Theo cựu danh thủ người Anh, Eric Steele, trong cuộc đời Sir Alex Ferguson, ông chỉ bỏ lỡ 2 trận đấu của Man United. Đầu tiên là trận derby Manchester năm 2000 vì đám cưới của con trai mình, và lần còn lại là để xem giò một chàng trai sở hữu tài năng xuất chúng đến từ thủ đô Madrid, Tây Ban Nha - David de Gea.
Khi mới cập bến “Nhà hát của những giấc mơ”, cầu thủ sinh năm 1990 chỉ là một chàng trai mảnh khảnh và trông có phần yếu ớt. Chính vì lẽ đó, Eric Steele, lúc bấy giờ là một thành viên trong ban huấn luyện của "Quỷ đỏ", đã phải can thiệp bằng cách thay đổi toàn bối lối sống của anh chàng.
Từ việc ngăn chặn cậu ăn muộn vào ban đêm hay chỉ ngủ hai đến ba giờ một ngày, cho đến việc phải bắt cậu ta uống bổ sung protein để đảm bảo đủ sức khỏe trong khi luyện tập và thi đấu căng thẳng. Để rồi trải qua 3 năm thi đấu, cầu thủ ốm tong teo ngày nào đã là một cậu thanh niên với ngoại hình vạm vỡ hơn và từng bước trở thành một biểu tượng của sân Old Trafford.
Sinh ra ở Madrid, David de Gea bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo Atletico Madrid, thăng tiến qua hệ thống lò đào tạo của đội bóng thủ đô Tây Ban Nha trước khi ra mắt đội một vào năm 2009 ở tuổi 18.
Sau khi giành lấy ngôi vị người gác đền số một của Atletico, De Gea góp phần giúp đội vô địch UEFA Europa League và UEFA Super Cup vào năm 2010. Màn trình diễn của thủ thành sinh năm 1990 sau đó đã thu hút sự chú ý của Sir Alex Ferguson.
Với nhiều sự kỳ vọng đến từ BLĐ lẫn người hâm mộ “Quỷ đỏ” rằng De Gea sẽ có thể kế thừa sự nghiệp lẫy lừng của những vị tiền bối nổi danh trong lịch sử như Peter Schmeichel hay Edwin van der Sar.
Tuy thời gian đầu có chút chật vật, De Gea đã nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện thể chất cũng như tâm lý thi đấu đã biến De Gea từ một thủ môn có dáng “mỏng cơm” và non nớt, trở thành người gác đền đáng tin cậy nhất Man United suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Sau 12 năm nhiều thăng trầm, David de Gea vào tối ngày 8/7 (theo giờ Việt Nam) đã đi đến quyết định nói lời tạm biệt với "Nhà hát của những giấc mơ", để lại sau lưng di sản đáng nể ở CLB.
Hơn 500 lần ra sân, 190 trận giữ sạch lưới, cùng "Quỷ đỏ" đoạt 8 danh hiệu lớn nhỏ, 2 danh hiệu "Găng tay vàng Ngoại hạng Anh", 5 lần lọt vào "Đội hình tiêu biểu Ngoại hạng Anh", 1 lần lọt vào "Đội hình tiêu biểu châu Âu", 4 giải thưởng Sir Matt Busby (Cầu thủ xuất sắc nhất Man United do người hâm mộ bầu chọn), 4 lần đoạt giải "Cầu thủ xuất sắc nhất Man United" do đồng đội bầu chọn.
Tuy nhiên, vĩ đại là thế, nhưng rõ ràng De Gea không còn phù hợp với nền bóng đá hiện đại. Bất chấp dẫn đầu Ngoại hạng Anh mùa 2022/23 về số trận giữ sạch lưới, song De Gea thường xuyên có những pha xử lý thiếu an toàn.
Thật khó để loại De Gea. Anh là một cầu thủ trung thành và rõ ràng dành nhiều tình cảm cho Man United. Tuy nhiên, sự "out meta" của thủ thành này khiến đội bóng của Erik ten Hag phải trả giá quá đắt trong nhiều trận đấu.
De Gea ra đi sẽ tạo điều kiện cho nhà cầm quân Hà Lan thực hiện cuộc cách mạng toàn diện. Khi lối chơi được định hình, "Quỷ đỏ" mới có hy vọng cạnh tranh ngôi vô địch. Ngược lại, De Gea vẫn tài năng, song không còn phù hợp với bóng đá hiện đại. Ten Hag cần một thủ môn biết chơi chân trong đội, điều De Gea không thể đáp ứng, dẫn đến viễn cảnh đôi bên đã chấm dứt mối lương duyên kéo dài 12 năm.
De Gea ra đi cũng đặt dấu chấm hết cho một triều đại ở Man United. Kể từ sau chức vô địch Ngoại hạng Anh 2012/13, Man United trải qua hàng loạt biến cố. Bất kể là David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer hay Ralf Rangnick, họ chưa bao giờ lấy lại được vị thế của mình.
Về phần De Gea, anh đại diện cho những ký ức đẹp với những pha cứu thua xuất thần, nhưng cũng chính anh đại diện cho một M.U cũ kỹ, cản trở sự phát triển của đội bóng. Sau tất cả, đã đến lúc nói lời tạm biệt huyền thoại.