia đình bác Đa, vừa rồi bác Đa và con trai của bác có tìm về quê bố tôi ở Châu Minh, Hiệp Hoà, Bắc Giang, và có gặp người họ hàng của nhà tôi.
Có số điện thoại của bố tôi nhưng chưa gặp được, vì nhà tôi ở cách quê của bố khoảng hơn 10km, hôm đó bố có việc bận đi đâu nên cũng không ở nhà. Và hẹn bác Đa sẽ đến nhà bác ấy tại Tiên Du, Bắc Ninh.
Tôi thực sự xúc động khi đưa bố đến gặp bác ấy khi hai người lính cụ Hồ, hai thương binh nặng gặp nhau, trong mỗi người họ đều vẫn có những mảnh đạn, đầu đạn còn nằm trong cơ thể, khi họ thấy nhau là họ đã khóc như đứa trẻ. Chứng kiến cảnh đó mà bản thân tôi cùng ekip và các con bác Đa không kìm nổi nước mắt. Tất cả những khoảnh khắc đó tôi và ekip có ghi lại được. Nếu có cơ hội tôi sẽ dựng thành một MV.
Cuộc hội ngộ quá tuyệt vời khi cả gia đình bác Đa đón tiếp. Bởi bác Đa luôn tự hào với gia đình bác ấy khi có một người bạn chiến đấu ở nửa thế kỷ trước là bố em. Hôm nay, họ mới được gặp.
Mẹ tôi và vợ bác Đa gặp nhau mà họ nói nhiều, rất nhiều, bởi những tháng ngày bác Đa ở nhà ông bà ngoại tôi nhưng chưa được về quê thăm gia đình, nhớ vợ, nhớ con nhưng vẫn phải tập trung điều trị những vết thương, và sẵn sàng lên đường nếu miền Nam cần thiết. Vợ bác Đa và các con của bác nghe mẹ tôi kể mà bà khóc như mưa.
Bà nói: 10 năm nhập ngũ không biết tin tức của chồng, tưởng chừng điều xấu nhất đã xảy ra. Và nhiều kỉ niệm được mẹ em kể lại sau khi bác Đa từ chiến trường miền Nam về Bắc Ninh.
Về cuốn sổ tay mà bác Đa đã giữ suốt 50 năm. Từng nét chữ là của từng đồng đội, trong khoảnh khắc nào đó mà bác Đa đưa cuốn sổ cho từng người ghi tên và địa chỉ của mình để mong sau giải phóng đất nước họ đoàn tụ. Đây là một kỉ vật vô cùng giá trị để khắc ghi lại một phần lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Cuốn sổ bác ấy giữ đã nhuốm màu thời gian và có địa chỉ của khoảng hơn 10 chiến sĩ năm ấy.
Tôi và con trai bác Đa quyết định lên kế hoạch đi tìm những người còn lại, nếu ai đó đã chết thì thắp hương cho họ, bởi tuổi của họ cũng 75-80 rồi, nếu còn sống thì để các ông gặp nhau.
Thật sự, quá tự hào về những anh bộ đội cụ Hồ như bố tôi và bác Đa.
Chạm tay vào cuốn sổ đã cất giữ 50 năm, trong đó có địa chỉ của hơn 10 chiến sĩ năm ấy, tôi và con trai bác Đa lên kế hoạch đi tìm những người còn lại, nếu may mắn họ còn sống thì cũng đã gần 80 tuổi rồi, để những người đồng đội của bố tôi còn kịp thời gian được gặp lại nhau ôn lại những ngày tháng chiến đấu anh dũng, còn nếu không may họ đã qua đời, thì những người con như chúng tôi, sẽ tới thắp hương và tưởng nhớ họ.
Tôi cứ ngỡ như là một giấc mơ vậy, có một người bạn và nhớ đến bố mình suốt 50 năm giờ người ấy trở thành tri kỷ để trò chuyện mỗi ngày, không cần giàu sang hay quyền lực, có lẽ với những người lính, họ chỉ cần như thế là quá đủ” anh Cường bộc bạch tâm nguyện của mình cũng như của bố anh và bác Đa – những người lính cụ Hồ đã tìm thấy nhau sau 50 năm đằng đẵng một đời người.
L. Thuý Hằng (ghi)