Bệnh nhân N.B.T. là trường hợp lớn tuổi nhất tại Việt Nam bị đột quỵ não được cứu sống thành công - Ảnh: VGP/AN
Khoa Đột quỵ não (Viện Thần kinh, Bệnh viện 108) tiếp nhận bệnh nhân T. trong tình trạng liệt gần hoàn toàn nửa người bên phải, nói khó, huyết áp tăng cao. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định chụp CT và CT mạch máu não.
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ 2 kể từ khi khởi phát, cân nhắc điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân quá cao tuổi, việc chỉ định điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết phải hết sức thận trọng do có nhiều nguy cơ biến chứng.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ trong nhóm cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện 108 đã thống nhất sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân với liều thấp 0,6 mg/kg, thay vì liều tiêu chuẩn 0,9 mg/kg để hạn chế biến chứng xuất huyết. Sau tiêm thuốc 1 giờ, tay và chân bên phải của bệnh nhân đã có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo, nói rõ hơn. Sau 24 giờ, hình ảnh cắt lớp vi tính sọ não của bệnh nhân cho thấy hoàn toàn bình thường.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện trong trạng thái hồi phục hoàn toàn.
TS. Nguyễn Quang Lĩnh (Khoa Đột quỵ não) chia sẻ, trong điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân trên 80 tuổi được xem là đối tượng cần cân nhắc kĩ lưỡng vì tỉ lệ biến chứng cao. Theo y văn, kỷ lục về bệnh nhân già nhất trên thế giới được điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch thành công được ghi nhận tại Mỹ vào năm 2021 với cụ bà 105 tuổi, vượt qua bệnh nhân 101 tuổi trước đó. "Tại Việt Nam, theo chúng tôi được biết, đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được công bố điều trị thành công bằng phương pháp này".
Đột quỵ thiếu máu não chiếm tới 80% các trường hợp đột quỵ nói chung. Hiện nay, chỉ có 2 phương pháp tái thông mạch, đó là điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân có tắc mạch lớn. Do cửa sổ thời gian điều trị tái thông rất hẹp, trong vòng 3-4,5 giờ từ khi khởi phát, vì vậy chỉ có khoảng 3-5% bệnh nhân được tiếp cận với những phương pháp này, chủ yếu do đến viện muộn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Khi bệnh nhân đến viện càng sớm thì có cơ hội phục hồi càng tốt. Do đó, người dân cần nắm rõ các triệu chứng khởi phát đột quỵ não, như: Méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ... để khẩn trương đưa bệnh nhân tới các bệnh viện có khả năng cấp cứu và điều trị đột quỵ não, BS. Nguyễn Quang Lĩnh khuyến cáo.
Theo Chinhphu